Skip to main content
x
4 August 2020

        Đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh là một trong năm nội dụng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn tích cực, chủ động tham gia bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, ngày càng đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên.

        Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát được 31 cuộc về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; về tình hình thực hiện một số chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số; việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩn trong sản xuất và kinh doanh; giải quyết đơn khiếu nại của công dân; công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác quy hoạch cán bộ nữ nhiệm kỳ 2020-2025; tình hình thực hiện Dự án 5 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

vb

                  Đại biểu tham dự Hội thảo phản biện xã hội dự thảo của UBND tỉnh

              ban hành quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu

       tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn  (Ảnh: Ngô Hợi – MTTQ tỉnh)

        Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức giám sát được 36 cuộc về các lĩnh vực như: việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc chấp hành pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; về thực hiện chiến lược phát triển thanh niên; việc thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ - CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân các cấp đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình; giám sát công tác chỉ đạo, triển khai tuyên truyền và phối hợp thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ - TTg ngày 19/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc….

        Tham gia giám sát với thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về các nội dung như: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; việc thực hiện Quyết định 102/2009/QDĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Chính phủ phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã An toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; việc thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015; việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Nhà tạm giam Công an tỉnh.

        Cùng với đó, Ủy ban MTTQ cấp huyện và cơ sở chủ trì giám sát được 648 cuộc, tham gia giám sát theo yêu cầu, theo các chương trình phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng được 1.671 cuộc. Tập trung vào các nội dung như: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thu chi, các loại quỹ do nhân dân đóng góp, việc thực hiện một số chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; về tình hình thực hiện công tác quản lý sử dụng ngân sách nhà nướcviệc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và người hưởng chính sách xã hội; công tác giảm nghèo; việc thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

        Nội dung giám sát đa dạng, phong phú, sát với tình hình thực tế của địa phương và tập trung vào các vấn đề được nhân dân quan tâm, những vấn đề bức xúc trong dư luận nhân dân, đối với các kiến nghị sau giám sát đã được tiếp thu, giải quyết trên 85,86%, các kiến nghị còn lại đang tiếp tục được quan tâm xem xét và từng bước giải quyết đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

      Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị phản biện đối với các dự thảo Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh như: Chủ trương đầu tư dự án Cầu Kỳ cùng, thành phố Lạng Sơn; Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020; dự thảo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Đền Kỳ cùng – Tả phủ” thành phố Lạng Sơn đến năm 2025; dự thảo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại các hội nghị đã có 145 ý kiến tham gia phản biện được cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét giải quyết góp phần phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.  

        Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội còn một số tồn tại, hạn chế sau: Công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp còn có mặt hạn chế, chưa tổ chức được hội nghị phản biện, nội dung phản biện chưa tập trung vào các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ yếu mới thực hiện nội dung tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản. Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cấp huyện và cấp xã còn hạn chế và lúng túng, hiệu quả còn thấp.

        Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả như sau:

        Một là, tiếp tục quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung của Quyết định 217-QĐ/TW; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, thực hiện tốt việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

        Hai là, tích cực tham mưu với cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý đối với những nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền để có điều kiện thuận lợi về cơ chế, về thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện, góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy các hình thức giám sát, phản biện, góp ý đã có hiệu quả trong thực tiễn.

        Ba là, hướng dẫn cấp cơ sở lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, tăng cường hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất thông qua ý kiến của nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

        Bốn là, thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Thông qua đó phát hiện những nội dung nhân dân đang quan tâm để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tham mưu với cấp ủy chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

        Năm là, thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về quy trình, phương pháp giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.

                                                                                       Nguyễn Văn Hiệp

                                                                            Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng