Skip to main content
x
12 December 2019

     Ngày 20/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát động Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại văn bản số 1064/PĐ-UBND ngày 16/12/2011 và tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua. Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng và tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng lòng của người dân qua đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
     Thực hiện Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ nét, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. Ở các xã điểm, diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững nhất là khu vực biên giới, nông thôn. Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 48/207 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 23,19%); dự kiến hết năm 2019 có 61/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 29,46%); Số tiêu chí bình quân/xã đến tháng 9/2019 đạt 10,4 tiêu chí/xã, tăng 7,8 tiêu chí so với năm 2011, tăng 3 tiêu chí so với năm 2015; dự kiến hết năm 2019 số tiêu chí bình quân/xã đạt 11,10 tiêu chí/xã. Đến nay trên địa bàn tỉnh không có xã dưới 5 tiêu chí.
     Bên cạnh đó, trong thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Phong, thôn Kéo Khuế, xã Đình Lập, huyện Đình Lập hiến 5.366m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Chu, thôn Đoàn kết, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng hiến 5.000 m2 đất làm nghĩa trang xã; ông Chu Văn Lang, thôn Cốc Slầm, xã Tri Phương, huyện Tràng Định hiến 1.600m2 đất; ông Hoàng Văn Phượng, thôn Bản Rượi, xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan hiến hơn 1.340m2 đất cho xã để xây dựng công trình Trường Mầm non xã. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 379 mô hình phát triển kinh tế tại 77 xã, với tổng số hộ tham gia 13.828 hộ. Các mô hình được triển khai, thực hiện đã phát huy được thế mạnh từng vùng, từng địa phương, phục vụ chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) như mô hình: Nuôi ong mật tại xã Vân Thủy, nuôi Gà vàng tại xã Vạn Linh, trồng Na (huyện Chi Lăng); trồng Hồng vành khuyên tại xã Tân Mỹ, trồng Chanh leo theo hướng bền vững tại xã Tân Việt (huyện Văn Lãng); trồng Quýt kết hợp du lịch sinh thái, trồng Thuốc lá, nuôi cá Trắm giòn, trồng lúa Nếp cái hoa vàng (huyện Bắc Sơn); nuôi Gà 6 ngón thương phẩm và trồng Chanh leo theo hướng hàng hóa, nuôi chim Cút, Ngựa bạch (huyện Lộc Bình); trồng Đào, Rau an toàn, Nho không hạt, Hạt dẻ (thành phố Lạng Sơn)...
     Tuy nhiên việc triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện đầy đủ, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo trong việc triển khai, do vậy kết quả đạt được chưa cao. Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung xây dựng nông thôn mới ở một số nơi triển khai chưa thật sự sâu rộng. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến thông qua Phong trào thi đua có nơi còn chưa thực hiện tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế...
     Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục chú ý một số nội dung sau:
     Một là, Xây dựng nông thôn mới trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì Chương trình mới thật sự thành công.
     Hai là, Bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho Chương trình. Cần xác định những công trình, công việc bức xúc của người dân để tập trung giải quyết, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của dân trong xây dựng nông thôn mới.
    Ba là, Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch.
     Bốn là, Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy Phong trào thi đua phát triển.
                                                                                                  ThS. Hoàng Thị Quyên
                                                                                           Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở