Skip to main content
x
12 May 2021

Tại Điểm 3 Điều 21 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã trịnh trọng tuyên bố: “Ý chí của nhân dân là cơ sở quyền lực của nhà nước, ý chí này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử thường kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Điều 25 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng quy định rõ ràng: “Mọi công dân, không có sự phân biệt nào... và không có sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để:

Tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện được họ tự do lựa chọn;

Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình...”.

Như vậy, ý chí của người dân được xem là nền tảng của quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân thể hiện được ý chí của bản thân để lựa chọn ra các chức danh đại diện cho mình thực hiện quyền lực trong bộ máy nhà nước. Bầu cử tự do và công bằng được xem là tiền đề của nền dân chủ, là phương pháp hợp pháp nhất trong số các phương pháp hợp pháp để thành lập chính quyền.

Do đó, lựa chọn hệ thống bầu cử phù hợp để đảm bảo ý nguyện của người dân là một quyết định rất quan trọng đối với các nước theo chế độ dân chủ, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định và bền vững của thể chế chính trị.

Bầu cử dân chủ đã được thực hiện ở Việt Nam ngay sau khi đất nước giành được độc lập, khởi đầu bằng cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên (ngày 06 tháng 01 năm 1946). Hiến pháp năm 1946 đã xác lập những nguyên tắc và quy định nền tảng, rất tiến bộ về bầu cử dân chủ, mà tiếp tục được kế thừa và phát triển trong những Hiến pháp sau này. Ngoài Hiến pháp, hệ thống pháp luật về bầu cử của nước ta còn bao gồm nhiều văn bản khác, trong đó quan trọng nhất là các luật bầu cử. Hệ thống văn bản pháp luật này cũng được xác lập từ rất sớm và chứa đựng những nội dung tiến bộ về bầu cử mà về cơ bản là tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề này.

Từ năm 1946 đến nay, các quy định pháp luật về bầu cử ở nước ta dần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn. Các bước tiến hành từ khâu chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử được đảm bảo diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn và tiết kiệm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cơ quan Trung ương; sự nỗ lực, tích cực, sát sao trong tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của cử tri cả nước đã góp phần tạo nên sự thành công của các cuộc bầu cử. Về mặt hình thức, dựa trên các quy định pháp luật về quyền bầu cử, ứng cử của công dân; các nguyên tắc bầu cử; số lượng cử tri tham gia bầu cử và tỷ lệ số phiếu trúng cử của các đại biểu thì có thể khẳng định chế độ bầu cử ở Việt Nam là rất dân chủ. Mặc dù vậy, sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế cũng như sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đất nước đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có pháp luật về bầu cử.

So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì vẫn áp dụng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Tuy nhiên, vì Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi, bổ sung nên cũng ít nhiều tác động đến công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan cũng có nhiều điểm mới để phù hợp với quy định của luật mới sửa đổi, là cơ sở để các cơ quan, tổ chức triển khai áp dụng thực hiện.

Thứ nhất: Về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

So với nhiệm kỳ trước, khi thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai: Về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 thì số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước.

- Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân

Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân giảm đều ở từng cấp tùy thuộc vào số dân và loại hình đơn vị hành chính là đồng bằng, miền núi, vùng cao, hải đảo. Cụ thể: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu; Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện giảm 5 đại biểu; Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giảm 10 đại biểu. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu (từ 105 xuống còn 95 đại biểu).

- Về cấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Cơ cấu của đại biểu Quốc hội: Mặc dù số lượng đại biểu Quốc hội được bầu được ấn định là 500 đại biểu (bằng số đại biểu Quốc hội được bầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV). Tuy nhiên, cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tăng 5% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định số đại biểu chuyên trách tăng từ 35% lên 40%). Cơ cấu của Thường trực Hội đồng nhân dân và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách có sự thay đổi:

Đối với cấp tỉnh: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không có chức danh Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Đối với cấp huyện: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện: Gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện.

Đối với cấp xã: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã: Gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và có thêm các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.

Thứ ba: Việc xác định độ tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019:

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 (cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ kể từ năm 2021). Do đó, việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có thay đổi để phù hợp với lộ trình điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động.

Điểm mới của cuộc bầu cử lần này là việc tính tuổi được áp dụng đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và không chuyên trách). Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.

Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Thứ tư: Hoạt động triển khai công tác bầu cử được tiến hành từ sớm

Để đáp ứng yêu cầu của những điểm mới, công tác chuẩn bị bầu cử đã được triển khai từ sớm. Ngay từ giữa năm 2019, Đảng đoàn Quốc hội đã giao cơ quan chuyên môn dự thảo Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đề án này đã được Hội nghị 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thông qua. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45- CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Thông báo 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trên cơ sở Thông báo 174-TB/TW của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia. Từ đây, các công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Các tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia đã được kiện toàn từ sớm. Từ đó, tạo sự chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện cở vật chất cho cuộc bầu cử kịp thời triển khai.

Các quy định cụ thể của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các văn bản hướng dẫn bầu cử… không chỉ khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của người dân mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để người dân thực hiện được quyền của mình. Việt Nam không hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân, nếu họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Bên cạnh đó, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của công dân đối với vận mệnh đất nước, bản thân mỗi cử tri có vai trò quyết định trong việc lựa chọn cho mình những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

                                     Khoa Nhà nước và pháp luật