Skip to main content
x
31 March 2020

        Suốt 45 năm qua, bản hùng ca Đại thắng Mùa Xuân 1975 luôn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào thiêng liêng. Sức mạnh làm nên chiến thắng huy hoàng ấy chính là sức mạnh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) của Đảng đã nhận định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Đây là lời khẳng định hào hùng như một "Đại cáo" của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

        Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Cuộc chiến tranh kết thúc, quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Giơnevơ, sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai, viện trợ kinh tế, quân sự, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn nằm dưới sự cai trị của chủ nghĩa đế quốc, tay sai.

        Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận định, phân tích toàn diện và sâu sắc tình hình thế giới và khu vực, xu thế phát triển của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ đó, xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vấn đề cốt lõi là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, trên cơ sở phát huy cao độ truyền thống đoàn kết của dân tộc. Quân dân đoàn kết một lòng, toàn dân một ý chí với tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, tất cả vì mục tiêu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

        Trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Trung ương Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, đó là thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất riêng phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở từng miền, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc; Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình... ở miền Nam). Tuy mục tiêu, cương lĩnh cụ thể không giống nhau, hình thức tổ chức cũng như cơ cấu, thành phần có nhiều điểm khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích tập hợp toàn dân thành một khối thống nhất theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là cơ sở bảo đảm cho sự lãnh đạo vững bền của Đảng, đồng thời phân hóa, cô lập cao độ kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”. Hơn bao giờ hết, đoàn kết là chất keo dính mỗi người Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên sức mạnh thiêng liêng của toàn dân tộc.

        Ở miền Nam, mặc dù bị kẻ thù đàn áp ngày càng khốc liệt, chúng lê máy chém đi khắp mọi nơi để tàn sát những người yêu nước, đấu tranh cho hòa bình, nhưng theo quy luật, quân địch càng đàn áp thì phong trào đấu tranh của nhân dân càng lên cao. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam được thành lập. Chủ trương, cương lĩnh của mặt trận và Chính phủ, cùng lời kêu gọi của liên minh các lực lượng yêu nước, yêu hòa bình, đã củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, các dân tộc và tôn giáo, các đảng phái và giai cấp, các đoàn thể, thân sĩ và trí thức... đồng thuận một lòng, anh dũng đứng lên đấu tranh, đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giành lại hòa bình, độc lập, dân chủ và tự do cho nhân dân, thống nhất đất nước.

        Sự đoàn kết và quyết tâm đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân miền Nam đã động viên quân và dân miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, dốc lòng chung sức chi viện cho chiến trường, luôn kề vai sát cánh cùng đồng bào miền Nam đánh giặc. Khẩu hiệu ''tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'' đã trở thành hành động  của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương khắp nơi trên miền Bắc. Các phong trào thi đua ''vì miền Nam ruột thịt'' như phong trào thanh niên ''ba sẵn sàng'', phụ nữ ''ba đảm đang'', nông dân ''tay cày, tay súng", công nhân "tay búa, tay súng", học sinh "làm nghìn việc tốt chống Mỹ, cứu nước''...thu hút mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi.  

        Chiến thắng ngày càng to lớn và vang dội của quân dân ta ở cả hai miền đã làm nức lòng bạn bè thế giới và càng làm tăng thêm tình đoàn kết chiến đấu, sự gắn bó thủy chung cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ ngày càng lớn lao của bạn bè quốc tế. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng cổ vũ, động viên, làm tăng thêm nghị lực cùng sức mạnh để quân và dân ta đấu tranh, đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn, kiểu loại chiến lược chiến tranh của kẻ thù.

Sự kiện Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 cũng là dấu mốc kết thúc cuộc trường chinh suốt 30 năm của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống lại giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Như vậy là chỉ trong 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy (từ ngày 4/3 bắt đầu Chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 30/4/1975) với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, bằng sức mạnh áp đảo cả về quân sự, chính trị, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy quân sự khổng lồ và hiện đại của chính quyền tay sai được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

        Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả từ sự đấu tranh, hy sinh, kiên trì bền bỉ suốt 30 năm của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đó cũng là kết quả từ sức mạnh tổng hợp xuất phát từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sức mạnh đó có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “…mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thêm một lần nữa chứng minh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

        Kế thừa những thành quả vĩ đại của cách mạng, của Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà các thế hệ cha ông ta đã đổ bao công sức, trí tuệ, mồ hôi, xương máu mới giành được, ngày nay, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải tích cực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Từ bài học Chiến thắng 30/4/1975 cho thấy, để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh là truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng; tập trung tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; hiệu quả tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước; vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, tệ nạn xã hội... Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” xuyên tạc, phủ nhận những thành quả cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

* Trích dẫn

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr 471.

[2] Hồ Chí Minh , Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011,  tr 299.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 38.

                                                                                      ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                                                             Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng