Skip to main content
x
19 September 2022

Trong đời sống chính trị, xã hội, các đảng chính trị có vị trí và vai trò quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Vị thế, vai trò, tầm ảnh hưởng của các đảng chính trị có sự khác nhau tùy thuộc vào chính thể, cơ chế tổ chức quyền lực chính trị, văn hóa chính trị của mỗi quốc gia. Từ khi ra đời đến suốt quá trình tồn tại và hoạt động, các đảng chính trị đều mang bản chất giai cấp rõ rệt. Đảng chính trị là đại biểu cho hệ tư tưởng, cho lợi ích giai cấp trong xã hội, không có một đảng chính trị nào là phi giai cấp và siêu giai cấp.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị ra đời năm 1930, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”1 . “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa Cộng sản” 2.

Lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền thực hiện sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội.

Bản chất của đảng cầm quyền là đảng lãnh đạo chính quyền và thông qua chính quyền để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân làm chủ nhà nước và làm chủ xã hội. Vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, của cán bộ, của đảng viên và quan hệ máu thịt giữa đảng với nhân dân. Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước nhưng không thể đồng nhất quyền lực của Đảng với Nhà nước. quyền lực của Đảng cầm quyền là quyền lực chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật.

Thực tiễn đấu tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi nắm chính quyền, Đảng càng có điều kiện sử dụng sức mạnh Nhà nước để đấu tranh với các thế lực đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của mình. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được thực tiễn đất nước khẳng định, phù hợp với nguyện vọng, ý chí của nhân dân và được hiến định.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Chưa bao giờ dân tộc ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay.

Trong các bản Hiến pháp, vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn được khẳng định với tính pháp lí ngày càng vững chắc.

Mặc dù trong bản Hiến pháp năm 1946 không có quy định cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, song vai trò của Đảng luôn được thể hiện xuyên suốt trong nội dung bản Hiến pháp, bởi phải có Đảng lãnh đạo mới có thể xây dựng một nhà nước hợp hiến, hợp pháp.

Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định vai trò của Đảng trong lời nói đầu: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông dương, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới”, “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà...”.

Điều 4 Hiến pháp 1980 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mư chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 (gọi tắt là Hiến pháp năm 1992) thể hiện đường lối đổi mới của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, đã kế thừa Hiến pháp năm 1980 về hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Kế thừa Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò của Đảng có những đổi mới, bổ sung quan trọng cả về nội dung và hình thức so với Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung, phát triển những nội dung quan trọng về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tử tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khoản 2, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một nội dung mới, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”. Bằng quy định bổ sung này, bản chất tiên phong, trách nhiệm chính trị - pháp lý của Đảng đối với nhân dân được xác định rõ nét hơn.

Không chỉ đối với các tổ chức, Hiến pháp còn quy định trách nhiệm của đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhân dân là cơ sở xã hội, là nguồn lực sức mạnh hùng hậu của Đảng, phục vụ nhân dân là lý do tồn tại của Đảng. Mội chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, ý Đảng phải gắn với lòng dân. Chủ tịch Hồ chí Minh khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tnh”3, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yên dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy”4.

Thời gian gần đây, việc xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được các thế lực thù địch tiến hành ráo riết và quyết liệt. Chúng cố tình xuyên tạc, cho rằng một đảng duy nhất cầm quyền sẽ đồng nhất với “mất dân chủ”, “độc tôn, độc tài”, cổ xúy cho đa nguyên, đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc. Chúng vu khống Đảng “đứng trên Hiến pháp và pháp luật”...

Do vậy, việc Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết bởi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển của đất nước đều đã được khẳng định cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với 93 năm xây dựng và trưởng thành đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước và tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong một xã hội tồn tại nhiều đảng phái thì mỗi đảng thường đại diện cho một lực lượng nhất định trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới ra đời được xác định là đội tiên phong chiến đấu của “giai cấp công nhân”, sau này là của “giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam”. Trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với đặc điểm là một đảng duy nhất cầm quyền, thực hiện sự lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam đòi hỏi cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được củng cố, mở rộng. Điều này đã được Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X lý giải và khẳng định. Hiến pháp ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” 5, như vậy, đã củng cố, mở rộng thêm về mặt pháp lý cơ sở xã hội vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân, vừa là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Việc ghi nhận này vừa phù hợp với xu thế vận động và phát triển của tình hình chính trị - xã hội của đất nước, vừa phản ánh đúng bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc ghi nhận như vậy còn cho thấy xã hội Việt Nam ngày càng thống nhất, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội Việt Nam ngày càng cao.

Việc nhân dân ta tin tưởng vào Đảng Cộng sản khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một việc làm đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Quy định về Đảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Đảng trong việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, đồng thời cũng là cơ sở ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với Đảng.

Quy định này của Hiến pháp không chỉ xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, với nhân dân, nhắc nhở Đảng phải luôn trung thành với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phụng sự nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước và pháp luật

 

1, 2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà nội, 2014,tr.4.

3,4. Hồ Chí Minh toàn tập: Toàn tập, sđd, t.4, tr51,52

5. Điều 4 Hiến pháp năm 2013