Skip to main content
x
10 June 2021

1. Vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng

Từ khi thành lập (năm 1949) đến nay, chất lượng đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên thỉnh giảng của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng luôn là vấn đề được lãnh đạo nhà trường quan tâm và ngày càng có tính quyết định, nhất tại thời điểm hiện nay, khi mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đang xây dựng dự thảo Qui định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn, trong đó xác định rõ, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới của nhà trường là đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phải trở thành “kim chỉ nam” cho định hướng tầm nhìn của nhà trường đến năm 2025 và thời gian tiếp theo.

Việc nâng cao chất lượng giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên (bao gồm cả giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và giảng viên kiêm chức) là yêu cầu mang tính khách quan, tất yếu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế trong xu thế phát triển, đổi mới, hội nhập, toàn cầu hoá. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng chỉ có hiệu quả và tác động tích cực khi giảng viên có kiến thức chuyên môn vững và được trang bị những kỹ năng cần thiết về khả năng thuyết trình, hiểu biết và biết sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như tin học và các trang thiết bị nghe nhìn.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong những năm qua luôn có sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hiện đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các sở, ban, ngành... Giảng viên thỉnh giảng có vị trí và vai trò quan trọng đối với mọi mặt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Hiện nay nhu cầu học tập, tiếp thu kiến thức của người học đang ngày càng tăng tuy nhiên lực lượng giảng viên giảng dạy của nhà trường có những chuyên ngành và việc vận dụng thực tế đôi khi chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người học, vì vậy nhà trường tiếp tục mời đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những nhà quản lý thuộc các sở, ban, ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy, làm phong phú hơn cho các bài học.

2. Thực trạng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hiện nay

Thực hiện Quyết định số 527-QĐ/TU, ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ gồm 14 đồng chí là cán bộ lãnh đạo quản lý, thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh. Trong đó, có 04 đồng chí nữ và 10 đồng chí nam; về trình độ chuyên môn: 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị: 100% giảng viên có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; về chức vụ công tác: là lãnh đạo Sở, ngành có 10 đồng chí và lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở, ngành có 04 đồng chí.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 527-QĐ/TU, ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã đạt được một số kết quả hoạt động thỉnh giảng nổi bật, như, Đội ngủ giảng viên thỉnh giảng đã tham gia giảng dạy chương trình Cao cấp lý luận chính trị (Phần tình hình địa phương) có 03/14 đồng chí; Tham gia giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên (Các chuyên đề báo cáo về Quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực và một số chuyên đề về kỹ năng) có 04/14 đồng chí; Tham gia giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (Các chuyên đề báo cáo về ngành, lĩnh vực) có 02/14 đồng chí và tham gia giảng dạy chương trình bồi dưỡng Chủ tịch UBMTTQ xã (Nghiệp vụ, kỹ năng công tác của Chủ tịch UBMTTQ xã; Xử lý một số tình huống và giải đáp những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện điều lệ, các quy chế và chính sách của Mặt trận tổ quốc xã) có 01/14 đồng chí.

Trong quá trình thực hiện, giảng viên thỉnh giảng đã thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của giảng viên thỉnh giảng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành; thường xuyên có liên hệ, đăng ký bài giảng với trường; công tác phối hợp giữa trường và đội ngũ giảng viên khá nhịp nhàng như: Cung cấp giáo trình, chương trình giảng dạy, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo và các điều kiện đảm bảo khác để giờ giảng của giảng viên thỉnh giảng có chất lượng; một số giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, tích cực tham gia giảng dạy; chất lượng bài giảng, báo cáo thực tế của giảng viên có nội dung, kiến thức phong phú, có sự kết hợp giữa thực tiễn và lý luận trong giảng dạy, tạo sự hứng thú và thu hút học viên tích cực học tập. Hoạt động của giảng viên thỉnh giảng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch hằng năm.

Việc nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, làm cho người học có thái độ nghiêm túc, say mê học tập. Học lý luận chính trị và các chương trình bồi nghiệp vụ chuyên môn nhằm phục vụ thiết thực vào công việc của từng học viên, chính vì vậy, đội ngũ giảng viên khi đứng lớp cần phải để học viên “tâm phục khẩu phục”. Đây cũng là vấn đề không hề đơn giản đang đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, muốn vậy phải xác định rõ những hạn chế cơ bản để tìm cách khắc phục, hoàn thiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hoạt động thỉnh giảng đối với giảng viên được mời tham gia giảng dạy cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Từ năm 2016 đến nay số giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy, báo cáo thực tế còn ít (có 07/14 giảng viên chưa tham gia giảng dạy). Việc sinh hoạt chuyên môn, sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được thực hiện thường xuyên.

Những nguyên nhân của hạn chế đó là do có sự thay đổi về nội dung, chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính (từ năm 2014 thực hiện chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo Quyết định 1479/QĐ-HVCTQG, ngày 21 tháng 4 năm 2014 và Quyết định 8008/QĐ-HVCTQG, ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) một số chuyên đề dự kiến mời giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và báo cáo thực tế không còn trong chương trình đào tạo. Một số giảng viên thỉnh giảng luân chuyển công tác về các huyện chưa kịp thời bổ sung, thay thế khi thay đổi công tác. Một số đồng chí bận công tác chuyên môn nên chưa sắp xếp được thời gian tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chưa chủ động trong việc sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; đề xuất kiện toàn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng kịp thời khi có sự thay đổi đơn vị công tác.

3. Một vài kiến nghị đối với giảng viên thỉnh giảng trong thời gian tới

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường để thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 – 2022. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến  một số đề xuất, kiến nghị đối với hoạt động thỉnh giảng của giảng viên được mời tham gia giảng dạy tại nhà trường.

Một là, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm phối hợp với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Kiện toàn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đảm bảo theo Quyết định số 526-QĐ/TU, ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn (Trường lập danh sách dự kiến cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ điều kiện tham gia đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định).

Chỉnh sửa, bổ sung Quy chế giảng viên thỉnh giảng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ (Trong Quy chế thay cụm từ “giảng viên kiêm chức” bằng “giảng viên thỉnh giảng” để phù hợp với Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Hai là, nhà trường cần xác định, lựa chọn cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn giảng viên thỉnh giảng và yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường mời thỉnh giảng. Công khai danh sách giảng viên thỉnh giảng. Thực hiện nghĩa vụ của nhà trường mời thỉnh giảng theo quy định. Tạo điều kiện để giảng viên thỉnh giảng sử dụng thiết bị, phương tiện làm việc của nhà trường để thực hiện hoạt động thỉnh giảng. Thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng. Giải quyết chế độ, quyền lợi của giảng viên thỉnh giảng theo quy định. Thông báo kết quả thực hiện hợp đồng thỉnh giảng đến cơ quan, tổ chức nơi giảng viên thỉnh giảng công tác. Quản lý, lưu giữ hồ sơ thỉnh giảng và thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Được thông tin về kết quả làm việc, khen thưởng, kỷ luật đối với giảng viên thỉnh giảng của cơ quan, tổ chức nơi giảng viên thỉnh giảng công tác. Đội ngũ các giảng viên thỉnh giảng được coi là một nguồn nhân lực để xác định năng lực của nhà trường khi mời giảng viên thỉnh giảng.

Ba là, các khoa chuyên môn xây dựng kế hoạch mời thỉnh giảng của đơn vị, báo cáo Hiệu trưởng (thông qua Phòng QLĐT và NCKH) và thông báo công khai trong đơn vị. Lựa chọn các nhà giáo, nhà khoa học và nhà quản lý đáp ứng tiêu chuẩn; xúc tiến thực hiện các thủ tục liên quan để đề nghị Hiệu trưởng xét, quyết định thỉnh giảng. Phân công, hướng dẫn nhiệm vụ và thông báo chế độ thỉnh giảng cho giảng viên thỉnh giảng. Tạo điều kiện cho giảng viên thỉnh giảng thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị. Theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ thỉnh giảng của giảng viên thỉnh giảng tại đơn vị; giám sát việc thực hiện hạn mức giờ thỉnh giảng theo quy định; nhận xét, xác nhận kết quả thực hiện thỉnh giảng, báo cáo Hiệu trưởng. Quản lý danh sách các giảng viên thỉnh giảng tại đơn vị; thống kê báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm thỉnh giảng; quản lý hồ sơ thỉnh giảng.

Để tạo sự thuyết phục và hứng thú cho học viên khi giảng các chuyên đề nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở giảng viên thỉnh giảng nên giảm áp lực đối với học viên về gọi trả lời trong giờ học. Việc kiểm tra và viết thu hoạch cuối khóa cũng nên sử dụng hình thức đề mở… Khi đó, tâm lý của học viên cũng nhẹ nhàng và không bị áp lực nhiều.

Bốn là, đối với giảng viên thỉnh giảng: Được hưởng tiền công, tiền lương, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng, theo quy định của pháp luật. Được tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học tại nhà trường mời thỉnh giảng, được xét tặng các danh hiệu, được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh theo quy định của pháp luật. Được nhà trường cung cấp, hỗ trợ tài liệu, thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết; được đánh giá, xếp loại, khen thưởng nếu có thành tích trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

GVC. Phạm Anh Tuấn

                                     Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng