Skip to main content
x
19 June 2013

     Chất lượng trong giáo dục – đào tạo là một vấn đề lớn và rất đáng quan tâm đối với hệ thống giáo dục nói chung và đối với các trường chính trị nói riêng. Có thể nói một trong những khâu trọng yếu và có tính quyết định rất lớn đối với chất lượng dạy và học hiện nay đó là việc giảng viên chuẩn bị giáo án như thế nào? Có đảm bảo và đáp ứng theo yêu cầu hay không? Với những yêu cầu đó, bài viết xin chia sẻ và trao đổi một số nội dung giảng viên cần lưu ý khi chuẩn bị bài giảng.

vb

     Việc chuẩn bị bài giảng cần thực hiện theo các bước như sau:

     - Khi giảng viên nhận nhiệm vụ, có lịch lên lớp của Phòng Đào tạo, người giảng viên cần tìm hiểu và nắm một số thông tin như sau: Dạy bài gì? trong chương trình nào? đối tượng học viên là ai? Trình độ nhận thức của học viên như thế nào? thời gian thực hiện là buổi sáng hay buổi chiều?...Đây là những thông tin rất quan trọng mà người dạy cần phải nắm vững để chuẩn bị bài giảng. Bởi vì, mỗi bài giảng, tuỳ từng đối tượng học viên, nắm bắt được nhu cầu của người học, giảng viên sẽ xác định mục tiêu lựa chọn những phương pháp, lựa chọn phương tiện giảng dạy cho có hiệu quả nhất.

     - Chuẩn bị tư liệu, tài liệu:

     Hiện nay các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đều đã có giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, đây là điều kiện rất thuận lợi, nhưng để chất lượng bài giảng được đảm bảo, nội dung bài giảng phong phú và đa dạng thì việc chuẩn bị tư liệu, tài liệu theo tôi cũng là khâu rất quan trọng. Vì:

     Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn được bổ sung và phát triển phù hợp với thực tiễn, trong khi một số nội dung trong giáo trình đã tương đối cũ, nên người giảng viên cần phải trình bày những kiến thức mới, có tài liệu mới nhất, cung cấp cho học viên những kiến thức mới. Nhất là đối với đối tượng học viên là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên giảng viên cần phải mở rộng thêm kiến thức ngoài giáo trình, tránh tình trạng học viên phản ánh giảng viên giảng y như trong giáo trình, không có liên hệ với tình hình thực tiễn.

     Để có nguồn tư liệu phong phú, người giảng viên cần cập nhật những thông tin hằng ngày qua nhiều kênh khác nhau như: báo; các bài viết trên tạp chí chuyên ngành; đài phát thanh; đài truyền hình; Internet...Ngoài ra cần thu thập thêm những thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những số liệu thông qua các cuộc điều tra, nghiên cứu mới được công bố. Nếu giảng viên biết khai thác những nguồn tư liệu, tài liệu đó một cách hợp lý để đưa vào bài giảng, chắc chắn bài giảng sẽ sâu hơn, sinh động hơn.

     - Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ như vậy, người giảng viên sẽ tiến hành xây dựng giáo án theo các bước đúng quy định. Thực tiễn cho thấy, nếu giáo án được giảng viên chuẩn bị công phu, chi tiết, đầy đủ sẽ đảm bảo thành công của bài giảng; ngược lại nếu chuẩn bị sơ sài, chưa đầy đủ thì việc giảng dạy sẽ không đảm bảo chất lượng.

     Khi soạn giáo án, theo tôi giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, cần phân bố thời gian cho từng nội dung, càng chi tiết càng tốt vì như vậy sẽ giúp khắc phục tình trạng “cháy giáo án”; tránh tình trạng những nội dung đầu thì giảng quá sâu, đến những phần cuối vì thời gian có hạn nên giảng lướt, hoặc qua loa, đại khái. Như vậy sẽ không có sự cân đối giữa các nội dung trong bài giảng.

     Giảng viên không nên quan niệm chỉ soạn giáo án một lần là xong; sau đó cứ có lớp là có thể sử dụng giáo án đó mãi, cần phải thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật những tin tức, số liệu mới. Sau mỗi lần lên lớp, qua thể hiện bài giảng, mỗi giảng viên tự rút kinh nghiệm về bài giảng của mình, và có thể chỉnh sửa luôn, để lần giảng tiếp theo được tốt hơn.

     - Hiện nay có rất nhiều phương pháp giảng dạy để giảng viên có thể sử dụng kết hợp với phương pháp thuyết trình để thực hiện bài giảng, nhưng việc sử dụng các phương pháp cũng cần lưu ý một số vấn đề như là: tuỳ từng nội dung để lựa chọn các phương pháp cho phù hợp; không nên sử dụng quá nhiều phương pháp trong một buổi học; sử dụng các phương pháp cũng phải đúng quy trình. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các phương tiện dạy học cũng như vậy, không nên quá lạm dụng các phương tiện mà chỉ dùng chúng để hỗ trợ bài giảng. Do đó, ngay từ khâu soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, giảng viên cần phải lựa chọn sao cho phù hợp với nội dung, với đối tượng học viên.

     Qua thực tiễn công tác, tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, qua trao đổi với học viên trong quá trình lên lớp, tôi có một số trao đổi và chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý khi chuẩn bị bài giảng, tin tưởng và hy vọng rằng mỗi giảng viên trước khi lên bục giảng, sẽ có một giáo án đầy đủ, đảm bảo nội dung kiến thức, bên cạnh những kiến thức thực tiễn đã được trang bị, giảng viên sẽ truyền đạt tới học viên những kiến thức hay, bổ ích, cần thiết đối với học viên. Đó cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị - hành chính hiện nay./.

                                                                             

                                                                                                                  Chu Minh Tâm

                                                                                                               GV.  khoa Dân vận