Skip to main content
x
6 July 2020

        Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người. Cùng với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là ba phát minh vĩ đại của C. Mác. Kể từ khi ra đời, các học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu giải phóng con người, giải phóng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

        Hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị xuyên tạc, bóp méo một cách giáo điều hay cơ hội đủ loại, đặc biệt sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, thì học thuyết khoa học và cách mạng đó đang bị một số người hiểu một cách sai lệch và các thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không phù hợp với Việt Nam hiện nay. Trong Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đảng ta đề xuất tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xác định rõ những vấn đề còn nguyên giá trị, những vấn đề đã bị thực tiễn vượt qua. Để góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định những học thuyết của C.Mác còn nguyên giá trị và được vận dụng ở nước ta hiện nay, trong phạm vi bài nghiên cứu tôi chỉ đề cập đến: “Giá trị học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay”.

        1. Giá trị học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

        C.Mác là người đầu tiên phát hiện và luận giải tính khách quan và tự giác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại . Theo Ông, giai cấp có năng lực tự giải phóng và sẽ giải phóng nhân loại thoát khỏi ách áp bức bóc lột cuối cùng của lịch sử: chế độ bóc lột giá trị thặng dư của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là giai cấp công nhân hiện đại.

        Nội dung của sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là một quá trình cách mạng toàn diện để xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng. Nó làm xuất hiện hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, có “một cuộc cách mạng của đại đa số mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số”, nhờ việc hướng tới xây dựng một xã hội trên cơ sở công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu.

        Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), các nhà sản xuất đã sử dụng nhiều rôbot, dây truyền tự động hóa nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động. Lợi dụng tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin không còn đúng nữa. Nhưng thực tế là nếu không có người công nhân chế tạo, lập trình, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa rôbot, dây truyền tự động hóa chỉ là đống sắt vụn vô tri, vô giác. Trong mối quan hệ giữa người lao động và máy móc (rôbot, dây truyền tự động) thì người lao động ở đây là người công nhân đóng vai trò quyết định. Mặc dù người công nhân hiện nay có sự thay đổi về mặt cơ cấu như như công nhân “cổ xanh”; công nhân “cổ cồn”, công nhân “cổ vàng”, nhưng họ đều là công nhân, đều là người lao động và nếu thiếu họ thì nền sản xuất hiện đại không thể tồn tại. Hơn nữa, nếu xét về mặt kinh tế, người công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất chính ra của cải vật chất của xã hội hiện đại. Xét về mặt chính trị, tư tưởng thì chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới là người có thể đoàn kết với nông dân, những người lao động khác và dẫn dắt họ xây dựng xã hội mới (ở đó có công bằng, tự do, bác ái, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc). Xét về mặt văn hóa, đạo đức, chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới xây dựng được những giá trị văn hóa, đạo đức mới như công bằng, chân, thiện, mỹ, bình đẳng tôn trọng… Do đó, giai cấp công nhân hiện đại vẫn đóng vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới là lật đổ chủ nghĩa tư bản bóc lột, áp bức và nô dịch con người. Đúng như C.Mác nói: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc, họ sẽ được cả thế giới”(1) .

        Thời đại ngày nay đang có nhiều biến đổi khó lường, nhiều học thuyết, nhiều trào lưu tư tưởng tìm cách len lỏi vào phong trào công nhân, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng những quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị.

        2. Vận dụng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân ở Việt Nam hiện nay

        Vận dụng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của  C.Mác và Ph. Ăngghen vào Việt Nam là chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đề xuất bổ sung cho “chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông...”(2). Người khẳng định, cùng với động lực đấu tranh giai cấp thì, “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” và phải gắn sứ mệnh của giai cấp với lợi ích của dân tộc. Người đã phát hiện thêm hai điều mà C.Mác chưa nói tới: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn với châu Âu”(3) vì nó có nhiều tiền đề từ xã hội cổ truyền, và chưa phải là sự phát triển của xã hội sản xuất mà là “Sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đã chuẩn bị sẵn mảnh đất rồi. Chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng mà thôi”(4). Chính từ những quan điểm mới mẻ ấy, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam và đã bổ sung, phát triển lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng cũng chính là phương pháp luận để chúng ta vận dụng và phát triển lý luận về sứ mệnh lịch sử.

        Tuy nhiên, Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân cần không ngừng xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sử dụng nhà nước đó để thiết lập hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.

        Thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ngay sau khi giành được độc lập đã phải bước vào 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ. Hậu quả do chiến tranh để lại còn nặng nề, kinh nghiệm cho xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước, xây dựng nền kinh tế…chưa nhiều. Để xây dựng được đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong đợi của Bác Hồ đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân.

        Kể từ Đại hội VI (1986) của Đảng, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Đặc biệt chú ý đổi mới tư duy (tư duy kinh tế), từng bước đổi mới chính trị… Đến Đại hội VII (1991) của Đảng, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với việc đưa ra được những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta lần đầu tiên đưa ra được mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Mô hình này đã vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về những đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa vào điều kiện cụ thể nước ta, phù hợp với xu thế của thời đại. Đất nước chuyển mạnh sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân ở Việt Nam lúc này là từng bước thực hiện những đặc trưng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - đối ngoại… Sau thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh (1991), nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Đến Đại hội XI của Đảng (01-2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được thông qua. Đại hội XII của Đảng và trước thềm Đại hội XIII, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay cần phát huy vai trò của mình qua các lĩnh vực sau:

        Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh tế:

        Tiếp tục tham gia thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, phải chủ động vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ; phải tiên phong đi đầu trong những lĩnh vực then chốt mới có thế giữ được vai trò của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Giai cấp công nhân Việt Nam cần tham gia sâu rộng vào sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có văn minh công nghiệp chiếm ưu thế trong sản xuất và đời sống xã hội; phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn.

        Thứ hai, trong lĩnh vực chính trị - xã hội:

        Giai cấp công nhân Việt Nam góp phần giữ vững, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng. Thông qua vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã và đang góp phần xây dựng hệ thống chính trị; là giai cấp tiên phong trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp, đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Thứ ba,  trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng:

        Cùng với sự quan tâm của Đảng, giai cấp công nhân phát triển về cả số lượng và chất lượng, bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp không ngừng được nâng cao. Công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giai cấp công nhân được quan tâm đáp ứng yêu cầu mới.

        Nội dung và phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân được đổi mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói chung, đối với giai cấp công nhân nói riêng. Phải tăng dần số lượng giai cấp công nhân trong Đảng. Đảng ta đã luôn thường xuyên giáo dục chính trị cho giai cấp công nhân để họ nhận thức được đầy đủ vai trò của mình trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở nước ta.

        Cùng với quá trình phát triển đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và góp phần quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng…

        Tóm lại, trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến giai cấp công nhân và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Nhưng với tư cách là sản phẩm và là chủ thể của cách mạng công nghiệp, giai cấp công nhân trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn sẽ là lực lượng tiên phong trong sản xuất vật chất và là đại biểu cho xu thế tiến bộ, văn minh mà nhân loại hướng tới. Vì thế, học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của C.Mác vẫn còn nguyên giá trị. Việc nghiên cứu đầy đủ những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vận dụng ở Việt Nam sẽ khẳng định sức sống của học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của C.Mác và bổ sung, phát triển học thuyết này ở Việt Nam hiện nay. Cùng với xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, bảo vệ giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra./.

Chú thích:

(1)  C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.646.

(2), (3), (4),  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.510, 35, 28.

 

                                                                                     ThS. Nguyễn Thị Lan Hương

                                                                                     Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở