Skip to main content
x
18 September 2023

Tràng Định là huyện vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 65 km. Tổng diện tích đất tự nhiên là 1.016,73 km2, có 21 xã và 01 thị trấn, với 168 thôn bản, tổ dân phố (trong đó có 163 thôn bản, 5 tổ dân phố); có 10 xã khu vực I, 01 xã khu vực II và 11 xã khu vực III; 12 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I và II; có 04 xã biên giới với 15 thôn biên giới, tổng chiều dài đường biên là 51 km, có 02 cửa khẩu tiểu ngạch (Cửa khẩu Nà Nưa thuộc xã Quốc Khánh và Cửa khẩu Bình Nghi thuộc xã Đào Viên), dân số toàn huyện là 6,1 vạn người, gồm 06 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa cùng sinh sống.

Từ khi thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 đến nay, Đảng bộ huyện Tràng Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Tính Đến 31/12/2022 đã có 8/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 11,76 tiêu chí/xã; kinh tế-xã hội phát triển theo hướng bền vững, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng; nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng ngày càng khang trang, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân từng bước được nâng lên; hệ thống chính trị được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững; diện mạo xã hội nông thôn Tràng Định có nhiều đổi mới. Để có được kết quả đó là do Đảng bộ huyện Tràng Định đã biết phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền luôn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới cho nông dân. Mọi chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn giai đoạn 2010-2020, cũng như giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung trọng tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện; Nghị quyết số 46-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Chấp hành bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 15/02/2022 của UBND huyện, về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Tràng Định năm 2022, …

Thứ hai, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã chỉ đạo UBND các xã tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch về chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi liên kết sản xuất; tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả đã được triển khai như mô hình: Mô hình sản xuất Quế, Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại các xã: Đề Thám, Hùng Sơn, Tri Phương, Cao Minh; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ Thạch đen: tại các xã Chi Lăng, Tri Phương, Đội Cấn, Quốc Việt, Quốc Khánh; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo: tại các xã Đại Đồng, Quốc Việt; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ Vịt đầu xanh thương phẩm: tại các xã Quốc Khánh, Đội Cấn, Quốc Việt… Cấp ủy, chính qyền huyện tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân, đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện đã có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm (OCOP).

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hoá luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Các cấp, ngành đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Các hộ gia đình tự mình phần đấu vươn lên thoát nghèo bằng sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án để xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Thứ ba, đảm bảo phát huy vai trò chủ thể của nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Trong những năm qua cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước và các nguồn lực hỗ trợ đầu tư khác của xã hội, người dân đã tự giác, tích cực thực hiện. Để thực hiện vai trò chủ thể, người dân vừa thực hiện đóng góp, vừa trực tiếp khai thác, sử dụng, tôn tạo, bảo quản hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội ở nông thôn. Năm 2022 huy động được 14.093 ngày công lao động, nhân dân hiến 3.652m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn và sân thể thao xã; xây dựng mương thủy lợi được 624,8m và 04 phai nhỏ; làm đường giao thông nông thôn được 2.860m; xây được 10 nhà văn hóa thôn, 11 lò đốt rác, 10 nhà tiêu hợp vệ sinh, 02 nhà tắm, đắp lề đường được 10km, trồng được 3,8km đường hoa…

Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Nông dân trên địa bàn huyện luôn giữ được vai trò chủ thể tham gia tích cực, tâm huyết, trách nhiệm trong xây dựng hệ thống chính trị, phản biện xã hội, giám sát hệ thống chính trị thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người nông dân được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nông dân cũng phát huy được vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội, đảm bảo xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn các xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước. Nông dân đã nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; từ đó đã kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc của nhân dân trong thực hiện pháp luật trên địa bàn huyện.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới còn gặp một số khó khăn, hạn chế: một bộ phận nông dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, vai trò, giá trị của nông thôn mới, chưa tự giác, tích cực trong thực hiện tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”, chưa ý thức tự giác trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa gia đình, chưa thật sự chủ động trong sử dụng, bảo quản, giữ gìn và nâng cao giá trị đã đạt được của các tiêu chí nông thôn mới. Công tác vận động, huy động sức đóng góp của nông dân có lúc, có nơi chưa phù hợp; cán bộ là người tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay một số còn hạn chế chưa có khả năng thu hút, vận động các nguồn lực từ nông dân; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân chưa được quan tâm đúng mức.

Từ những kết quả, hạn chế trên để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao trình độ dân trí và ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của người nông dân. Nông dân phải là người tích cực, chủ động trong việc nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề, để tự thay đổi chính mình hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Vì vậy, nông dân phải chủ động lựa chọn, tiếp thu và thụ hưởng những chủ trương, đường lối và chương trình, nội dung bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề, không ngừng học tập nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, nâng cao tính tự giác, tích cực, chủ động của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới không thể thành công nếu thiếu tính chủ động, tự giác của chính bản thân nông dân. Hiện nay, đang trong giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021  2025, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới không chỉ giữ nguyên giá trị, mà thậm chí còn quan trọng hơn trước. Do vậy, để thực hiện thành công quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tràng Định, bên cạnh những giải pháp xuất phát từ yếu tố khách quan, không thể thiếu được giải pháp tự giác, tích cực, chủ động của nông dân. Nông dân trong giai đoạn hiện nay phải có trình độ học vấn, chuyên môn, ý thức tự giác trong lao động sản xuất, trong ứng dụng tri thức khoa học, chuyển đổi số…

Thứ ba, nông dân phải là người chủ động trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Nông dân phải là người chủ động trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, sinh hoạt lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, nông dân phải phát huy vai trò là lực lượng cơ bản, tích cực tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; đặc biệt là các câu lạc bộ sản xuất, các tổ nhóm hỗ trợ sản xuất góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững, mà không trông chờ vào các nguồn trợ cấp từ các quỹ an sinh xã hội. Nông dân phải chủ động, tích cực, tự giác trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, nhằm hướng đến xây dựng quan hệ giữa những người nông dân là quan hệ tình nghĩa thân thiện, giúp đỡ, tôn trọng nhau.

Thứ tư, nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông dân phải là những người trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nông dân phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội - nơi mình cư trú theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"; tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nông dân không chỉ là những người trực tiếp tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị mà còn là người bảo vệ hệ thống chính trị ở cơ sở. Tăng cường công khai, minh bạch các chương trình, dự án, nhất là phải rà soát kỹ những dự án lớn, thu hồi nhiều đất, có tác động lớn đến môi trường, có nguy cơ dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự, phải tiến hành thận trọng, có bài bản và phản hồi ý kiến nông dân vùng chịu ảnh hưởng; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và nông dân; không để kẻ xấu kích động, lôi kéo chống phá; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm liên quan đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” để củng cố niềm tin của nông dân với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia xấy dựng Đảng và hệ thống chính trị cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đề ra các chương trình, kế hoạch, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả việc giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng nông thôn, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội./.

ThS. Nông Đức Vinh

Trưởng Khoa Xây dựng Đảng