Skip to main content
x
20 January 2020

     Từ giữa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta liên tiếp đứng lên đánh đuổi bọn cướp nước, tiêu biểu như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo... nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Sự thất bại của phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ, con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản đã bế tắc vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là phải tìm một con đường cách mạng mới, một giai cấp có đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, có đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đi đến thành công.
     Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vấn đề lớn mà Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm và tìm lời giải đáp trong quá trình tìm đường cứu nước chính là vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cụ thể là cách mạng ở Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào, làm thế nào để giành lại độc lập, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam? Trong thời gian bôn ba khắp thế giới, đặc biệt là những năm tháng sống ở Mỹ, Anh, Pháp,... Người đã tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789. Song, Người nhận ra rằng, những cuộc cách mạng ấy là “những cuộc cách mạng chưa đến nơi”, nghĩa là cách mạng rồi mà nhân dân lao động ở đó vẫn chưa được giải phóng, vẫn còn bị áp bức, bóc lột và rất cực khổ. Vì vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức, bóc lột không thể đi theo con đường của những cuộc cách mạng đó, mà phải theo con đường khác. Đó là con đường cách mạng vô sản.
     Để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, vấn đề được Người quan tâm hàng đầu là sớm lập ra Đảng Cộng sản, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì theo Người, cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác - Lênin.
     Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tích cực xúc tiến việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể:
     Về tư tưởng: Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân.
     Về chính trị: Người phác thảo những vấn đề cơ bản của đường lối cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1927, được in thành sách lấy tên là “Đường Cách mệnh”. Những vấn đề then chốt trong tác phẩm có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông. Nó đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng của Người vào Việt Nam, chỉ rõ con đường và biện pháp để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do; đặt cơ sở khoa học cho việc hình thành đường lối chiến lược của cách mạng nước ta. Nó là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, vạch ra phương hướng cho cách mạng nước ta đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới.
     Về tổ chức: cùng với việc truyền bá lý luận chính trị để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính Đảng, Người đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ. Nó giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.
     Trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào "vô sản hoá" đã làm chuyển biến phong trào công nhân từ hình thức đấu tranh tự phát, đơn lẻ, chủ yếu đòi quyền lợi về kinh tế sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương. Sự phát triển cả bề sâu và bề rộng của phong trào cách mạng trong cả nước đã đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong bối cảnh đó, những phần tử tiên phong trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình, và đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên vào nửa cuối năm 1929 đầu năm 1930, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.
     Như vậy, có thể thấy rằng Người đã chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức, là một sáng tạo lớn và vững chắc cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giữ vai trò là người kiến tạo và sáng lập.
     Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn: Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; tiếp đến là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và Campuchia; khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước.
     Sau hơn 30 năm đổi mới, (1986-2019), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế Việt Nam tuy có sự dao động nhất định, song vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
     Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa đó là minh chứng cho con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn. Đây cũng là cơ sở để khẳng định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đi tới mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
                                                                                                     ThS. Nguyễn Thanh Xuân
                                                                                                    GV Khoa Xây dựng Đảng