Skip to main content
x
21 November 2023

Ngày 25/10 theo lịch Nga (tức ngày 7/11/1917), giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô-viết”, “Ruộng đất, hòa bình và bánh mỳ” đã giành thắng lợi trong cuộc cách mạng vĩ đại, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử vĩ đại, có ảnh hưởng sâu rộng và làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Thắng lợi đó không chỉ là động lực mạnh mẽ, cổ vũ nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên, đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột để tự cứu mình và giải phóng mình, mà còn là xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển, lan tỏa sang châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Cách mạng Tháng Mười Nga chính là cách cửa mở ra chân lý đúng đắn về độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, khi đó đang chìm trong bóng tối của áp bức nô lệ khổ đau.

Nói về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga (1917), Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo”[1]. Người khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[2].

1

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã có rất nhiều phong trào yêu nước diễn ra, tiêu biểu như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo...song đều không thành công; nhiều tư tưởng, phương pháp cách mạng đã được trải nghiệm, nhưng đều thất bại. Lời than của cụ Phan Bội Châu: “Cuộc đời tôi trăm thất bại chẳng một lần thành công” phản ánh sự bế tắc của con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trên cả phương diện tư tưởng - lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là phải tìm một con đường cách mạng mới, một giai cấp có đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, có đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đi đến thành công.

Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vấn đề lớn mà Người luôn quan tâm và tìm lời giải đáp trong quá trình tìm đường cứu nước chính là vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cụ thể là cách mạng ở Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào, làm thế nào để giành lại độc lập, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam? Trong thời gian bôn ba khắp thế giới, đặc biệt là những năm tháng sống ở Mỹ, Anh, Pháp,... Người đã tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789. Song, Người nhận ra rằng, những cuộc cách mạng ấy là “những cuộc cách mạng chưa đến nơi”, nghĩa là cách mạng rồi mà nhân dân lao động ở đó vẫn chưa được giải phóng, vẫn còn bị áp bức, bóc lột và rất cực khổ. Vì vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức, bóc lột không thể đi theo con đường của những cuộc cách mạng đó, mà phải theo con đường khác.

2

Sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Đây là một trong những văn kiện được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7 năm 1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ 19-7 đến 07-8-1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14-7-1920; và trên báo Nhân đạo (L’Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra "cẩm nang thần kỳ" cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi nói về sự kiện này, Người kể lại: “Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta và từ đó, tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin”[3]. Chính Người đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế Cộng sản, cho biết, Luận cương này có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc tế III. Người đánh giá cao và có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[4]. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga chính là cách cửa mở ra chân lý đúng đắn về độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, khi đó đang chìm trong bóng tối của áp bức nô lệ khổ đau. Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, tiến tới kết thúc chuỗi ngày tăm tối của một dân tộc quật cường ở phương Đông.

Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới do nó tạo nên đã góp phần quyết định hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ việc nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã khởi dựng, thể hiện trong việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12-1920)… là những sự kiện đầu tiên thể hiện bước hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đây, Người tiếp tục nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười Nga, về nước Nga Xô-viết, dầy công truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc chặng đường dài khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đi theo ánh sáng thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến lên giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Đó là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp và hàng trăm năm chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đưa lại độc lập, thống nhất cho đất nước ta; đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ xã hội, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; đưa Đảng ta từ chỗ hoạt động bí mật, bất hợp pháp, thành Đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng; khẳng định trong thực tiễn đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta vạch ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là hoàn toàn đúng đắn, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn cho cách mạng thế giới. Đồng thời chứng minh học thuyết Mác-Lênin có thể áp dụng thành công vào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, nếu biết cách vận dụng đúng đắn, sáng tạo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được thắng lợi và nắm chính quyền trong cả nước. Thắng lợi của Nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã khẳng định một chân lý lịch sử là: một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng nếu có Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo, biết đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn, đường lối cách mạng phù hợp, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, có phương thức tiến hành chiến tranh sáng tạo, được sự ủng hộ của nhân dân thế giới hoàn toàn có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

3

Sau sự kiện chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ có ý nghĩa, giá trị thuần túy Nga; qua đó, phủ nhận tính tất yếu và biện chứng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, đồng thời đi tới phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy nhiên, sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là Cách mạng Tháng Mười đã trở thành một sự kiện bước ngoặt của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới dân chủ, công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Đó là việc biến ý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã hiện thực hóa những quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, là một bước tiến lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người nên đã thực sự thu hút, hấp dẫn hàng triệu người đi theo ánh sáng tư tưởng của cuộc cách mạng và tham gia đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Vì vậy, những âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội; trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

 Dù thế giới có đổi thay, tình hình thế giới có đầy biến động thì chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phấn đấu thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII của Đảng khẳng định “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và coi đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[5]. Đó cũng chính là khẳng định phương hướng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo những giá trị thời đại khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại - con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn./.

-----------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 296

[2] Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”  trong sách: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 299

[3] Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 17

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 304

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 33

 

5