Skip to main content
x
7 November 2013

     Nghiên cứu thực tế là một hoạt động chuyên môn thường xuyên có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho mỗi bài giảng của giảng viên. Thực hiện nghiên cứu thực tế hiệu quả sẽ đảm bảo nguyên tắc trong dạy và học lý luận phải gắn liền với thực tiễn, làm phong phú thêm các nội dung lý luận của bài giảng. Yêu cầu của hoạt động giảng dạy ở trường chính trị là giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới, số liệu xác thực để bổ sung vào nội dung bài giảng và xử lý tốt các tình huống trong hoạt động chuyên môn. Vì vậy trong từng năm học cụ thể, nhà trường yêu cầu các khoa phải xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế một cách cụ thể và thực hiện nghiêm túc để góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cho địa phương.

     Là một hoạt động chuyên môn quan trọng nhưng việc nghiên cứu thực tế của giảng viên nhà trường còn những khó khăn bất cập nhất định. Việc đi nghiên cứu thực tế còn phụ thuộc vào kinh phí, phương tiện đi lại của nhà trường, giảng viên đến cơ sở thiếu kỹ năng thực tế nên đôi khi chưa nhận được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương làm cho hoạt động nghiên cứu thực tế trở nên kém hiệu quả, số liệu không xác thực, nội dung nghiên cứu chưa thực sự bám sát thực tiễn quản lý; hoạt động nghiên cứu thực tế tuy có đa dạng về hình thức nhưng tiến độ thực hiện chậm hơn so với kế hoạch đề ra như ban đầu, chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều đó đã gây ra những khó khăn nhất định dẫn đến việc đánh giá chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên. Để hoạt động nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Thứ nhất, giảng viên nhà trường cần xác định rõ cùng với hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học thì hoạt động nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ không thể thiếu của mỗi giảng viên. Những nhiệm vụ này có mối quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau để góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao hiểu biết thực tiễn của giảng viên. Trong từng năm học cụ thể, căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu thực tế của nhà trường, các khoa đều xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế, xác định rõ mục đích yêu cầu, địa điểm đi nghiên cứu để làm căn cứ cho việc thực hiện. Các khoa cần quán triệt sâu sắc trong giảng viên về yêu cầu nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế, lấy kết quả nghiên cứu thực tế là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên hàng năm, thực hiện chế độ khen thưởng kịp thời để động viên khuyến khích giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

     Thứ hai, hoạt động nghiên cứu thực tế cần sự hỗ trợ của nhà trường từ việc định hướng về nội dung nghiên cứu sao cho phù hợp đến phương tiện đi lại và liên hệ với các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giảng viên tham gia. Hiện nay các khoa tổ chức nghiên cứu thực tế thành các đoàn, đến các địa điểm đã lên kế hoạch trước đó, việc đi lại của giảng viên cần có sự hỗ trợ về phương tiện ô tô để đến được các xã vùng sâu vùng xa; các xã có đường đi lại thuận lợi hơn các khoa và giảng viên tự túc phương tiện đi lại đảm bảo sự chủ động trong thực hiện các nội dung nghiên cứu.

     Thứ ba, hình thức nghiên cứu thực tế có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường. Hàng năm các khoa xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tham gia nghiên cứu thực tế cùng các lớp đào tạo bồi dưỡng của nhà trường. Để việc nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả, phát huy được tính tích cực của giảng viên, nhà trường nên chú trọng hình thức nghiên cứu thực tế theo các lớp học. Với vai trò của người thầy, các giảng viên đi nghiên cứu thực tế phải tự ý thức và nâng cao trách nhiệm đối với hoạt động của lớp. Các lớp đào tạo bồi dưỡng của nhà trường khi nghiên cứu xong phần nội dung lý luận đều có thời gian nghiên cứu thực tế trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh. Vì vậy lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện cho giảng viên kết hợp nghiên cứu thực tế cùng các lớp. Hiện nay các phần học của hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính chủ yếu nghiên cứu thực tế tại các xã, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên số lượng giảng viên được tham gia thực tế cùng lớp lại rất hạn chế, thường chỉ có một hoặc hai giảng viên được tham gia mà chủ yếu là lãnh đạo các khoa chuyên môn phụ trách nội dung phần học. Điều này đã hạn chế phần nào cơ hội đi nghiên cứu thực tế của các giảng viên khác. Việc nghiên cứu thực tế ở ngoài tỉnh cần phải đa dạng hơn nữa về nội dung nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở việc tham quan, học tập kinh nghiệm mà cần tạo sự chủ động cho học viên khi đi nghiên cứu thực tế bằng việc đến thăm các mô hình cụ thể, khuyến khích khả năng tự quan sát, trao đổi, tự đánh giá và rút ra những bài học cho bản thân có thể vận dụng vào quá trình công tác của họ. Báo cáo nghiên cứu thực tế cần phải được đánh giá một cách chính xác để tránh việc viết báo cáo cóp nhặt của người khác, mang tính đối phó không mang lại hiệu quả, không đạt được mục đích yêu cầu của chuyến đi nghiên cứu thực tế.

     Thứ tư, mỗi giảng viên cần phải thể hiện trách nhiệm của bản thân trong việc nghiên cứu thực tế, xác định rõ nghiên cứu thực tế là một hoạt động chuyên môn nhằm phục vụ cho công việc giảng dạy. Vì vậy giảng viên nhà trường phải thường xuyên cập nhật các thông tin từ địa phương vào bài giảng, có sự phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn những vấn đề được nghiên cứu và đưa các thông tin đó vào bài giảng một cách phù hợp, mỗi bài giảng đều phải gắn nội dung lý luận với kiến thức thực tiễn từ địa phương.

     Nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn của nhà trường hiện nay. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không những giúp cho giảng viên nhà trường tự cập nhật thông tin thực tiễn của địa phương mà còn xây dựng một đội ngũ giảng viên có bề dày kinh nghiệm đảm bảo giảng dạy lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Nghiên cứu thực tế còn là môi trường để mỗi giảng viên trẻ trong nhà trường có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm và nghiên cứu nhiều vấn đề mới của đời sống xã hội. Thông qua nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên sẽ nhận thấy mình cần những thông tin nào phù hợp cho bài giảng và vận dụng vào thực tiễn công tác một cách hiệu quả nhất./.

                                                                                                        Dương Thị Quý

                                                                                              GV. Khoa Nhà nước và Pháp luật