Skip to main content
x
30 September 2022

1. Vị trí, vai trò của Hội Nông dân cấp xã và đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội Nông dân các cấp nhất là tổ chức cơ sở Hội đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò, nâng cao uy tín trong hệ thống chính trị và trong xã hội, có vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội là chỗ dựa vững chắc để đưa các chủ trương, chính sách tới nông dân; đồng thời tham vấn cho Đảng, Nhà nước những vấn đề cấp bách của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương hội (khóa III) đã nêu rõ: "Xây dựng cơ sở hội vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa sống còn của tổ chức hội. Cơ sở hội là nơi tập hợp nông dân vào tổ chức hội nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ đề mọi mặt cho hội viên nông dân, tổ chức thực hiện các phong trào hành động cách mạng vì lợi ích thiết thực của hội viên nông dân vì lợi ích của Tổ quốc". Nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở hội. Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Công tác xây dựng củng cố tổ chức hội cơ sở nhằm đạt mục tiêu là tất cả thôn, ấp, bản, làng có nông dân đều có tổ chức cơ sở hội”.

Hội nông dân cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng là nền tảng của Hội Nông dân Việt Nam. Đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Nắm và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng và chính quyền; là nơi trực tiếp tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác Hội; là nơi rèn luyện, giáo dục, kết nạp hội viên, là cầu nối giữa Đảng với nông dân, giữa Hội với hội viên, nông dân, tuyên truyền vận động nông dân vào Hội; là cấp cuối cùng trong tổ chức Hội, là tổ chức sâu rộng nhất, là cơ sở xây dựng nên toàn bộ hệ thống tổ chức Hội.

Cấp xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là nơi đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người trực tiếp tổ chức thực hiện toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Vì vậy, có thể nói, năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã quyết định trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng.

Chủ tịch Hội nông dân cấp xã là người đứng đầu tổ chức cơ sở hội, phụ trách chung công việc của ban chấp hành, ban thường vụ Hội nông dân cấp xã, có trách nhiệm chính trong công việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ban chấp hành, ban thường vụ, quán xuyên mọi mặt công tác của cơ sở hội. Chủ tịch Hội nông dân cấp xã là người chịu trách nhiệm chính tham mưu cho cấp ủy về công tác vận động nông dân và trực tiếp quan hệ với chính quyền, với các ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân ở cơ sở.

2. Thực Trạng chất lượng đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở tỉnh Lạng Sơn

Đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cơ sở toàn tỉnh hiện có 200 đồng chí trong đó: (181 Chủ tịch Hội nông dân xã, 05 Chủ tịch Hội nông dân phường và 14 Chủ tịch Hội nông dân thị trấn); Nam 152 đồng chí chiếm 76%; nữ 48 đồng chí chiếm 24%; dân tộc thiểu số169 đồng chí, chiếm 84,5%, dân tộc kinh 31 đồng chí, chiếm 25,5%; 130 đồng chí tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiếm tỷ lệ 65%; 127 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiếm 63,5%.

Về trình độ: Trình độ chuyên môn: Trung cấp 75 đồng chí, chiếm 37,5%; cao đẳng 20 đồng chí, chiếm 10%; đại học là 96 đồng chí, chiếm 48%; chưa qua đào tạo là 09 đồng chí, chiếm 4,5%. Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp 29 đồng chí, chiếm 14,5%; Trung cấp 171 đồng chí, chiếm 85,5%. Đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt cấp xã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong trong tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, lý luận để đạt chuẩn theo quy định, đến hết năm 2021 có 93 % Chủ tịch Hội cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, 77,5 % Chủ tịch Hội cấp xã đạt chuẩn về lý luận.

Đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã của tỉnh Lạng Sơn hàng năm đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội do Trung ương Hội và Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Cơ bản, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đáp ứng được các tiêu chuẩn về công tác cán bộ của Đảng cũng như yêu cầu của lĩnh vực công tác, gương mẫu, nói đi đôi với làm và sâu sát cơ sở, hiểu nông dân và tin nông dân, vì nông dân, có trách nhiệm cao với nông dân. Đặc biệt, có nhiều đồng chí có tư duy đổi mới, có trình độ, năng lực thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, tạo nên những mô hình tiêu biểu về nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, được cấp ủy và cán bộ, hội viên nông dân tín nhiệm, đánh giá cao.

Tuy nhiên, đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Còn một số chậm đổi mới về phương pháp công tác, tính năng động, sáng tạo trong công tác còn chưa cao; đa số chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về công tác vận động quần chúng và kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội chưa chắc; năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội nhất là về kiến thức và tri thức sản xuất nông nghiệp; chất lượng đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân chưa đồng đều. Một số tiếp thu kiến thức được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và vận dụng vào thực tiễn còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất và gắn với các sản phẩm cụ thể, chưa khắc phục được tính cảm tính và nể nang, dễ dãi và định kiến. Một số Chủ tịch Hội nông dân cơ sở chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ vận động nông dân tập trung sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tự học, tự cập nhật kiến thức mới chưa được quan tâm thường xuyên. Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng hàng năm còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là do: Một số nơi cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của Hội nông dân, của đội ngũ chủ tịch Hội nông dân cấp xã; chưa thực sự quan tâm đối với công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ Hội, thiếu quan tâm xây dựng cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số. Nội dung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thiết thực, chưa gắn nhiều lý luận với thực tiễn, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, chưa thực hiện việc sàng lọc, thay thế kịp thời cán bộ trình độ, năng lực, uy tín thấp, không đủ sức khỏe. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ chưa thường xuyên và nghiêm túc. Một số chưa có ý thức tự tu dưỡng, tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, phương pháp vận động, tập hợp nông dân; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và đòi hỏi của hội viên, nông dân. Kinh phí cho hoạt động hội được cấp nhưng ở mức thấp chưa đảm bảo.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở tỉnh Lạng Sơn

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, nhất là đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động tích cực đối với kết quả công tác Hội và phong trào nông dân. Đội ngũ Chủ tịch hội nông dân cơ sở cần phải có trình độ chuyên môn, thường xuyên nâng cao trình độ lý luận chính trị, tiếp cận những tri thức mới, công nghệ hiện đại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân trong những năm tới đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn xác định cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác Hội Nông dân và chất lượng đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân.

Nhận thức có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, con người có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân các xã ở tỉnh chỉ có thể đạt được kết quả tốt khi có sự thống nhất trong nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và các ngành các cấp về vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân cơ sở và đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã.

Trong giai đoạn hiện nay, để tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng và các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã ở tỉnh Lạng Sơn cần phải tiếp tục quán triệt, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tình hình thế giới, trong nước, những vấn đề về hội nhập kinh tế, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, hướng dẫn của Trung ương Đảng về công tác cán bộ cho đội ngũ cán bộ Hội.

Hai là, tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Hội nông dân cấp xã tỉnh Lạng Sơn

Tiêu chuẩn là căn cứ, thước đo để tuyển dụng, bầu cử, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, là cơ sở để cán bộ có hướng phấn đấu rèn luyện, tự hoàn thiện mình. Muốn làm tốt công tác cán bộ hội thì tiêu chuẩn đối với cán bộ Hội phải đảm bảo cụ thể, chính xác, có tính khả thi, có hướng phát triển. Để nâng cao được chất lượng cán bộ, tổ chức hội cấp xã phải tham mưu với cấp uỷ, kết hợp với sự chỉ đạo của hội cấp trên xây dựng cho được tiêu chuẩn cán bộ Hội nông dân cấp xã nhất là chức danh Chủ tịch Hội nông dân cấp xã.

Trong tiêu chuẩn của cán bộ Hội nông dân cấp xã, ngoài yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cần quan tâm đến năng lực tập hợp, tổ chức các hoạt động phong trào nông dân, nhiệt tình trong công tác, coi trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số am hiểu về tổ chức hội, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, có uy tín với cán bộ, hội viên nông dân vì đây là đặc thù riêng của cán bộ Hội nông dân.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng với đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã

Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể, lấy kết quả sản phẩm hoàn thành được giao làm thước đo chính để đánh giá trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ chủ tịch Hội nông dân cấp xã; việc đánh giá phải toàn diện cả đức và tài, chú trọng về phẩm chất chính trị và năng lực thực hiện nhiệm vụ; thông qua khảo sát một cách cụ thể, khoa học, chính xác, công khai kết quả, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cụ thể hóa, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; quan tâm tạo điều kiện thu hút nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở trong nước, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ trưởng thành từ phong trào nông dân ở cơ sở.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Đào tạo, bồi dưỡng tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hiện công việc cho cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cung cấp những kiến thức, lý luận cơ bản, trang bị kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công việc, giáo dục thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ.

Đẩy mạnh đào tạo trung cấp ngành Công tác xã hội chuyên ngành Công tác Hội Nông dân cho cán bộ Hội Nông dân cấp xã đối tượng nguồn cán bộ quy hoạch chức danh Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội tại Trường Cán bộ Hội, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng cán bộ nhất là cán bộ cơ sở Hội, để xây dựng kế hoạch đào tạo bảo đảm nội dung, hình thức, phương thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.

Đổi mới nội dung, chương trình, đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phối hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành và thông qua thực tiễn hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân nhằm trang bị cho cán bộ Hội các cấp những kiến thức mới, kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất là về nghiệp vụ công tác Hội, kỹ năng, phương pháp công tác nông vận, kiến thức về pháp luật, khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, quản lý kinh tế, khả năng vận động, thuyết phục, đối thoại với nông dân... để đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong thời kỳ mới.

Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và khen thưởng, kỷ luật; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức Hội Nông dân và người đứng đầu tổ chức hội các cấp thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng kỷ luật của Đảng và của tổ chức Hội; kết hợp công tác kiểm tra đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cấp xã với công tác khen thưởng, kỷ luật; công tác kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật phải dựa vào cán bộ, hội viên nông dân cơ sở để đánh giá chính xác; chú trọng kiểm tra về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của Chủ tịch Hội nông dân cấp xã.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, kinh phí cho tổ chức Hội cơ sở và đội ngũ Chủ tịch Hội nông dân cơ sở. Để tạo môi trường làm việc tốt cho tổ chức Hội nông dân và Chủ tịch Hội nông dân cấp xã, đòi hòi Đảng và Nhà nước cần quan tâm sớm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất điều kiện làm việc cho Hội nông dân cấp xã./.

ThS.  Nguyễn Văn Hiệp

                                                              Khoa Xây dựng Đảng