Skip to main content
x
3 January 2020

     Thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; ban hành văn bản, hướng dẫn các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; các huyện, thành uỷ, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
     Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền hướng mạnh về cơ sở; tập trung vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo “Dân vận khéo” đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân tập trung sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đã hình thành các vùng kinh tế gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, như: Sản phẩm Na Chi Lăng đã đạt Top 10 thương hiệu vàng năm 2018, giá trị kinh tế cao đạt thu nhập bình quân ước đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Tại huyện Cao Lộc: mô hình trồng Hồi, vùng rau màu tập trung, vùng chuyên canh cây đỗ tương, ngô, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi kết hợp chế biến rượu thủ công... Huyện Bình Gia: Mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản, nhốt chuồng; trồng cây Mác Ca ở xã Tân Văn, Bình Gia, huyện Văn Quan... huyện Bắc Sơn: Mô hình sản xuất quýt vàng Bắc Sơn theo hướng VietGAP tại HTX nông nghiệp Nam Hồng, xã Chiến Thắng; Mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Đồng Ý... Mô hình nuôi cá lồng tại huyện Văn Quan...
     Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, tạo động lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; nhiều hộ dân tự nguyện ủng hộ xây dựng nông thôn mới được trên 543 tỷ đồng; hiến trên 746.000m2 đất, trên 800 nghìn ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2009-2019 ước đạt 6,18%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,4 triệu đồng năm 2018; năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 17,85%.

vb

Đ/C Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác

xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lộc Bình (Ảnh: Tác giả)

     Từ 2009 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được số tiền 62 tỷ đồng cùng với các nguồn lực khác đã hỗ trợ xây dựng mới trên 5.000 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 45 tỷ đồng, sửa chữa 340 nhà, trị giá trên 1,8 tỷ đồng; xây dựng 04 nhà bán trú, trị giá 1 tỷ đồng. Hỗ trợ 2.564 bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ quà Tết 9.262 suất, trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được trên 178.000 cuộc với trên 345.000 người tham gia; tiếp nhận được từ nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền 18,41 tỷ đồng, đã hỗ trợ các gia đình bị hỏa hoạn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo 1.440 suất trị giá 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ 26 công trình trường, lớp học bị thiên tai trị giá trên 7,6 tỷ đồng; hỗ trợ 12.443 chiếc chăn ấm, trị giá trên 3,6 tỷ đồng...
     Đối với, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, và các phong trào thi đua trong các cơ quan hành chính, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế... đã có trên 8.700 lượt đoàn viên, người lao động đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp; 12.990 đề tài nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, giải pháp công tác được công nhận với giá trị làm lợi kinh tế lên đến hàng chục tỷ đồng; 3.038 lượt tập thể, 13.217 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.
     Thực hiện phong trào “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, các cấp hội đã vận động xây dựng được 150 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với thu nhập bình quân hàng năm từ 80 triệu đồng trở lên, 366 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân ở cả 03 cấp đạt mức 40,22 tỷ đồng, đang cho vay 174 dự án/1.628 hộ. Vận động hội viên, nông dân hiến được 656.318m2 đất, đóng góp được 32,7 tỷ đồng, 1.463.580 ngày công, làm mới 167.421m đường giao thông nông thôn, xây mới 1.509.200m kênh mương thủy lợi, xây dựng trên 1.000 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới...
     Vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện phong trào Thanh niên tình nguyện chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng 42 công trình thanh niên cấp tỉnh, trị giá trên 17,7 tỷ đồng; 870 công trình thanh niên cấp huyện; 1.753 công trình, phần việc thanh niên cấp xã, trị giá trên 10 tỷ đồng; xây 07 cầu ngầm và lắp 36 cống thoát nước các loại; sửa 37 nhà văn hóa thôn; triển khai lắp đặt và bàn giao 156 công trình “Thắp sáng đường thôn”; xóa 139 nhà dột nát, xây 865 lò đốt rác gia đình; xây 756 nhà vệ sinh cải tiến; giúp nhân dân tiêu thụ 240 tấn nông sản...
     Thông qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo có địa chỉ”, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngân hàng CSXH tuyên truyền, triển khai đến hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế được 1.134.610 triệu đồng/28.301 hộ vay; tổ chức giúp đỡ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, kết quả hằng năm 100% phụ nữ nghèo được giúp đỡ cho vay không lấy lãi trên 2,4 tỷ đồng, giúp 37.818 ngày công lao động, 150 nghìn cây, con giống các loại, hỗ trợ xây mới và sửa hỗ trợ sửa nhà mái ấm tình thương cho hơn 200 hội viên phụ nữ nghèo; hỗ trợ 399 phụ nữ khởi sự kinh doanh, thành lập được 27 tổ hợp tác/tổ liên kết và 06 hợp tác xã...
     Các cấp Hội Cựu chiến binh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ hội viên trong sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Trong 10 năm qua, các hội viên đã vay vốn từ ngân hàng CSXH được 432 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay toàn Hội phát triển được gần 1.500 mô hình sản xuất, kinh doanh, hiện có 1.154 mô hình làm ăn có hiệu quả, thu nhập bình quân hằng năm từ 70 – 120 triệu đồng. Từ các mô hình kinh tế đã tạo công ăn việc làm cho hơn 15.800 lượt lao động là con em CCB và Nhân dân địa phương có mức thu nhập ổn định. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và sự giúp đỡ, tham gia của các hội viên, trong 10 năm toàn Hội đã xóa được 294 nhà dột nát cho hội viên Cựu chiến binh...
     Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; các phong trào đã góp phần phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tính năng động, sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
                                                                                          GVC, ThS. Phạm Anh Tuấn
                                                                                    Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng