Skip to main content
x
5 March 2020

        Lạng Sơn hay còn được gọi là “xứ Lạng”, là tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam, có biên giới quốc gia tiếp giáp với nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính đường bộ và đường sắt liên vận quốc tế giữ vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương, góp phần đưa Lạng Sơn trở thành một trong những tỉnh có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng. Với vị trí địa lý quan trọng và khả năng tiếp cận thuận lợi với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối phát triển, Lạng Sơn có những lợi thế nhất định để phát triển du lịch.

        Là nơi địa đầu của Tổ quốc, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, có nhiều di tích lịch sử với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Các danh lam thắng cảnh cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa là những tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Lạng Sơn có diện tích 8.305,21 km2, gồm 08 dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Cao Lan, HMông1. Lạng Sơn được du khách trong và ngoài nước biết đến vì có nhiều hang động, đền chùa cổ kính và có các chợ đông đúc, nhiều mặt hàng giá rẻ. Đến với Lạng Sơn, du khách sẽ được thăm quan rất nhiều danh lam thắng cảnh: cùng với dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược về phương Bắc nằm giữa lòng thành phố như một điểm nhấn, có động Tam Thanh, Nhị Thanh, hòn Vọng phu mang hình nàng Tô Thị bồng con chờ chồng, chùa Tiên, giếng Tiên, đền Kỳ Cùng, đặc biệt là khu du lịch Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn 31 km về phía Đông, đồng thời có những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm: Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, căn cứ cách mạng Bắc Sơn, quê hương người anh hùng Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri. Đến với xứ Lạng, du khách còn được tham gia các lễ hội truyền thống, tất cả đều thể hiện bản sắc văn hóa và nét đặc trưng của từng dân tộc, mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện qua các nghi lễ, phong tục tập quán, các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, các làn điệu hát then, hát sli độc đáo, trong đó điển hình là bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng được giữ gìn và phát triển qua hàng ngàn năm lao động sáng tạo và tiếp thu tinh hoa thời đại, ngoài ra xứ Lạng còn hấp dẫn du khách bởi nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng của núi rừng như: vịt quay, lợn quay, khâu nhục, phở chua, bánh cuốn…du khách thập phương cũng biết đến Lạng Sơn qua các câu ca dao:

        “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

        Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

        Ai lên xứ Lạng cùng anh

        Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

        Tay cầm bầu rượu nắm nem

        Mải vui quên hết lời em dặn dò”

        Đoạn ca dao từ ngàn xưa để lại đã vẽ lên một xứ Lạng thật đẹp. Ngược dòng lịch sử, có thể nói mảnh đất Lạng Sơn luôn gắn liền với vị thế là cửa ngõ của vùng biên ải, với vị thế trọng yếu như vậy, ngay từ rất xa xưa, Lạng Sơn đã mang dấu ấn một “đô thị” với việc phát triển song song, “đô” là hệ thống thành quách, vừa mang ý nghĩa phòng thủ quân sự, vừa mang tính chất bảo vệ dân sinh; “thị” là hình thức buôn bán, giao lưu kinh tế của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn với nét đặc trưng thể hiện qua phố Kỳ Lừa đã được hình thành từ rất lâu đời.

        Trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, kinh tế du lịch với loại hình du lịch văn hóa được chú ý hướng đến nhiều thì nền văn hóa các dân tộc xứ Lạng đã thực sự trở thành một tài nguyên, tiềm năng lớn để Lạng Sơn phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, điều này dễ dàng nhận thấy qua một loạt các hoạt động văn hóa, du lịch trong một năm ở Lạng Sơn thì dường như yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc là đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt.

        Ngày nay, tỉnh Lạng Sơn đang trên con đường đô thị hóa nhanh, mạnh với những bước phát triển vững chắc, với xu thế mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới, Lạng Sơn đã và sẽ có những cơ hội rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Việc Chính phủ phê duyệt hệ thống khu kinh tế cửa khẩu cả nước trong đó có khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Đề án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch Lạng Sơn trong giai đoạn mới. Năm 2019 tình hình phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, nổi bật một số huyện đã và đang xây dựng đề án phát triển du lịch của huyện như: Chi Lăng, Bắc Sơn, Bình Gia, thành phố Lạng Sơn. Bên cạnh đó, năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 557/QĐ-TTg ngày 15/5/2019 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040. Hiện nay, tỉnh đang triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước đầu tư khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Bắc Sơn và các khu, điểm di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, huyện Bắc Sơn gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật như: du lịch biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, trong năm 2019 tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc năm 2019; lễ hội hoa hồi Văn Quan; lễ hội Na Chi Lăng; lễ hội quýt Bắc Sơn; lễ hội Hoa đào xứ Lạng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Trong những năm qua, số lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng hàng năm: năm 2017 tăng 2,6 triệu lượt khách; 2018 đón 2,8 triệu lượt khách; 6 tháng đầu năm 2019 tổng lượng khách du lịch ước đạt 1.752 nghìn lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 822 tỷ đồng2. Ngành Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình khảo sát điểm đến, hợp tác phát triển du lịch, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các doanh nghiệp tham dự. Đồng thời, ngành Du lịch tỉnh cũng tham gia các chương trình hợp tác liên kết vùng, đẩy mạnh triển khai quảng bá tại các thị trường, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Lạng Sơn, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của khách du lịch.

        Với sự quyết tâm đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng và hy vọng rằng trong tương lai không xa, Lạng Sơn sẽ trở thành một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.

Trích dẫn: (1) www.langson.gov.vn, (2) https://congthuong.vn/

                                                                                      ThS. Chu Minh Tâm

                                                                             Giảng viên phòng QLĐT &NCKH