Skip to main content
x
5 March 2020

       Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc. Do xuất phát điểm thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế  - xã hội, địa phương đang ra sức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững (tổng số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 là 21.437/196.912 hộ, chiếm tỷ lệ 10,89%).

        Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư làm trọng tâm trong hoạt động. Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc từ tỉnh đến cơ sở không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó chú trọng đến công tác giảm nghèo bền vững.

        Một là, trong công tác tuyên truyền, vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền về các nội dung giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong nhân dân như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin truyền thông; trang thông tin điện tử của Mặt trận và các tổ chức thành viên; thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; qua các cuộc họp chi đoàn, chi hội; treo băng rôn, pa nô, áp phích, tranh cổ động,... và phát huy vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư để tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuyên truyền,vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động như: phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào xây dựng “Gia đình ấm no, hạnh phúc”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”,…gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vận động nhân dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình trồng Quýt ở huyện Bắc Sơn, trồng Na ở huyện Chi Lăng; Hồng Vành Khuyên, Hồng Bảo Lâm huyện Cao Lộc, Văn Lãng; Mô hình cánh đồng mẫu lúa “Nếp cái hoa vàng” tại xã Bắc Sơn; chăn nuôi dê, nuôi bò lai sinh sản xã Nhất Tiến; nuôi cá xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn; các sản phẩm rau an toàn tại các xã: Tân Liên, Gia Cát huyện Cao Lộc, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn;...Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã vận động nhân dân tham gia các Hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập và duy trì hoạt động hợp tác xã kiểu mới, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng, tạo thu nhập ổn định cho lao động ở nông thôn.

        Hai là, trong công tác xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”nhằm hỗ trợ người nghèo có vốn, giống để phát triển sản xuất, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn Mặt trận các cấp triển khai tổ chức phát động, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11. Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên, các ngành liên quan kiện toàn Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” theo quy chế mới, đồng thời tiếp tục phối hợp rà soát, nắm bắt số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ còn ở nhà tạm, nhà dột nát, học sinh nghèo đặc biệt khó khăn… để hỗ trợ.

        Cùng với đó công tác xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” gắn với phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2016 đến hết năm 2019, Quỹ "Vì người nghèo” các cấp đã vận động được số tiền 21.853.038.901 đồng (Trung ương và các doanh nghiệp hỗ trợ 10.810.000.000 đồng; Cấp tỉnh 611.226.809 đồng; cấp huyện 4.400.974.392 đồng; cấp xã 6.030.837.700 đồng) cùng với các nguồn lực khác đã hỗ trợ xây dựng mới 415 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 8,9 tỷ đồng, sửa chữa 107 nhà, trị giá trên 781 triệu đồng; xây dựng 04 nhà bán trú, trị giá 1 tỷ đồng. Hỗ trợ 540 bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh với tổng số tiền trên 240 triệu đồng, hỗ trợ 3.250 học sinh nghèo vượt khó với số tiền trên 740 triệu đồng, hỗ trợ quà tết 4.983 suất (tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 1000 suất), trị giá trên 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ 500 chăn ấm, trị giá trên 150 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất 438 hộ, trị giá trên 316 triệu đồng.

        Ba là, việc triển khai các mô hình giảm nghèo, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo tại xã Song Giang, huyện Văn Quan, với nguồn kinh phí thực hiện là 375 triệu đồng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ; phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng xây dựng công trình nước ngọt vùng biên tại thôn Tẩn Lầu, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập từ nguồn Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, trị giá 500 triệu đồng.

        Bốn là, việc hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên truyên truyền đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo định hướng quy hoạch, vận động nhân dân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Kết quả nhân dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới được trên 589 tỷ đồng; hiến trên 900 nghìn m2 đất, trên 900 nghìn ngày công lao động xây dựng nông thôn mới, từ công tác tuyên truyền, vận động, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước diện mạo cơ sở hạ tầng, kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, hiện nay toàn tỉnh đã có thành phố Lạng Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

        Như vậy, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn với chức năng, nhiệm vụ của mình, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, có hiệu quả trong việc tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện và nâng cao.

        Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục phối hợp các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả phong trào xóa đói, giảm nghèo và các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân./.

                                                                                          Nguyễn Văn Hiệp

                                                                                Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng