Skip to main content
x
31 January 2024

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 231 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc với 02 cửa khẩu quốc tế, 02 của khẩu chính (song phương) và 08 cửa khẩu phụ. Tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố và 10 huyện), trong đó có 05 huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; có 200 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 05 phường, 14 thị trấn và 181 xã). Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố. Tính đến thời điểm 30/9/2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 1.658  thôn, tổ dân phố (trong đó1.478 thôn, 180 tổ dân phố). Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố  gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi hội, đoàn thể.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những thôn, tổ dân phố khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đối với Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. trong giai đoạn hiện nay là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Năm 2023 Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phối hợp với các Sở, Ngành biên soạn và xuất bản tài liệu bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố gồm 06 chuyên đề:  Kiến thức chung về thôn, tổ dân phố;  Nghiệp vụ công tác đảng của chi bộ thôn, tổ dân phố;  Nghiệp vụ công tác của Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; Một số kỹ năng của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Tổ chức, vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Kỹ năng phối hợp công tác của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Năm 2023 Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phối hợp với Trung tâm Chính trị Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan,  Binh Gia và thành phố Lạng Sơn mở các lớp bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Kết quả bồi dưỡng được 26 lớp với 2.699 học viên.

Thực tế hoạt động của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đã tích cực tham gia đóng góp trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là sau khi triển khai, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống của người dân Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đã phát huy vai trò, có nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực, góp phần xây dựng các tổ chức chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố  còn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động lớn, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, trường học; xóa bỏ các hủ tục tang ma, cưới hỏi, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các tập tục mê tín, dị đoan; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa";  tích cực tham gia các chương trình, hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn, các lễ hội truyền thống, các hoạt động xoá đói, giảm nghèo... từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ngoài những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả, còn có tư tưởng ngại va chạm, thiếu chủ động nên khi được bầu chọn chưa phát huy được tối đa vai trò, trách nhiệm của mình. Qua thực tế lên lớp dưỡng kiến thức tại các huyện, thành phố cho thấy độ tuổi của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn rất cao, có những đồng chí làm công tác Trưởng thôn trên 20 năm. Do vậy hoạt động không có sự đổi mới. Một bộ phận cán bộ nhất là tại cơ sở năng lực còn yếu, nhận thức còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Việc thực hiện chính sách đối với của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trong đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn do dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Để nâng cáo chất lượng hoạt động của của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở cơ sở trong phát huy vai trò của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tiếp tục phát huy vai trò của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở những huyện, xã biên giới còn khó khăn như: Tràng Định, Đình Lập, Lộc Bình, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố luôn luôn tích cực, đi đầu tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Cung cấp kịp thời mọi thông tin mới về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để họ nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trong việc tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm.

Hai là, tiếp tục cụ thể hóa tiêu chuẩn của Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nhiệm vụ rất  nặng nề, nhất là sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố  phạm vi quản lý mở rộng. Do vậy, cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn như:  Có kinh nghiệm sống, có uy tín, trình độ, khả năng vận động quần chúng và đạo đức tốt, nhiệt tình gắn bó lâu dài với công việc “vác tù và hàng tổng”. Bên cạnh đó, Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố  thường có độ tuổi cao, biến động thường xuyên. Chính điều này đã làm cho công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nội lực, ngoại lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế, phòng chống thiên tai. Tiếp tục trẻ hóa Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, có chế độ, chính sách nếu họ làm tốt có thể tuyển dụng vào công tác tại UBND xã, phường.

Ba  là, thực hiện tốt các chính sách đối với Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của nếp sống, thói quen phụ thuộc vào tự nhiên, việc thay đổi một số phong tục tập quán cũ, không phù hợp với đời sống văn hóa mới hiện nay, như ma chay, cưới xin, vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, nguồn nước… thì việc xây dựng đời sống văn hóa ở thôn rất quan trọng. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố luôn phải nêu gương, đi đầu trong thực hiện các hương ước, quy ước ở thôn, bản. Việc thực hiện chính sách cho Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hiện nay thực hiện theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, có quy định về việc tăng phụ cấp cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, song trong thời gian tới tiếp tục quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách, hỗ trợ động viên cả về vật chất và tinh thần để phát huy được năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở địa bàn cơ sở vững mạnh.

Bốn là, tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức đối với Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố những kiến thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Kỹ năng phối hợp công tác ở cơ sở; cung cấp những thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, trong nước và thế giới; kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiến hành sơ kết, tổng kết định kỳ 06 tháng và hằng năm để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng thực hiện được tốt hơn. Tiếp tục tổ chức cho Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Quan tâm kịp thời, thăm hỏi, động viên, biểu dương, khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Trong những năm qua, Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đi đầu trong các phong trào thi đua của cơ quan cấp trên phát động góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh ./.

Hoàng Xuân Yến

Khoa Nhà nước và pháp luật