Skip to main content
x
28 February 2020

        Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin... lý luận mà không liên hệ với thực tế là lý luận suông”[1]. Người nhấn mạnh: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận; lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành thì khác nào cái một hòm đựng sách”[2]. Như vậy, theo Người, trong việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị đều hướng tới một mục tiêu là để “phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng”.

        Là một đơn vị trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nghiêm túc Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (trước đó là Quyết định số 1855) và Hướng dẫn số 311- HD/HVCTQG ngày 12/6/2019 về hoạt động đi nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua các hoạt động cụ thể như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, trong đó có cả việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn ở cơ sở giai đoạn 2015 - 2020 theo kế hoạch số 28/KH-TCT ngày 14/9/2015 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.

        Như vậy, có thể thấy, việc triển khai kế hoạch đi nghiên cứu thực tế hàng năm để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy đã thành nề nếp thường xuyên và đem lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên được thực hiện qua các hình thức như: nghiên cứu thực tế của tập thể khoa và của cá nhân từng giảng viên, hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế. Nội dung nghiên cứu thực tế chủ yếu là gắn với hoạt động chuyên môn của khoa, gắn với nội dung bài giảng do giảng viên phụ trách trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính nói riêng và các chương trình do trường Chính trị thực hiện nói chung.

        Thực tế giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ những năm qua cho thấy, để bài giảng có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao, mỗi giảng viên không những cần có vốn kiến thức vừa cơ bản, vừa sâu rộng, mà phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn); trưởng, phó phòng, chuyên viên của sở, ban, ngành; cán bộ công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác. Người học một mặt đã được học các môn lý luận ở các chương trình đào tạo khác, đã có kinh nghiệm thực tiễn công tác; mặt khác, quan trọng hơn là họ cần được tiếp cận các môn học này dưới góc độ là lý luận khoa học gắn với thực tiễn. Do vậy, điều mà học viên mong muốn là sau khi học sẽ tự mình giải quyết tốt những vấn đề từ trong thực tiễn, dùng lý luận để giải quyết thực tiễn. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết để giảng viên phải nâng cao kiến thức thực tiễn của bản thân góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ, chứng minh cho lý thuyết khoa học của mỗi bộ môn. Tuy nhiên, thực tiễn rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi khi giảng dạy người giảng viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của người học. Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tiễn cần tránh khuynh hướng thời sự hoá bài giảng, đơn thuần nêu thực tế mà không phân tích, đánh giá, khái quát để phục vụ bài giảng hoặc định hướng tư tưởng cho học viên. Người giảng viên vừa phải truyền thụ tri thức cho người học một cách có trình tự, lôgic, hệ thống; mặt khác thông qua tri thức môn học, giảng viên giúp học viên củng cố được niềm tin, giá trị sống góp phần phát triển con người toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của đất nước.

        Từ thực tế trên, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:

        1. Đối với đội ngũ giảng viên

        -  Một là, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Như chúng ta đã biết, lý luận gắn liền với thực tế là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác, nguyên tắc của công tác lý luận nói chung. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho các nguyên lý, lý luận trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu. Do vậy, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần phải chủ động trang bị vốn kiến thức thực tiễn cho bản thân. Kết hợp các phương thức khác nhau để tiếp cận với các hình thức, các mức độ của thực tiễn. Ví dụ: đi thực tế cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, đến với các tổ chức công đoàn cơ sở gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân; thăm quan các các mô hình lao động sản xuất, để có thực tiễn trực tiếp sinh động, thời sự. Hoặc tích cực khai thác thông tin ở các phương tiện thông tin đại chúng (đài, sách, báo, tạp chí, Internet,…) để có thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích. Hoặc thường xuyên nghiên cứu các tài liệu chính thống, nhất là các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng,…đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy cao.

        - Hai là, giảng viên cần lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng học viên. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học ở thành phố không thể đồng nhất với các lớp mà đối tượng học chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên thế hệ trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng. Đồng thời phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng, đó là: yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích chứng minh.

        Muốn làm tốt điều này đòi hỏi giảng viên phải thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị bài giảng; vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, ví dụ như khi soạn giáo án, người giảng viên cần chuẩn bị hệ thống trước các câu hỏi (câu hỏi đóng và câu hỏi mở), các tình huống… phù hợp với từng nội dung của bài giảng. Giảng viên thiết kế bài giảng trên Powerpoint, lựa chọn các từ khóa ngắn gọn, hình ảnh, sơ đồ phù hợp… tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho học viên, để học viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học. Giảng viên cần phải linh động trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như sử dụng thành thạo vi tính và các phương tiện dạy học hiện đại trực quan, bao gồm: máy vi tính, máy chiếu, radio, ghi âm, video... kết hợp với các đồ dùng học tập kích thích sự tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và học tập của học viên.

        2. Đối với các khoa chuyên môn

        - Khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của tập thể khoa, của giảng viên cần đảm bảo tính khoa học, tính khả thi. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng liên quan đến chất lượng nội dung nghiên cứu thực tế. Tránh đưa ra những vấn đề nghiên cứu quá chung chung hoặc quá rộng. Kế hoạch nghiên cứu thực tế cần gửi trước cho địa phương để địa phương có cơ sở chuẩn bị nội dung báo cáo cung cấp cho đoàn nghiên cứu. Kế hoạch nghiên cứu thực tế phải có xác nhận của địa phương sau chuyến đi thực tế.

        - Thường xuyên tổ chức thăm lớp, dự giờ đối với các giảng viên trong khoa. Việc dự giờ giúp không chỉ giúp cho giảng viên đến dự giờ học tập, đúc kết kinh nghiệm từ bài giảng của đồng nghiệp, mà còn giúp cho giảng viên đứng lớp thấy được những ưu điểm và hạn chế của mình từ đó sẽ nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giờ giảng.

         3. Đối với nhà trường

        Bên cạnh sự tự giác, tích cực, chủ động của giảng viên, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo trường, các phòng tham mưu nhằm nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Cụ thể:

        - Nhà trường nên thường xuyên tạo điều kiện tổ chức cho giảng viên mỗi năm có thể có vài đợt đi khảo sát thực tiễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để tăng thêm vốn thực tiễn cho giảng viên.

        - Tổ chức cho giảng viên nghe các báo cáo thực tế bằng cách mời các cán bộ chủ chốt ở địa phương hoặc các chuyên gia ở các ngành, ở các doanh nghiệp đến trao đổi. Đây không phải là báo cáo thành tích mà là trao đổi công việc họ đang đảm nhận, nhà trường nên có đơn đặt hàng, gợi ý những vấn đề để họ trao đổi với giảng viên nhằm đem lại những kiến thức thực thiết thực phục vụ cho công tác giảng dạy.

        - Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác nghiên cứu thực tế của từng giảng viên để từ đó có hình thức khen thưởng và nhắc nhở, xử lý nghiêm đối với những giảng viên nào không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế theo quy định.

        Tóm lại, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, cần đẩy mạnh hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu thực tế, có nghiên cứu thực tế mới giúp cho các giảng viên nắm bắt được thực tiễn, từ đó gắn kết kiến thức lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng ngày càng sinh động hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

        [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 8, tr 496.

        [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr 234.

                                                                                 ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                                               Giảng viên khoa Xây dựng Đảng