Skip to main content
x
26 September 2023

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của chính sách “tam nông” ở nước ta hiện nay. Xây dựng nông thôn mới phải tạo ra diện mạo của nông thôn vừa truyền thống vừa hiện đại. Những giá trị của nông thôn truyền thống được giữ gìn, phát huy; đồng thời phải biết kết hợp, phát triển những yếu tố của thời đại mới tiến bộ, hiện đại thể hiện trong cách nghĩ, cách làm, lối sống… của đại bộ phận nhân dân.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân là hoạt động có mục đích nhằm huy động, tập trung tối đa, hiệu quả mọi nguồn lực của nông dân, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để nông dân thể hiện vai trò chủ thể hoạt động và chủ thể hưởng thụ của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó vai trò tham gia quan trọng của hệ thống chính trị và vai trò chủ thể chính của nông dân. Với sự tham gia của hai thành tố cơ bản là hệ thống chính trị và nông dân, việc phát huy vai trò nông dân hiệu quả là khi trí lực, thể lực, nhân cách, đạo đức và các điều kiện vật chất, tinh thần khác của nông dân được khai thác nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân trong tham gia hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần xã hội.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện và sự tích cực hưởng ứng của nông dân, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tràng Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Điều này càng khẳng định vị trí, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; cũng như yêu cầu cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân là lựa chọn tối ưu các mô hình, phương pháp, cách thức để phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Từ thực tiễn phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tràng Định giai đoạn từ 2020  đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Tràng Định rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tràng Định

Một là, nhận thức rõ nông dân vừa là động lực, mục tiêu vừa là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi các ngành, các cấp phải xem nông dân là động lực cơ bản của quá trình xây dựng nông thôn mới, nông dân không chỉ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Mà còn chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị. Vai trò động lực của nông dân thể hiện ở một số điểm cơ bản:

(1) Nông dân là chủ thể học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

(2) Nông dân là chủ thể của quá trình sử dụng, khai thác mọi nguồn lực khác trong xã hội (nguồn: vốn, tài nguyên, đất đai, khoa học công nghệ…) vào quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

(3) Nông dân là nguồn lực không thể bị khai thác cạn kiệt, chẳng những thế, nhân lực của nông dân không ngừng được nâng cao về chất trong quá trình phát huy vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Như vậy, quá trình huy động, phát huy sử dụng, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, trong khi đó các nguồn lực khác bị khai thác cạn kiệt.

Ngoài ra nông dân không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của quá trình xây dựng nông thôn mới. Nông dân vừa là chủ thể của quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời là mục tiêu hướng đến nhằm đem lại đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn.

Hai là, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải thỏa mãn lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí đã căn dặn, chính quyền cách mạng không được để dân đói, dân rét, nếu còn dân đói, dân rét chính quyền có tội với nhân dân. Bởi lẽ cái ăn, cái mặc - nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chính là lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, lợi ích vật chất, tinh thần cũng chính là nhu cầu chính đáng của nông dân. Do vậy, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân, đồng thời thỏa mãn lợi ích chính đáng của họ được xem là sự nhận thức một cách nghiêm túc, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta. Điều này không chỉ cho thấy sự nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, hội nhập quốc tế, mà còn chỉ ra trong sự nghiệp đó, yêu cầu phải đảm bảo thực hiện thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần của nông dân là trên hết, mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Ba là, Ban Công tác Mặt trận phải thể hiện vai trò chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Trong giai đoạn hiện nay, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư giữ vai trò rất quan trọng và ngày càng được khẳng định, nhất là trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bởi khu dân cư là nơi trực tiếp thực thi mọi chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban công tác Mặt trận tham gia tuyên truyền, vận động, phổ biến, giải thích đến từng người dân, đến từng hộ gia đình thông qua họp dân ở thôn, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội; thông qua các cá nhân có uy tín ở khu dân cư, làm cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có thể nói, Ban công tác Mặt trận có vai trò, nhiệm vụ rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 05 nội dung, đó là:

(1) Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

(2) Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái.

(3) Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

(4) Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

(5) Đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh.

Qua thực tế triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động và mới đây nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” Ban Công tác Mặt trận thực hiện được đầy đủ vai trò, chức năng cần thiết để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia thực hiện chương trình. Thực tế đã chứng minh nơi nào mà Ban Công tác Mặt trận phát huy và thể hiện hết vai trò chức năng của mình thì ở đó khối đoàn kết toàn dân được giữ vững, đời sống của các hộ gia đình được thay đổi, tình làng nghĩa xóm đùm bọc yêu thương nhau, không có tình trạng trẻ em bỏ học, thất học, lang thang cơ nhỡ, các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi và không tồn tại, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được phát huy và từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới thì càng thể hiện rõ hơn.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ

 Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt”. Việc xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nông dân là chủ thể là vấn đề lớn có tính chiến lược đối với kinh tế - xã hội ở nước ta, đồng thời là bước tiến lớn của Đảng, Nhà nước ta trong nhận thức về vị trí, vai trò của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong thời gian tới, để phát huy vai trò chủ thể của nông dân cần phải có các giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cộng đồng trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị; trong đó quan trọng nhất là từ phía chính quyền các xã trong định hướng phát triển kinh tế, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân giảm nghèo bền vững. Về phía Hội nông dân các cấp cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào các nội dung:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, các mô hình tổ chức sản xuất để nông dân tích cực, tự giác tham gia.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ vốn phát sản xuất; phát triển đa dạng ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn thu hút nông dân tham gia.

Ba là, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn tập trung; tích cực vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể.

Bốn là, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường đảm bảo cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân./.

Ths.Triệu Thị Huệ

Khoa Xây dựng Đảng