Skip to main content
x
19 March 2020

        Lạng Sơn có tổng diện tích tự nhiên 8.310 km2địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi chiếm hơn 80%, nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1.541 m, được quy hoạch là khu du lịch Quốc gia. Khí hậu Lạng Sơn có nét đặc thù của khí hậu á nhiệt đới. Năm 2018, dân số toàn tỉnh là 781,6 nghìn người (trong đó khu vực nông thôn chiếm 79,6%), với 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng chiếm 42,8%, Tày 35,4%, Kinh 17,11%, Dao 3,5% và Sán chay, Hoa, Mông. Toàn tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố loại II, 226 đơn vị hành chính cấp xã1.

        Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định với nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay toàn tỉnh đã và đang thực hiện 03 dự án tổng thể và 14 mô hình; cấp huyện, xã đã xây dựng được 56 mô hình phát triển sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn, xây dựng nhãn mác, bao bì, thương hiệu sản phẩm2Trong 3 năm từ 2016 - 2018, đã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cho các sản phẩm3. Đến nay đã có 258,12 ha các loại cây ăn quả đặc sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Hình thành rõ nét một số vùng sản xuất tập trung các loại sản phẩm chủ lực, có thương hiệu4Trong quá trình thực hiện đã có các mô hình mới, cách làm hay trên địa bàn các huyện tiêu biểu có các mô hình như:

        Mô hình “Lúa nếp cái hoa vàng” tại xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Huyện Bắc Sơn có nhiều loại nông sản đặc sản, trong đó không thể không kể tới sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng. Đây là giống lúa được người dân xã Bắc Sơn sản xuất từ nhiều năm nay, cho chất lượng gạo mềm dẻo, thơm ngon. Trung bình mỗi vụ mùa người dân cấy từ 70 ha đến 80 ha, chiếm 85% tổng diện tích đất lúa của xã. Gạo nếp cái hoa vàng nơi đây luôn được người dân ưa chuộng, lựa chọn sử dụng, nhất là dùng vào những ngày lễ, tết. Bởi nếp cái hoa vàng Bắc Sơn ngon đứng đầu trong các loại gạo nếp, hạt đầy tròn, không vỡ, khi nấu cơm nếp hạt gạo rất trong, mềm nhưng không hề nát và thơm mát rất hấp dẫn.

        Huyện Bắc Sơn có nhiều xã cấy lúa nếp cái hoa vàng, nhưng có chất lượng cao chỉ có ở xã Bắc Sơn. Theo người dân chia sẻ thì đó là nhờ khí hậu, chất đất, nguồn nước của xã tạo nên đặc trưng riêng. Do vậy, để duy trì và phát triển chất lượng cũng như danh tiếng của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, năm 2016, huyện Bắc Sơn đã triển khai dự án Xây dựng cánh đồng mẫu “nếp cái hoa vàng”. Dự án tạo mô hình vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tập trung với tổng diện tích 40 ha. Tháng 6/2016, Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Sơn phê duyệt dự án hỗ trợ sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2016 của xã Bắc Sơn. Qua đó, Uỷ ban nhân dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân xã xây dựng dự án cánh đồng mẫu lúa nếp cái hoa vàng với tổng kinh phí đầu tư gần 300 triệu đồng. Các hộ được chọn tham gia dự án sẽ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, 50% kinh phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

        Hiện nay, cánh đồng mẫu đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 1,5 tạ/sào, quy khô đạt 1,2 tạ/sào. Với giá thóc bình quân trên thị trường hiện nay là 17.000 đồng/kg, dự kiến lợi nhuận thu được từ dự án đạt hơn 1,7 tỷ đồng tương đương 44 triệu đồng/ha. So với việc sản xuất tự phát, thì cánh đồng mẫu có nhiều ưu điểm hơn hẳn, do là vùng tập trung liền thửa nên thuận lợi cho việc làm đất và thu hoạch bằng máy nhanh gọn, việc theo dõi sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh cũng dễ dàng, thuận lợi; đặc biệt, năng suất thực tế cao hơn từ 12% - 15%, chất lượng hạt đều hơn.

        Thành công của dự án khẳng định sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng đã và đang mang lại giá trị cao cho người nông dân. Thời gian tới nếu như gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn được xây dựng và chứng nhận thương hiệu sẽ giúp sản phẩm có khả năng phát triển, cạnh tranh cao hơn, từ đó giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của xã cũng như của huyện Bắc Sơn.

        Mô hình vùng chuyên canh cây Hồi đem lại giá trị kinh tế cao. Lạng Sơn là tỉnh có diện tích hồi lớn nhất cả nước với trên 34.000 ha, chiếm trên 70% nguyên liệu cung ứng cho chế biến các sản phẩm gia vị theo tiêu chuẩn hồi tự nhiên; được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng,... Đặc biệt, Hoa hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu cao, không có độc tố. Hàng năm, hồi mang lại thu nhập khoảng 200 đến 300 tỷ đồng cho trên 15.000 hộ dân trong tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2007, sản phẩm hoa hồi, cây hồi đã được cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ; năm 2015 đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hoa hồi Lạng Sơn tại châu Âu.

         Những năm gần đây, người dân đã nhận thức được cây hồi và các sản phẩm của hồi có giá trị kinh tế cao, là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2010 trở lại đây, Tỉnh đã quan tâm quy hoạch vùng trồng hồi một cách bài bản hợp lý, sản xuất chế biến nâng cao chất lượng quả, tinh dầu hồi và các mặt hàng chế xuất từ sản phẩm hồi được chú trọng.

        Đến nay, hoa hồi Lạng Sơn rất có triển vọng mở ra thị trường mới, là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Hồi đang là một nguồn nguyên liệu chính bào chế thuốc Taminflu kháng virus cúm. Các hãng dược phẩm lớn trên thế giới, Bộ Y tế cũng đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. Do vậy thị trường Mỹ, Thụy Sỹ, Nga, Ấn Độ và các nước châu Phi là những thị trường tiềm năng nhập khẩu các sản phẩm hồi của Lạng Sơn.

        Ngày 22/12/2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2225/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị cây Hồi giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đã đề ra lộ trình, bước đi cụ thể để phát triển cây hồi và các sản phẩm từ hoa hồi; đồng thời tích cực triển khai công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ hồi, từng bước tạo cơ hội giao thương, tăng kinh nghiệm chăm sóc, chế biến cây hồi và các sản phẩm từ hồi một cách khoa học cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển biến tích cực cho ngành hồi tỉnh Lạng Sơn; qua đó, dần khẳng định được thương hiệu hoa Hồi xứ Lạng trên trường quốc tế.

        Cùng với chiến lược quy hoạch vùng sản xuất hồi thành vùng sản xuất hàng hóa đồng thời tăng cường quảng bá và hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm hoa Hồi xứ Lạng đã dần tìm được chỗ đứng, tiếp cận được với thị trường tỉnh bạn như Bắc Giang, Bắc Ninh và xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan. Đây là tín hiệu vui, chứng minh “cây chủ lực” của xứ Lạng đang phát triển bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu của loại cây đặc sản miền núi phía Bắc trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

        Mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế rừng. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có tổng diện tích đất rừng sản xuất là 493.336 ha (chiếm 72,43% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh), tiềm năng lớn để chuyển đổi kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Ðể khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi, thời gian qua tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nông dân về kinh tế đồi rừng, chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, mô hình kinh tế đồi rừng; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông). Các ngành chức năng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý cho các chủ trang trại, chủ rừng, giúp đào tạo nâng cao tay nghề nông dân; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, chợ... giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường. Toàn tỉnh hiện có hơn 40 nghìn hộ nông dân làm kinh tế rừng khá, giỏi, chiếm hơn 22% số hộ nông dân của tỉnh, thu nhập hằng năm từ 40 đến 100 triệu đồng trở lên. Các hộ nông dân làm kinh tế chủ yếu là mô hình kinh tế rừng, nông, lâm kết hợp, kinh doanh đa ngành nghề,...

        Trong 10 năm qua, tỉnh đã trồng mới được 109.145 ha (trong đó trồng rừng tập trung 57.119,4 ha; trồng cây phân tán 52.025,7 ha), độ che phủ rừng tăng từ 46,4% năm 2008 lên 62% năm 2018chất lượng và giá trị rừng trồng được cải thiện, trong trồng rừng đã chú trọng trồng một số loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao, đầu tư trồng rừng bằng các giống mới. Hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn5; các loại lâm sản ngoài gỗ như: Nhựa thông, hoa hồi, vỏ quế, quả trám, dầu sợi, song, mây, tre, nứa, cây dược liệu (ba kích, thảo quả...)... được Nhân dân chú trọng đầu tư phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người làm lâm nghiệp. Hai loại lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh là hoa hồi và nhựa thông được khai thác hiệu quả; năm 2018 sản lượng hoa hồi đạt trên 10.000 tấn, giá trị thu được trên 1.000 tỷ đồng; nhựa thông sản lượng đạt trên 13.000 tấn, giá trị mang lại trên 1.060 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 330 cơ sở chế biến lâm sản, loại hình hoạt động của các cơ sở chủ yếu là đóng đồ mộc, bóc, xẻ, băm dăm. Đã có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư thay thế công nghệ chế biến cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm tinh chế có giá trị cao, như: Nhà máy tinh chế nhựa Thông trên địa bàn huyện Lộc Bình sản xuất được 6.286 tấn nhựa thông đã qua tinh chế xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn bình quân hàng năm xuất khẩu trên 1.000 tấn hồi khô vào các thị trường: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan,… một số sản phẩm có chất lượng được xuất sang: Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Bắc Việt ở huyện Hữu Lũng với quy mô công suất 140.000 m3/năm đã đi vào hoạt động và có một số sản phẩm công nghệ cao phục vụ xuất khẩu…

        Thực hiện thành công những mô hình trên, trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện và cơ sở đã có những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá và quyết tâm thực hiện, cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân đã tạo nên phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh hướng tới thực hiện hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Các mô hình, cách làm hay được triển khai thực hiện đã khuyến khích, động viên cán bộ và nhân dân phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo đem lại những chuyển biến tích cực và hình thành những mô hình, cách thức sản xuất mới hiệu quả. Thành công bước đầu của các mô hình mới, cách làm hay có ý nghĩa thiết thực để rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục nhân ra diện rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn nhanh và bền vững.

 

* Trích dẫn:

(1) Trong đó có: 05 huyện, 20 xã và 1 thị trấn 89 thôn biên giới; có 125 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã an toàn khu.

(2) Mô hình trồng na của huyện Chi Lăng; rau an toàn tại huyện Cao Lộc; trồng quýt tại Bắc Sơn; hồng Vành Khuyên tại Văn Lãng, chanh leo tại Tràng Định; Mô hình cây ăn quả cam, táo, thanh long tại Hữu Lũng...

(3) Thạch đen Tràng Định, quýt Bắc Sơn, rau Lạng Sơn, măng Bát Độ huyện Hữu Lũng; Chanh rừng của vùng núi Mẫu Sơn huyện Cao Lộc.

(4) Thuốc lá tại các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng; rau các loại huyện Cao Lộc, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn; cây na các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng.

(5) Như: Vùng trồng cây Thông ở Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc với diện tích 108.000 ha (trong tổng số 126.196 ha diện tích trồng Thông toàn tỉnh); vùng Keo, Bạch Đàn tại Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 24.500 ha (trong tổng số 46.700 ha diện tích trồng Keo, Bạch đàn trong toàn tỉnh); vùng Hồi tại Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích 25.000 ha trong tổng số 33.738 ha diện tích trồng Hồi trong toàn tỉnh; đang dần hình thành vùng trồng Quế ở Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định (hiện đã có khoảng 800 ha).

                                                                                           ThS. Trần Văn Tuân

                                                                                   Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở