Skip to main content
x
17 May 2013

     Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Chính vì vậy nhiệm vụ trung tâm của nhà trưòng là đào tạo những người công dân tốt, cán bộ tốt cho phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là yêu cầu và nhiệm vụ của người giảng viên, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay; đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa như một cuộc cách mạng về phương pháp và cũng là quán triệt thực hiện việc đổi mới phương giáo dục mà Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XI đề ra. Là một giảng viên giảng dạy các môn học quản lý nhà nước ở trường chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến về vai trò của người giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn quản lý nhà nước. Đổi mới phương pháp giảng dạy đối với giảng viên giảng dạy bộ môn quản lý nhà nước cần thực hiện các vấn đề sau:

     Một là, giảng viên phải nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Khi được Khoa, lãnh đạo trường phân công đến giảng dạy tại một lớp nào đó, giảng viên cần có sự liên hệ với cơ sở đào tạo của trường hoặc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố tìm hiểu và nắm được cụ thể đối tượng của lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy. Nhất là nắm đối tượng học viên. Hiện nay, các lớp học viên không phải đều tập trung về trường mà có thể học tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, thành phố. Đối tượng học viên của Trường không thuần nhất như sinh viên trường đại học, cao đẳng, học viên trường trung cấp, do đó nắm được đối tượng học viên sẽ giúp cho giảng viên chủ động phối hợp các phương pháp và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu. Trên cơ sở đó, giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị, phương tiện gì cho phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy.

     Hai là, giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng. Để đổi mới phương pháp giảng dạy môn quản lý nhà nước có kết quả, trước hết mỗi giảng viên phải tự nhìn lại mình về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành của mình phải có phông kiến thức rộng, ít nhất cũng phải nắm vững các bộ môn quản lý nhà nước, nhà nước và pháp luật, khoa học hành chính, lý luận Mác – Lênin; lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh… giữa các bộ môn đó có mối quan hệ khăng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong mỗi bài giảng. Để có kiến thức rộng, giảng viên cần phải đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng dạy. Người giảng viên thực sự yêu nghề luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn dành tâm sức cho bài giảng. Trước mỗi buổi dạy, tiết dạy họ luôn trăn trở nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện bài giảng ở buổi học sau.

     Ba là, giảng dạy các môn quản lý nhà nước nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn liền lý luận với thực tiễn. Bài giảng muốn sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của đất nước; của địa phương; của bản thân mỗi học viên. Về sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống. Về thực tiễn thì các học viên vô cùng phong phú, vì chủ yếu là cán bộ cơ sở, cán bộ thuộc các sở, ngành, phòng, ban của huyện, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Qua nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả đào tạo chưa cao là do phương pháp giảng dạy của chúng ta chưa chú trọng liên hệ với thực tiễn. Vì thế, sau khi học viên tốt nghiệp ra trường phần lớn chưa biết vận dụng lý luận đã học vào trong thực tiễn công tác của địa phương, cũng như của bản thân mình. Các môn học quản lý nhà nước có mặt trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ vấn đề nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt đời thường đến những vấn đề trọng đại của đất nước của địa phương. Vì thế, một trong những vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy quản lý nhà nước ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nhất thiết phải chú trọng liên hệ với thực tiễn mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

     Bốn là,  đẩy mạnh vận dụng phương pháp dạy - học tích cực kết hợp với phương pháp dạy - thuyết trình. Chú trọng ứng dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: máy tính, radio, ghi âm, vidio, đèn chiếu…Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên. Làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học kỹ thuật, gợi mở cho những người làm công tác quản lý nàh nước, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Đây là một trong những phương pháp mà người giảng viên phải thực hiện trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện nay, có nhiều trung tâm đào tạo cũng chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy học. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giảng viên phải sử dụng thành tạo vi tính. Đây là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Vi tính giúp cho giảng viên soạn bài giảng PoWer Point, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình ảnh hay thước phim minh hoạ…Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng vi tính trong giảng dạy và xem nó như là cái mốt, và coi đó là toàn bộ sự đổi mới phương pháp dạy học.

 

                                                                                       ThS. Lăng Văn Thăng

                                                                                GV. Khoa Nhà nước và Pháp luật