Skip to main content
x
1 June 2020

        Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”[1]. Vì vậy Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại của đất nước, là linh hồn của đại đoàn kết dân tộc, là nhân tố quan trọng tạo nên sự gắn kết, đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội. Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, ngoài những nhiệm vụ trên, Mặt trận Tổ quốc thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật và bảo đảm hiệu quả hoạt động của pháp luật, thông qua hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước.

        “Kiểm soát quyền lực nhà nước là một chỉnh thể các thể chế pháp lý và các thiết chế có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, gắn kết chặt chẽ với nhau, cùng vận hành, nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của các cơ quan, nhân viên nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo đúng Hiến pháp, pháp luật, đúng mục đích mong muốn và hiệu quả”[2]. Ở các quốc gia đa nguyên chính trị, vai trò kiểm soát quyền lực được các Đảng đối lập thực hiện chặt chẽ thông qua việc phản biện, giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách do Đảng cầm quyền ban hành. Hệ thống chính trị Việt Nam chỉ có một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam không thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước. Vì vậy cần có các chủ thể cùng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực từ bên trong bằng việc phân công, phối hợp và tự kiểm tra, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm dụng quyền lực theo quy định của Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực từ bên ngoài của bộ máy nhà nước thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng và sự giám sát của nhân dân. Hiện nay theo quy định của Hiến pháp 2013 và các quy định hiện hành, Mặt trận Tổ quốc thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, giám sát bầu cử; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vận động nhân dân thực hiện chính sách; tham gia giám sát và phản biện xã hội. Điều này thể hiện tinh thần dân chủ trong xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Khác với cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước, kết quả kiểm soát quyền từ bên ngoài được thể hiện dưới dạng kiến nghị hoặc thông qua dư luận xã hội, báo chí, gửi kiến nghị, phản ánh đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ hoặc nhà nước điều chỉnh, ban hành chính sách mới trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất phù hợp.

        Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên là 8.310,09km2, dân số gần 78 vạn người, với 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng chiếm 42,8%, Tày chiếm 35,4%, Kinh chiếm 17,11%, Dao chiếm 3,5%, dân tộc Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc khác chiếm  khoảng 1,19%. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tích cực vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được tăng cường mở rộng; hệ thống chính trị từng bước được xây dựng củng cố, nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện các chính sách trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế nhất định, có sai phạm trong trong thực hiện chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giải quyết còn chậm; một số dự án chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tệ nạn xã hội phức tạp; việc thực hiện dân chủ ở một số địa phương chưa hiệu quả, đời sống nhân gặp nhiều khó khăn, chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư có xu hướng gia tăng đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc phải tăng cường việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách, giám sát, phản biện chính sách. Các hoạt động xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn tỉnh do Nhà nước triển khai, phải được Mặt trận Tổ quốc tham gia phản biện, giám sát chặt chẽ. Điều này đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nâng cao trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội với nội dung phong phú, phủ khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội để nắm bắt những hạn chế của các chính sách đồng thời thực hiện dân chủ, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát quyền lực. Đây chính là hoạt động kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất để không còn hiện tượng đặc quyền, đặc lợi và lạm quyền dưới bất kỳ hình thức nào, thực tế cho thấy trong những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện kiểm soát quyền lực qua việc thực hiện một số nhiệm vụ sau:

        Một là, Trong hoạt động hiệp thương trong bầu cử là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thảo luận để thỏa thuận thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp; lập danh sách sơ bộ và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng được quy định tại khoản 5, điều 4, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”[3]. Mục tiêu quan trọng nhất của hiệp thương là sàng lọc, lựa chọn, không để lọt vào danh sách chính thức người ứng cử không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để ứng cử. Thực hiện hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn đại biểu của các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng cạnh tranh tránh việc thực hiện dân chủ hình thức làm suy giảm uy tín, vai trò của Đảng đối với quần chúng nhân dân, làm tổn hại đến bản chất dân chủ của chế độ và làm cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước qua bầu cử trở nên hình thức. Thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người tham gia ứng cử; tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; tuyên truyền, vận động cử tri và nhân dân tích cực tham gia bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Công tác phối hợp tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri tiếp tục được đổi mới, chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên, thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện được Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện đã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu được 30 vị Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh, 263 vị Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện.

        Hai là, Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, đây là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc các cấp được quy định trong điều 3, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015. Với vai trò trung tâm, Mặt trận Tổ quốc các cấp thuộc tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt nhiệm vụ “tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…. thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”[4]. Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành liên quan, các tổ chức thành viên cùng cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận, thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, thực thi các chính sách tại địa phương thông qua các phong trào, các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Cuộc vận động "Vì người nghèo” ; Các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", “đoàn viên, người lao động tích cực thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập và phát triển” của Liên đoàn lao động; " xây dựng lực lượng nông dân trong tỉnh có trình độ, năng lực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chủ nông thôn mới" của Hội Nông dân. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh thông qua việc thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức tham gia đóng góp ý kiến đối với 186 dự thảo, dự án luật, dự thảo văn bản pháp luật, các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Từ đó thấy được hiệu quả và những hạn chế của chính sách và đưa ra đề xuất xây dựng chính sách mới, hoặc điều chỉnh chính sách phù hợp, đây là cách thức để Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực Nhà nước tại địa phương.

        Ba là, Giám sát và phản biện xã hội là chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc quy định tại điều 9, Hiến pháp năm 2013. Đảng cũng quy định rõ bằng việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 là cơ sở chính trị, pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn lịch sử hiện nay, từ đó góp phần quan trọng vào thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Năm năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tiến hành 7.292 cuộc giám sát và 23 cuộc hội nghị phản biện với nội dung giám sát đa dạng, phong phú, sát với tình hình thực tế của địa phương và tập trung vào các vấn đề bức xúc trong dư luận liên quan đời sống, việc làm của người dân như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý và sử dụng đất đai; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương được củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động. Trong 5 năm qua, các Ban Thanh tra nhân dân đã tiến hành giám sát 2.100 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tiến hành giám sát 2.370 cuộc, kiến nghị xử lý 375 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư tại cộng đồng... tạo lòng tin trong nhân dân, giữ vững ổn định tại địa phương. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc, giải quyết, phản hồi; riêng đối với các kiến nghị sau giám sát đã được tiếp thu, giải quyết trên 85,86%. Các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Qua việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

        Hiệp thương, giới thiệu những người có đủ đức, tài tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp; thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm của khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ; tham gia giám sát và phản biện xã hội là những nhiệm vụ quan trọng mà Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai và đạt được kết quả quan trọng. Đây là động lực để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị và tâm tư nguyện vọng với các cấp Chính quyền; thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực góp phần xây dựng nền hành pháp kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

* Trích dẫn

[1] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[2] Hoàng Minh Hội, “Cơ chế pháp lý kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương: Thực trạng và giải pháp”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210321

[3] Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

[4] Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

 

 

                                                                                               ThS. Dương Thị Quý

                                                                        Giảng viên Phòng QLĐT&NCKH