Skip to main content
x
4 August 2020

        Đến xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan trong những năm gần đây, mỗi chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ trước những đổi thay đang lan tỏa khắp nơi trên vùng quê anh hùng, giàu truyền thống cách mạng. Những đổi thay hôm nay từ cơ sở hạ tầng, đến các thôn, xóm điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng mới hòa vào màu xanh của ngô, lúa, sắn. Nơi đây, nhiều người dân giàu lên nhờ trồng trọt, chăn nuôi, đời sống vật chất, tinh thần nguời dân nơi đây đang từng bước được nâng lên, tạo tiền đề quan trọng để Trấn Ninh phát triển hơn nữa trong tương lai.

        Trấn Ninh một xã vùng 3, cách trung tâm huyện Văn Quan 23 km về phía Đông Bắc. Xã có diện tích đất tự nhiên là 33,01 km2, có tuyến đường tỉnh lộ 232 đi qua trung tâm xã. Dân số của xã có 2.757 người, gồm 02 dân tộc Tày, Nùng cùng chung sống đoàn kết trên 07 thôn. Từng thuộc vùng căn cứ cách mạng, nơi tập trung cơ quan đầu não của tỉnh để lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nơi đã sản sinh ra người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, vị tướng không phong hàm – Lương Văn Tri, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn.

        Là một xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp  chủ yếu, phương thức sản xuất lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Nhận thức của một bộ phận người dân, tập quán canh tác truyền thống tự cung, tự cấp còn phổ biến, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất vẫn hạn chế. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, giá cả hàng nông sản không ổn định; các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong nhân dân còn khá phổ biến; hệ thống y tế, cơ sở khám chữa bệnh cho  dân còn nghèo nàn; đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp trên địa bàn.

        Trước những khó khăn trên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực, đoàn kết của Đảng ủy, quân và dân các dân tộc trên địa bàn, trong những năm gần đây, xã Trấn Ninh đã có những bước chuyển biến tích cực, được đánh giá là một trong những địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp thâm canh tăng vụ với chuyển đổi cây hoa màu ở những vùng đất thích hợp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đây, hình thành một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng lúa TBj3 Nhật Bản từ năm 2017 hợp tác xã đã triển khai thực hiện được 06 ha, năm 2018 được 28ha, năm 2019 được 20,75 ha  đã được đăng ký thương hiệu gạo japonica Trấn Ninh,Văn Quan; cây nông sản dưa hấu, bí xanh, mận lai, hồng vành khuyên được mở rộng quy mô. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm bình quân 468,2ha, tổng sản lượng lương thực đạt 1.358,2 tấn. Công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi được chỉ đạo tích cực, UBND đã có nhiều giải pháp quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm 2019: Đàn trâu 546 con, đàn bò 52 con, đàn lợn 393 con, đàn gia cầm 18.231con, đàn dê 68 con, thủy sản 6,3 ha.Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm, thực hiện, kết quả trồng rừng được 175,5 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 73%; diện tích rừng hồi toàn xã là 329 ha, trong đó có 165 ha cây hồi đã bắt đầu cho thu hoạch. Trồng cây ăn quả các loại được 30.650 cây, tương đương 61,3ha; các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như chương trình 135, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

vb

        Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã  tỉnh thăm quan mô hình trồng giống lúa Nhật TBj3

              cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Trấn Ninh (Nguồn: Báo Lạng Sơn)

        Bên cạnh đó, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển. Trên địa bàn xã hiện 10 xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải, 01 cơ sở vật liệu xây dựng, 02 xưởng nhôm kính, 31 hộ kinh doanh cá thể dịch vụ vật tư Nông nghiệp, hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân đã góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân. Với công tác quản lý, duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn có nhiều cô gắng, đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp tiền, để thuê máy xúc mở mới các tuyến đường liên thôn, liên xóm, đóng góp ngày công cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để thực hiện bê tông hoá nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm đáp ứng việc đi lại của người dân. Qua 5 năm (2016 - 2020) đã thực hiện bê tông hoá đường được 5,53km2 . Công tác tu sửa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên.

        Đồng thời, công tác thu Ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của huyện giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 100%. Công tác quản lý chi ngân sách được thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Các cuộc vận động đóng góp các loại quỹ được quan tâm, hàng năm ban quản lý các loại quỹ của xã đã chủ động xây dựng phương án vận động thu các loại quỹ số tiền quỹ thu được chi các nội dung theo đúng phương án của các quỹ đã phát động. Hoạt động tín dụng có bước phát triển khá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tổng nguồn vốn cho vay qua ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội tăng so với 2015 là 8,2 tỷ đến thời điểm này đạt trên 12 tỷ đồng. Nhìn chung vốn vay được sử dụng đúng mục đích, cải thiện và nâng cao kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

        Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ và phát triển cả về quy mô và chất lượng; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Cụ thể: cơ sở vật chất Trường, lớp học được nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì. Chương trình khuyến học, khuyến tài, học tập tại cộng đồng được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các Lễ hội truyền thống của địa phương duy trì, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân,các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ hát then, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được phát huy có hiệu quả; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Đời sống văn hoá” được triển khai rộng khắp. Hàng năm tổ chức ký giao ước thi đua các danh hiệu tập thể và cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, thôn bản và cán bộ, công chức, hộ gia đình. Quá trình tổ chức phong trào thi đua gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Đời sống mới nông thôn mới đô thị văn minh ”, thực hiện Quy chế dân chủ, xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước thôn bản. Hàng năm các thôn đều tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” thực sự vui tươi phấn khởi, đoàn kết. Triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia về Y tế, hiện 7/7 thôn đều có y tế thôn bản. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt. Công tác tiêm chủng cho trẻ em, thực nghiệm đối với các bà mẹ về kiến thức chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi được quan tâm. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân, trẻ em dưới 6 tuổi đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Tổ chức chi trả kịp thời, đúng chế độ quy định cho các đối tượng là gia đình chính sách, người có công; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công vào các dịp lễ, tết hoặc khi ốm đau. Quan tâm triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho người có công hỗ trợ được 21 hộ với tổng số tiền 720 triệu đồng; Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo phối hợp với các phòng chuyên môn  của Huyện và Trung tâm dạy nghề huyện Văn Quan mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người lao động nông thôn. Trong 5 năm qua, mở lớp tập huấn được 53 lớp với 3.540 lượt người tham gia, phối hợp mở 07 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 245 lượt người tham gia. Thường xuyên chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được giảm qua từng năm. Công tác giải quyết việc làm đã gắn với các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế, giảm tình trạng đói nghèo.

        Đồng chí Hoàng Thị Thùy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết thêm: Trong những năm qua, xã Trấn Ninh luôn được sự quan tâm đầu tư của huyện. Nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, từ một xã gần như chỉ có đường đất, đi lại khó khăn trong mùa mưa lũ. Đến nay, cơ bản xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm được nhựa hóa và giao thông nông thôn đã bê tông hóa. Đặc biệt là trước đây chưa có đường ô tô vào đến trung tâm xã, bà con sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương năm được năm mất, cuộc sống bà con thiếu thốn nhiều thứ; hiện nay đã được đầu tư mở đường, điện lưới được kéo về giúp bà con nơi đây có điều kiện đi lại, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các vùng lân cận để mở rộng sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao cuộc sống. Đồng thời, các công trình, dự án mới được Nhà nước đầu tư, như Đã xây mới được nhiều đập thuỷ lợi nhỏ, hệ thống mương nội đồng được xây cứng hóa đã xây được 1.971m, để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển kinh tế - xã hội... Cơ sở hạ tầng được sự quan tâm đầu tư, xây mới trường mầm non với 6 phòng học và 7 phòng chức năng, vốn đầu tư là 6.868 triệu đồng, Trường tiểu học và trung học cơ sở với 8 phòng học vốn đầu tư 9 tỷ đồng; xây mới 01 nhà văn hóa thôn, nâng cấp 02 nhà văn  hóa thôn, tu sửa nhà trạm y tế xã. Không những vậy, công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường. Nổi bật là các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)-Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tổ chức phát động tốt các phong trào thi đua hướng tới chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ huyện Văn Quan.

        Nhằm phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Đảng ủy, chính quyền và nhân dân tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của xã, để phát triển toàn diện, bền vững. Đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với thực hiện và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phát huy bản sắc văn hoá truyền thống xứng đáng với quê hương cách mạng Đồng chí Lương Văn Tri. Nhân dân xã Trấn Ninh luôn có khát vọng vươn lên làm giàu, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực tạo điều kiện cho hợp tác Nông, lâm, thương mại tổng hợp, kinh tế tập thể kiểu mới hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có cơ chế thiết thực, hiệu quả, thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.  Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời nâng cao và đây mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực chỉ đạo, điều hành. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đi đôi với  đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia phát triển kinh tế - văn hoá./.

                                                                                   ThS. Lê Thị Thảo

                                                                                GV Khoa Lý luận cơ sở