Skip to main content
x
12 February 2020

        Tràng Định là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lạng Sơn cách trung tâm thành phố 67 km theo đường quốc lộ 4A. Tràng Định có diện tích tự nhiên là 1.016,71 km2, trong đó phía Đông – Đông Bắc có 53km đường biên giới với Trung Quốc, phía Bắc giáp huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn, phía Nam – Tây Nam giáp hai huyện Văn Lãng và Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn. Tổng số người Dao trên địa bàn huyện có 942 hộ với 3.889 khẩu (chiếm khoảng 6,12% dân số toàn huyện), sinh sống chủ yếu ở các xã Cao Minh, Khánh Long, Tân Yên, Vĩnh Tiến, Bác Ái…

        Thực tế cuộc sống nơi đây, không phải các cuộc hôn nhân đều do thanh niên nam nữ tìm hiểu nhau rồi đi đến kết hôn, có một số trường hợp là do bố mẹ hỏi vợ cho con trai, gả chồng cho con gái. Bởi vì, trong gia đình, bố mẹ coi việc lấy được một con dâu tốt, tìm được một người vợ tốt cho con trai là việc rất quan trọng cho cả dòng họ. Chính vì vậy, họ phải xem xét cân nhắc rất kỹ lưỡng.

vb

                                     Thổi kèn chức mừng đám cưới (ảnh: Tác giả)

        Khi trong gia đình có con cái trưởng thành, chuẩn bị lấy vợ, cha mẹ người con trai bước đầu tiên là đi hỏi cha mẹ người con gái (có thể người con trai và người con gái đó đã tìm hiểu nhau từ trước hoặc cũng có thể chưa biết nhau) về ngày, tháng, năm sinh – gọi là lấy tuổi. Lần hai, sau khi xem thấy hai người hợp nhau thì cha mẹ người con trai sẽ hỏi về các lễ vật, sau khi đã thỏa thuận xong, lần thứ ba cha mẹ nhà người con trai sẽ sang gặp cha mẹ người con gái đặt tiền thì coi như là đã thành công. Sau khi về, gia đình nhà người con trai sẽ họp xem ngày, giờ tổ chức đám cưới và phân công cho từng thành viên chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới, đồng thời cử người đại diện sang nhà người con gái để thông báo cho gia đình nhà người con gái biết về ngày, giờ tổ chức đám cưới, giờ vào cửa đón dâu và đưa dâu ra cửa của nhà trai. Thường thì phải thông báo trước hai tháng để nhà gái còn có thời gian báo tin và mời anh em, họ hàng về dự và đưa con gái đi làm dâu.

        Với người Dao đỏ nơi đây, nói chung gia đình nào cũng đều mong muốn có con trai để nối dõi gia đình và dòng họ. Cho nên, mặc dầu gia đình còn nghèo, những vẫn cố gắng chuẩn bị vật chất để tổ chức đám cưới cho con trai chu đáo, vui vẻ và tốn kém. Trong ngày đi đón dâu, nhà trai sửa soạn những đồ lễ đã được chuẩn bị kỹ từ trước gồm 01 con lợn quay nguyên cả con, 08 con gà, 05 lít rượu, 100 kg gạo tẻ, 40 kg gạo nếp và nhất là vai chục đồng bạc trắng. Đến giờ đẹp, người cao niên và có uy tín nhất trong làng được nhà trai mời làm đại biểu sẽ phát lệnh cho đoàn nhà trai ra cửa đi đón dâu. Thành phần đoàn đi đón dâu gồm: chú rể, phụ rể, 02 cô gái chưa chồng, 04 nam thanh niên đã có vợ hoặc chưa có vợ, bà mối và anh em, họ hàng, những người thân trong làng, bản. Trước khi đi làm chú rể mới, thì chú rể phải gánh theo 05 lít rượu và 10 bơ gạo. Khi đến nhà gái, bên nhà gái sẽ cử một người đại diện để đón đoàn đi rước dâu và chú rể, người đại diện còn đứng ở cửa để ra câu đối để thử thách bên nhà trai như giờ nào thì tốt cho chú rể vào nhà, chồng có yêu vợ không, yêu như thế nào, có chăm chỉ làm ăn hay không… Nếu bên nhà trai, trưởng đoàn không biết đáp lại thì sẽ phải đứng ở ngoài sàn, đợi đến khi chủ nhà ra mời thì mới được vào nhà, còn nếu đối đáp được tốt thì đoàn sẽ được vào nhà ngay. Dưới sự hướng dẫn của bà mối, trong khoảng thời gian một giời, chú rể được bà mối giao cho nhà gái đi chào, ra mắt và nhận họ hàng những người thân thích trong gia tộc. Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, chú rể phải rót rượu để cô dâu mời cha mẹ đã sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ mình đến ngày hôm nay, cũng như hứa sẽ làm một người con dâu tốt tại nhà chồng để không phụ công ơn của bố mẹ. Cha mẹ cô dâu sẽ cùng uống rượu, dặn dò con gái phải biết cách cư xử, làm dâu tốt tại nhà chồng và trao cho con gái một ít tiền hoặc bạc để làm vốn riêng, sau khi làm lễ trước bàn thời tổ tiên, trưởng đoàn sẽ để 04 chén rượu và 02 bao thuốc lá để trên cái đĩa đến gặp chủ nhà thông báo đã đến giờ đẹp và xin được rước dâu về nhà chồng. Khi đưa dâu, theo phong tục của người Dao đỏ ở đây, đoàn có thêm 02 phụ dâu và khoảng 24 người (đủ ba mâm cỗ) trung tuổi cùng anh em họ hàng thân thiết đưa đi.

        Khi về đến nhà trai, đoàn người bên họ nhà gái được đón tiếp rất trọng thể. Khi cô dâu đi đến gần nhà chú rể, bên nhà trai cử một đoàn thanh thiếu niên cùng với chú rể thổi kèn, đánh trống ra đón tiếp nhảy múa vui vẻ.  Ngoài ra, còn có một thầy cúng về hộ quét nhà và chọn giờ đẹp cho dâu vào nhà. Trước khi cô dâu bước vào nhà chồng đều phải đội khăn đỏ che kín mặt và có thầy cúng chuẩn bị một bát nước có ngâm ba lá bưởi để làm phép cho cô dâu, sau đó bà mối mới được dắt dâu vào nhà, cô dâu vào nhà đến bàn thờ tổ tiên phải lạy ba lạy và mọi người bề trên theo thứ bậc ông bà, bác, bố me, chú cô… thì mới được vào buồng riêng và ở đó một mình, còn chú rể khi này lại đi gặp bạn bè và hả hê kể với họ rằng mình đã lấy được vợ như thế nào, mình sẽ làm gì trong những ngày tới… cuối cùng không thể thiếu được là việc mở tiệc ăn mừng, bữa cỗ thật đơn giản như chính con người thật thà, chất phác nơi đây. Ở vùng nông thôn miền núi, khó khăn nơi đây người ta chỉ ăn cơm khi trời đã chập choạng tối, lúc mà họ đi nương, đi rừng về.

        Sau khi đám cưới kết thúc, nhà gái sẽ giã từ nhà trai và hát những câu ca bằng tiếng dân tộc Dao của mình để cám ơn nhà trai đã nhiệt tình đón tiếp, cám ơn bà mối, cám ơn nhà bếp… và họ nhà trai cũng không quên tặng mỗi người một miếng thịt lợn khoảng một kg và một nắm xôi. Riêng người trưởng đoàn bên nhà gái được nhiều thứ mang về.

        Trường hợp gia đình nào chỉ có con gái, thì họ lấy con rể về nhà mình. Khi đó, người con rể phải bỏ cả họ tên của mình và đặt tên họ mới theo bên vợ, thờ cúng tổ tiên bên vợ và nuôi dưỡng chăm sóc bố mẹ vợ đến già. Khi sinh ra con cũng lấy họ của bên vợ (tức là họ của bố vợ). Nhiều gia đình không có con trai, nhưng lại lấy được những chàng rể rất tốt. Phong tục này có nhiều mặt tốt, có thể duy trì và phát huy. Vì nó khắc phục được việc sinh đẻ quá nhiều, ảnh hưởng đến kế hoạch hóa gia đình và dân số.

                                                                                                          ThS, GVC. Phạm Anh Tuấn

                                                                                                       Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng