Skip to main content
x
26 November 2023

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng là một nội dung cần phải tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt tại các cơ sở đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm tiếp theo.

Xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, mọi nguồn lực xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2025. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 13/10/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh … bên cạnh đó rất nhiều các văn bản cụ thể hóa nội dung chuyển đổi số được các sở ban ngành, các huyện, thành phố ban hành để chỉ đạo thực hiện.

Công tác ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện 100% hoạt động của các trường học lên nền tảng số, Sở Giáo dục và đào tạo Lạng Sơn đã chuyển đổi từ eOffice sang hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice ,100% văn bản (ngoài văn bản mật) đều được số hóa; 100%  cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh đã sử dụng chứng thư số, chữ ký số Kết nối, trao đổi dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tăng cường sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường, khuyến khích áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục… Hệ thống phòng họp trực tuyến góp phần đổi mới cách thức làm việc, hiệu quả, tiết kiệm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được các cơ sở đào tạo trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện chuyển đổi số. Các phần mềm ứng dụng đã giúp các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý có môi trường làm việc hiện đại, thông tin được tập trung, đồng bộ và cập nhật tức thời, giảm thiểu các báo cáo và tổng hợp số liệu. Ứng dụng chuyển đổi số khi được các cơ sở đào tạo cán bộ trên địa bàn áp dụng trong công tác quản lý, điều hành đã mang lại những hiệu quả tích cực, thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Cụ thể như Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Trường Cao đẳng sư phạm và các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã trang bị các phần mềm “Quản lý đào tạo” phần mềm “Quản lý thư viện điện tử” phần mềm Văn phòng điện tử (VNPT-iOffice) để phục vụ công tác chuyên môn của các nhà trường. Các trường đều có Trang thông tin điện tử (Website) phục vụ cho việc chuyển tải các thông tin một cách rộng rãi trên môi trường số, có phòng họp, phòng học trực tuyến để phục vụ giảng dạy trực tuyến, 100% giảng viên, giáo viên sử dụng thành thạo giáo án điện tử trong giảng dạy. Bên cạnh hoạt động chuyển đổi số trong giảng dạy, các trường còn tổ chức các hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa về chuyển đổi số. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nghiên cứu về Ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, tổ chức các hội thảo khoa học về chuyển đổi số trong đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh Lạng SơnNhìn chung, thực hiện chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện được khá nhiều nội dung trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, việc ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, trong công tác phối hợp giữa Nhà trường với các cơ quan, đơn vị liên kết đào tạo và sử dụng, quản lý cán bộ còn rất hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, hạ tầng kỹ thuật... còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Vì vậy, để hoạt động ứng dụng chuyển đổi số đi vào thực chất hơn nữa, cần phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ các chủ thể và khách thể tham gia vào quá trình đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh.

1

Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới

Chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số, cùng nhau xây dựng văn hóa số trong nhà trường. Đào tạo nguồn nhân lực khai thác, vận hành ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hệ sinh thái số của nhà trường. Các nhà trường cần quan tâm triển khai nhiều chương trình tập huấn phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; xây dựng các chương trình, kế hoạch tích hợp trong kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học hiệu quả, phù hợp; đổi mới cách thức thi hết môn học, phần học (xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, câu hỏi thi, kiểm tra kết thúc môn học, phần học…) thông qua chuyển đổi số. Tăng cường việc tổ chức dạy học trực tuyến, rút ngắn thời gian lên lớp cho giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và học viên thay đổi tư duy, phương pháp dạy học trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số.

Hoàn thiện các quy định, hướng dẫn pháp lý về thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh (Sở Thông tin truyền thông) cần tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản quy định, hướng dẫn đồng bộ về những nội dung cơ bản như: các nội dung về cơ chế vận hành chung dựa trên nền tảng số; hướng dẫn xây dựng hệ dữ liệu dùng chung kết nối liên thông giữa các mảng công việc. Quy định quản lý về quyền sở hữu trí tuệ khi số hóa các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; quy định về quản lý an toàn thông tin; quy định về bài giảng điện tử; dạy và học trực tuyến; Quy định về thời lượng và cách kiểm tra, công nhận kết quả học trực tuyến cho phù hợp với từng đối tượng người học và đặc thù của các cơ sở đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng số hiện có để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đào tạo. Trong những năm vừa qua, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cơ bản đều đã trang bị các phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành, thông tin, thư viện như: Phần mềm Quản lý Đào tạo; Phần mềm thư viện điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Vnpt eOffice, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Vnpt iOffice…Tuy nhiên việc khai thác các tài nguyên trong các phần mềm này chưa được hiệu quả. Các cơ cở đào tạo cán bộ cần nghiên cứu, triển khai vận hành các phần mềm ứng dụng đã được trang bị cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của từng nhà trường và yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số. Cơ sở vật chất đảm bảo yếu tố kỹ thuật, âm thanh, hình ảnh, xử lý dữ liệu; phòng giảng dạy trực tuyến với yêu cầu về hệ thống camera, màn hình Led, máy tính và các trang thiết bị phục vụ số hóa học liệu

Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn, vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh là phải đổi mới phương thức, nội dung, chương trình đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo phải không ngừng tự đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp trong môi trường số, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ. Có như vậy sản phẩm đầu ra của các cơ sở đào tạo của tỉnh Lạng Sơn mới thực sự đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới, đó là đào tạo ra một đội ngũ  cán bộ, công chức, viên chức có những phẩm chất của người làm nhiệm vụ “công bộc” của nhân dân, có năng lực công nghệ số, tiếp cận nhanh, làm chủ thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, có trình độ cao về chuyên môn, nắm vững luật pháp, có kỷ luật cao, có đạo đức, văn hóa làm việc trên môi trường số./.

2