Skip to main content
x
27 April 2020

        Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước luôn xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế.

        Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi của cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với sự phát triển chung của thế giới và đất nước. Thực chất của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là xuất phát từ sự phát triển không đều giữa các ngành. Ngành nào có tốc độ phát triển cao hơn tốc độ phát triển chung của nền kinh tế thì sẽ tăng tỷ trọng và ngược lại, ngành có tốc độ thấp hơn sẽ giảm tỷ trọng. Nếu tất cả các ngành có cùng một tốc độ phát triển thì tỷ trọng các ngành sẽ không đổi, nghĩa là không có chuyển dịch cơ cấu ngành.

        Cơ cấu kinh tế bao gồm: Cơ cấu ngành, cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế. Ba loại hình kinh tế này đặc trưng cho cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó cơ cấu ngành kinh tế có vai trò quan trọng hơn cả.

        Thực hiện đường lối đổi mới của đất nước, Lạng Sơn đã tập trung huy động mọi nguồn lực, nỗ lực phấn đấu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Quá trình đó đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

        Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Lạng Sơn với hiện trạng năm 2011: Nông nghiệp (39,97%), Dịch vụ (39,57%) và Công nghiệp, xây dựng (20,46%). Mục tiêu đến năm 2020, Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ, cụ thể Dịch vụ (50 - 51%), Công nghiệp, xây dựng (25 - 26%) - Nông nghiệp (24 - 25%) (1).

        Để đạt được mục tiêu đó, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, do đó đã tạo được sự chuyển dịch tích cực. Cơ cấu ngành kinh tế đã chuyển đổi tương đối rõ nét theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thời kỳ 2016 - 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp trong GDP giảm 6,16% (từ 26,08% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2019, dự kiến 2020 chiếm 19,92%), bình quân hằng năm giảm 1,54%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 5,1% (từ 18,63% năm 2015 lên 23,33% năm 2019, dự kiến 2020 chiếm 23,73%), bình quân mỗi năm tăng 1,28%; ngành dịch vụ tăng cơ bản không đáng kể (từ 50,99% năm 2015 lên 51,08% năm 2019, dự kiến 2020 chiếm 51,92%). Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,8%.

        Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 2,61%, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng, hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGap, GlobalGap), tập trung đẩy mạnh quảng bá giới thiệu, xây dựng nhãn mác, thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Lĩnh vực trồng trọt đã có những chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao vào sản xuất; sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 310 nghìn tấn; hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung một số sản phẩm chủ lực như: Na diện tích 3.200 ha, Thạch đen trên 2.500 ha, thuốc lá trên 2.200 ha, cây có múi 3.895 ha, rau các loại trên 8.000 ha,... Lĩnh vực chăn nuôi đã có những chuyển dịch khá rõ nét về cơ cấu giống, cơ cấu đàn, nhất là hình thức chăn nuôi đã từng bước chuyển khá rõ từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi trang trại, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi với quy mô khá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lĩnh vực thủy sản từng bước phát triển, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm. Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ; bình quân hằng năm trồng rừng mới được trên 10,3 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng từ 54,5% năm 2015 lên 62,8% năm 2019; đã hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng thông diện tích 108.000 ha, keo, bạch trên 24.500 ha, hồi trên 25.000 ha, đang hình thành vùng cây nguyên liệu quế với diện tích gần 1.200 ha,...

        Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển, tổng giá trị công nghiệp bình quân tăng 13,85%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh là: 2 nhà máy xi măng với tổng công suất 126 vạn tấn/năm, nhà máy nhiệt điện Na Dương công suất 100 MW, mỏ than Na Dương sản lượng khai thác trên 600 nghìn tấn/năm, một số nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ với công suất 90 nghìn m³/năm, hiện có khoảng 83 mỏ đá vôi đang khai thác có tổng trữ lượng 405 triệu m3­. Các cơ sở chế biến gỗ khu vực huyện Hữu Lũng, chế biến nhựa thông tại các huyện Lộc Bình, Đình Lập…

        Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá toàn diện. Hệ thống phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh hiện có: 02 Trung tâm thương mại, 02 siêu thị hạng III, 01 siêu thị chuyên doanh hạng II; 83 chợ, trong đó có 56 chợ nông thôn và các đại lý, cửa hàng bán lẻ phát triển đa dạng, rộng khắp; hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất của Nhân dân. Công tác bình ổn thị trường giá cả hàng hoá được triển khai thực hiện có hiệu quả gắn với việc thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

        Hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả, mạng lưới thanh toán hiện đại đáp ứng được nhu cầu quản lý, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương. Mạng lưới bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, chuyển phát kịp thời, chất lượng ổn định; hiện trên địa bàn tỉnh có 41 bưu cục; 136 điểm bưu điện văn hoá xã, 214/226 xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày, 100% số xã có sóng di động 2G, 3G, 100% phường, thị trấn có sóng di động 3G, 4G; có trên 814 nghìn thuê bao điện thoại và trên 126 thuê bao Internet. Hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân.

        Hoạt động du lịch phát triển cả về lượng khách, loại hình dịch vụ, doanh thu và chất lượng phục vụ. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư nâng cấp, hình thành và đưa vào hoạt động nhiều khu, điểm du lịch với nhiều loại hình như du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, văn hoá cộng đồng, mua sắm, biên giới; một số sản phẩm du lịch đang dần được khẳng định thương hiệu, các khu, điểm du lịch đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng.

        Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, xuất phát điểm của tỉnh với nền kinh tế thuần nông, phần lớn dân cư tập trung tại khu vực nông thôn với nhận thức trong chuyển đổi kinh tế còn nhiều hạn chế; diện tích đất tự nhiên 70% là đồi núi; công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm.., do đó chưa tạo được tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, hiệu quả kinh tế chưa cao.  Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn ít, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân trên địa bàn tỉnh còn thấp hơn khu vực và cả nước.

        Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Dịch vụ (53 - 54%); Công nghiệp, xây dựng (25 - 26%); Nông nghiệp (16 - 17%) (2). Để việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu đề ra, trước hết cần tập trung mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự nỗ lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đồng thời thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau:

        Thứ nhất, nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội ngành các ngành kinh tế

        Đổi mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả của từng ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung theo hai hướng: Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy mở rộng và phát triển, tận dụng lợi thế kinh tế quy mô đối với các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh; đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch đẩy nhanh phát triển một số ngành, sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực mới của nền kinh tế.

        Thứ hai, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước đối với đầu tư

        Tiếp tục rà soát lại toàn bộ danh mục dự án đầu tư đang thực hiện, danh mục dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện và danh mục dự án dự kiến thực hiện trong thời gian sắp tới để loại bỏ những danh mục dự án: Không còn phù hợp với điều kiện phát triển và tiêu chí mới; không rõ mục đích đầu tư; không cân đối được nguồn lực, không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp gây lãng phí nguồn lực.

        Xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn cho giai đoạn mới, trong đó phải tính toán, xác định được những danh mục dự án hợp lý, chi tiết,… đảm bảo sự phát triển cân đối của nền kinh tế. Tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư mà các nhà đầu tư đã cam kết, thỏa thuận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019.

        Thứ ba, tập trung phát triển mạnh vùng kinh tế động lực

        Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn trở thành đầu mối xuất khẩu lớn của cả nước, là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc. Đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hoá chủ lực của tỉnh.

        Thứ tư, tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với việc xây dựng, triển khai đồng bộ các kế hoạch đã được duyệt tại Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025.

        Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh; kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

        Thứ năm, đào tạo và nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực

        Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là cán bộ kỹ thuật, công nghệ cho các ngành ưu tiên phát triển. Tiếp tục khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Đa dạng hóa các chương trình quốc gia về dạy nghề. Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, nâng cao năng lực dự báo, kế hoạch hóa nguồn nhân lực dựa trên các tín hiệu của thị trường.

        Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua là cơ bản, tạo động lực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, vượt qua những khó khăn thách thức, Lạng Sơn đã đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước và cùng với cả nước phấn đấu vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh"./.

* Trích dẫn 

(1) Nghị quyết số 196/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về  Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tỉnh Lạng Sơn.

(2) Báo cáo số 56 /BC-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025.

                                                                                                             Th.S Đồng Hương Gấm

                                                                                                           Trưởng Khoa Lý luận cơ sở