Skip to main content
x
27 February 2020

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Cách đây 60 năm, ngày 23/02/1960, Bác Hồ về thăm Lạng Sơn. Tiếng nói của Người trầm ấm, thân thương trước 2,5 vạn cán bộ, nhân dân Lạng Sơn trên sân vận động Đông Kinh ngày ấy còn vang mãi. Những lời căn dặn của Bác, những điều mong muốn của Bác với Lạng Sơn luôn hiện diện và là kim chỉ nam trên mỗi chặng đường đi lên của mảnh đất xứ Lạng anh hùng.

         Dấu chân Người trên mảnh đất xứ Lạng

         Để củng cố, động viên sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác Hồ đã chọn năm 1960 đi thăm và làm việc với nhiều địa phương nhất. Để chuẩn bị cho Bác lên đường đi Lạng Sơn, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương phối hợp chuẩn bị chu đáo, cẩn mật, an toàn. Lúc đầu dự định sẽ đưa Bác lên Lạng Sơn bằng máy bay trực thăng LI-2, số hiệu 195 Nhưng do thời tiết xấu, Trung ương bố trí xe ô tô đưa Bác đi Lạng Sơn. Máy bay vẫn bay theo đường 1A, xuống sân bay Mai Pha để chờ đón Bác về Hà Nội. Thời ấy, mặt đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn không được tốt nên Bác đến Lạng Sơn chậm 1 giờ so với kế hoạch. Đoàn Cán bộ tỉnh ta do đồng chí Nguyễn Thế Kỳ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Tỉnh) dẫn đầu đi theo đường 1A (cũ), để đón Bác, mới đến cây số 12 địa phận xã Tân Thành (Cao Lộc), thì gặp xe của Bác. Người mặc bộ quần áo lụa mầu nâu giản dị bước xuống xe, sau đó, mới khoác thêm bộ kaki lễ phục của Bác thường dùng tiếp khách... Xe của Người đi giữa một rừng hoa cùng tiếng vỗ tay và nụ cười kính yêu của cán bộ và nhân dân xếp hàng đón Bác từ phố Ba Toa đến cổng Tỉnh ủy (đã bị phá hủy năm 1979, nay xây mới là cơ quan Uỷ ban nhân dân tỉnh).

        Sân vận động Đông Kinh hồi đó rất đơn sơ, nhưng được chọn là nơi đón Bác gặp gỡ, nói chuyện trong không khí ấm cúng tình Bác, tình dân, lúc sôi động, khi như lắng xuống để được nghe rõ lời nhắc nhở chân tình của người cha già dân tộc, lãnh tụ vĩ đại.

        Mười vấn đề cơ bản Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn

        Những nội dung này được Người chuẩn bị rất cẩn trọng chu đáo. Mở đầu Bác và đồng chí Thượng tướng Chu Văn Tấn thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái thăm hỏi đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, cán bộ, các chiến sĩ thi đua, các gia đình quân nhân, các cháu thanh niên và nhi đồng. Đồng thời biểu dương, khen ngợi những ưu điểm trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta. Mấy việc Bác muốn nhắc nhủ đồng bào và cán bộ phải hiểu thấu, phải nhớ kỹ, phải làm đúng.

        Một là, hiện nay, toàn Đảng và toàn dân ta phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành. “Muốn như vậy, thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hiểu cho rõ và làm cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước”(1)Đối với nông thôn, nhiệm vụ là củng cố và phát triển tổ đổi công và hợp tác xã cho thật tốt, cho thật vững, kết hợp việc đó với việc quyết tâm làm cho vụ Đông - Xuân thắng lợi toàn diện, vượt mức và vững chắc.

        Hai là, Bác căn dặn muốn làm vụ Đông - Xuân thắng lợi thì phải thực hiện mấy việc cụ thể như: Làm tiểu thuỷ nông cho tốt để chống hạn, chống úng; Phân bón cho nhiều; Cải tiến nông cụ; Bảo vệ trâu bò.

        “Những việc này tỉnh nhà làm còn kém. Đồng bào và cán bộ phải đánh lui tư tưởng bảo thủ và cố gắng làm cho tốt 4 việc đó”(2).

        Ba là, Bác động viên đồng bào tăng gia sản xuất phải thường xuyên và bền bỉ. Quyết không nên vì năm trước được mùa mà năm nay lơ là. Vì thoả mãn và chủ quan, mà năm nay không ra sức trồng ngô và lúa Nam Ninh. Đó là một khuyết điểm to. Đồng bào và cán bộ phải kịp thời sửa chữa thiếu sót đó.

        Bốn là, thực hành tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất. Chúng ta phải chống lãng phí sức của, sức người. Không nên vì được mùa mà ăn xài bừa bãi, lãng phí sức của. Không nên chơi bời lêu lổng, như đi chơi một phiên chợ mất 3 ngày, lãng phí sức người.

        Năm là, Bác động viên nhân dân nộp thuế là để xây dựng nước nhà. Nhân dân bán thóc cho Chính phủ là để cung cấp cho bộ đội, cán bộ và đồng bào ở thành thị. Nhân dân có nghĩa vụ làm tốt việc nộp thuế, bán thóc và trả nợ cho Chính phủ. Hiện nay ở tỉnh nhà, thuế còn thiếu 5%, bán thóc còn thiếu 12%. Chắc vài hôm nữa sẽ đạt mức. Nhưng việc trả nợ thì kém lắm. Tiền mới trả được 35%, thóc mới trả được 26%. Đồng bào phải cố gắng trả cho nhanh, cho đủ, thì Chính phủ mới có thể giúp những đồng bào khác, những địa phương khác”(3).

        Sáu là, Bác kêu gọi toàn thể đồng bào giúp Chính phủ làm cho tốt việc điều tra dân số? Vì Chính phủ phải biết rõ miền Bắc ta có bao nhiêu người, mỗi tỉnh có bao nhiêu đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em, thì mới rõ cần bao nhiêu lương thực, vải vóc, thuốc men, giấy bút, v.v. để cung cấp cho nhân dân; cần xây dựng bao nhiêu nhà thương, trường học, v.v. để phục vụ nhân dân.

        Nói tóm lại: việc điều tra dân số là nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Cho nên phải khai cho thật đúng, chớ khai thiếu, chớ khai thừa, chớ khai trùng một người nào.

        Bảy là, đồng bào tỉnh ta hăng hái tham gia "Tết trồng cây", như thế là tốt. Đồng bào cần nhớ rằng trồng cây nào phải vun xới, giữ gìn cho tốt cây ấy. Năm bảy năm sau, phong cảnh tỉnh nhà sẽ càng thêm tươi đẹp, đồng thời đó sẽ là một nguồn lợi to.

        Tám là, Người kêu gọi “mọi người chúng ta, bất kỳ gái trai già trẻ, đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Mỹ - Diệm và bọn tay sai của chúng không muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Chúng tìm mọi cách để bịa đặt nói xấu chúng ta, chia rẽ chúng ta, phá hoại chúng ta. "Vì vậy, mọi người công dân phải tỉnh táo đề phòng, ngăn ngừa chống lại chúng nó”(4). Trong việc này, ngoài bộ đội và công an, thì dân quân là một lực lượng mạnh mẽ của địa phương. Cho nên cần phải tổ chức tốt và huấn luyện tốt dân quân.

        Chín là, Bác động viên cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên tỉnh ta nói chung đều hăng hái, tận tuỵ. Nhưng cũng có một số cán bộ và đảng viên còn mắc những khuyết điểm do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Ví dụ như:

        “Cán bộ và đảng viên dân tộc thiểu số thì hay tự ti, cho mình là kém, do đó mà thiếu tinh thần tự động, tiến lên. Một số cán bộ đảng viên thì thiếu tinh thần dũng cảm, hay sợ khó sợ khổ, không muốn nhận những công tác nặng hoặc công tác ở những vùng rẻo cao. Cán bộ quê quán ở Lạng Sơn thì muốn về huyện mình, xã mình, cán bộ tỉnh khác đến, thì muốn về địa phương mình, do đó mà không yên tâm công tác. Cách làm việc tản mạn, lạc hậu; ai làm việc gì chỉ biết việc ấy, không biết phối hợp công việc, giúp đỡ lẫn nhau.Một số cán bộ thì kèn cựa về địa vị, về hưởng thụ, có cán bộ thì lo lắng vớ vẩn về “tiền đồ”(5). Bác dặn dò mỗi cá nhân bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng. Để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để trở nên người đày tớ trung thành của nhân dân, người con ưu tú của Đảng, từ nay về sau, các đảng viên và các chi bộ cần phải thường xuyên ôn lại và giữ cho đúng những tiêu chuẩn của đảng viên.

        Mười là, Bác chỉ rõ tỉnh ta ở gần Trung Quốc anh em. Cán bộ và nhân dân Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về tổ chức, về công tác, về sản xuất. Nhân dân và cán bộ ta nên học tập những kinh nghiệm quý báu ấy. Các đồng chí Trung Quốc luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. “Chúng ta nên vừa học hỏi, vừa thi đua với anh em Trung Quốc, sao cho Lạng Sơn trở nên một tỉnh gương mẫu”(6).

        Thực hiện lời căn dặn của Người, trong những năm qua, đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đưa sự nghiệp đổi mới của tỉnh bước đầu có những thành tựu quan trọng, kinh tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được nâng cao kết cấu hạ tầng, năng lực thông quan, tạo môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu hình thành các vùng cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả như hồi (Văn Quan, Văn Lãng), thông (Lộc Bình, Đình Lập), cà phê (Hữu Lũng), chè (Đình Lập), quýt (Bắc Sơn), na (Chi Lăng) ... Đến hết năm 2019, Lạng Sơn có thêm 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch 01 xã), nâng tổng số xã trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn lên 61 xã; có 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% (bình quân cả nước là 88,7%). Công tác khám chữa bệnh đạt nhiều kết quả tích cực

        Trong thời gian tới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và quân dân các dân tộc Lạng Sơn quyết tâm thực hiện chủ trương tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên ba trụ cột: Kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm và phát triển đô thị Lạng Sơn theo hướng thành phố bản sắc văn hóa vùng biên. Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hăng hái thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển Lạng Sơn giàu đẹp, văn minh./.

        Trích dẫn: (1), (2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 11, tr 490 – 494.

                                                                                     ThS. Vi Thị Tuyết

                                                                           Giảng viên khoa Xây dựng Đảng