Skip to main content
x
16 August 2023

1. Vị trí vai trò của ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng phát triển của xã hội nói chung và của giáo dục nói riêng. Việc giáo dục công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bwocs ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức phát triển giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Nhận thức tầm quan trọng đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết Số 52-NQ/TW, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong Chính sách phát triển nguồn nhân lực, Đảng ta khẳng định “…Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số”. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 03/06/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, vè Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Khẳng định: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Do vậy “Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra 03 khâu đột phá chiến lược, trong đó xác định: “ Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội...; Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số” là khâu đột phá có tầm quan trọng đặc biệt.

Đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa”. (Quyết định số 749/QĐ-TTg, của Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030").

2. Tình hình, kết quả và giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo cán bộ, công chức ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

2.1. Tình hình, kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo cán bộ, công chức ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, mọi nguồn lực xã hội. Ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND, ngày 10/8/2020 về thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Ngoài ra, ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Mặc dù chưa có một văn bản chính thức chuyên môn nào của tình đề cập đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, song trong các văn bản, hội nghị đã có những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước, thì việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học đó là một xu thế tất yếu được nhiều trường chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện yêu cầu chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Công văn số 494-CV/HVCTQG, ngày 13/5/2021 về việc “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh” cho phép và hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo bằng hình thức trực tuyến. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay và trước yêu cầu của thực tế việc chuyển đổi số, ngày 25/5/2021 Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ ban hành Kế hoạch số 18-KH/TCT về tổ chức và giảng dạy trực tuyến; Quyết định số 158-QĐ/TCT, ngày 08/6/2021 Ban hành quy định về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến … đảm bảo vừa tổ chức phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Để tổ chức giảng dạy trực tuyến có hiệu quả Nhà trường ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến để có cơ sở thực hiện hoạt động này. Giao nhiệm vụ cho các chủ nhiệm lớp trước khi học viên học trực tuyến chính thức trên lớp, chủ nhiệm sẽ tổ chức sinh hoạt trực tuyến để kiểm tra điều kiện, trang thiết bị học tập của học viên; hướng dẫn, tập huấn cho học viên và quán triệt quy chế dạy học trực tuyến của Trường để học viên làm quen với cách học trực tuyến. Từ ngày 08/5/2021, Trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến ở 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng (Trong đó: 20 lớp đào tạo 1.293 học viên, 10 lớp bồi dưỡng 698 học viên). Việc học tập của học viên không bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, giúp học viên giảm thiểu chi phí đi lại, ăn ở, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập, người học có thể học ở mọi nơi khi có thiết bị kết nối mạng Internet.

Bước đầu chuyển đổi số trong dạy, từ lớp học tập trung chuyển sang dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập thông qua phần mềm Microsoft Teams qua đó người học tiếp cận bài giảng, mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động hơn trong việc học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đồng thời, để triển khai đồng bộ, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã chú trọng đầu tư cho nội dung chuyển đổi số với nhiều hạng mục như: nâng cấp Trang thông tin điện tử; nâng cấp phòng họp trực tuyến; tập huấn cho giảng viên giảng dạy trực tuyến, phần mềm quản lý đào tạo, triển khai việc sử dụng chữ ký số trên các văn bản, tài liệu điện tử; 100% bài giảng của giảng viên của nhà trường áp dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.… v.v.. Song song với việc thực hiện giảng dạy Nhà trường đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý điều hành, như: áp dụng số hóa với sổ đăng bộ, giáo án điện tử, thư viện điện tử, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kế hoạch của giáo viên….

Có thể khẳng định, thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, công tác đào tạo cán bộ cơ bản được nâng lên. 100% các giảng viên đã cơ bản sử dụng các phần mềm trong giảng dạy có hiệu quả, tăng khả năng tương tác giữa giảng viên và học viên trong giảng bài và thảo luận củng cố bài giảng. Thực hiện việc số hóa các dữ liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập cơ bản đã được quan tâm thực hiện. Cụ thể đã thực hiện số hóa đối với 02 chương trình bồi dưỡng cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Riêng đối với chương trình tài liệu bồi dưỡng trưởng thôn, bản do Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ biên soạn năm 2018 đã được đăng tải trên Website của Bộ Nội vụ là tài liệu tham khảo cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ cán bộ thôn, bản trong cả nước. Học viên bước đầu đã dần làm quen với việc thực hiện việc chuyển đổi số cả trong học tập và nghiên cứu thông tin, tài liệu bằng việc tra cứu các dữ liệu phục vụ học tập được hiệu quả. Bước đầu chuyển đổi số trong dạy, từ lớp học tập trung chuyển sang dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập thông qua phần mềm Microsoft Teams qua đó người học tiếp cận bài giảng, mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động hơn trong việc học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế, như: nhận thức của một số cán bộ, giảng viên và học viên về chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số chưa được đầy đủ, kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ thông tin chưa cao; cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa được tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ. Các học viên ở vùng sâu, vùng xa tiếp thu bài giảng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng đường mạng yếu kém. Việc số hóa các tài liệu, dữ liệu phục vụ giảng dạy học tập nhà trường chưa triển khai đồng bộ, nên gặp khó khăn cho việc tiếp cận, khai thác tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên. Các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập chưa thực sự được đảm bảo.

2.2. Một số giải pháp ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Bằng việc đẩy mạnh quán triệt nâng cao nhận thức cho từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Từ đó nâng cao nhận thức về hình thành nền tảng số về đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội tiếp cận tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời các cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới hệ thống quản lý đào tạo, bồi dưỡng cũng như phương thức giảng dạy, học tập nhằm mang lại những giá trị mới, chất lượng, hiệu quả mang tính đồng bộ trong hệ thống hoạt động đào tạo, cán bộ, công chức hiện nay.

Hai là, Đảng ủy, lãnh đạo trường tập trung lãnh đạo việc triển khai mô hình quản trị trường học thông minh vào thực tiễn; quan tâm đến việc mã hóa, số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng cho việc phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là hệ thống giáo trình, tài liệu, khóa luận trung cấp lý luận chính trị, tiểu luận các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; các bài giảng, giáo án; các đề tài nghiên cứu khoa học, bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong các kho quản lý dữ liệu, v.v.. để giảng viên và học viên ứng dụng trong giảng dạy và học tập được thuận tiện hơn. Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, nhất là khi thực hiện giảng bài trực tuyến gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác tài liệu phục vụ giảng dạy của giảng viên và học viên.

Ba là, nhà trường cần tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xin bổ sung kinh phí tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng số, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng dạy - học và nghiên cứu khoa học đồng bộ, điều hành tác nghiệp hiện đại, đồng bộ có thể hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhất là hệ thống phòng học, phòng họp, hội thảo, trực tuyến, xây dựng thư viện điện tử... Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành hoạt động giảng dạy được nhanh chóng, kịp thời chính xác hơn.

Bốn, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyển đổi số, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và học viên, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Để đạt được như vậy đòi hỏi mỗi giảng viên và học viên phải không ngừng nghiên cứu, học tập kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số làm việc trong môi trường số. Bởi trong môi trường làm việc này, mỗi cán bộ, giảng viên, công chức không chỉ cần có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có thái độ, nhận thức đúng đắn về sự thay đổi, chuyển đổi số, hiểu biết, kỹ năng nhất định về công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ số, làm chủ công nghệ, thiết lập các cách thức, quy trình làm việc để thực thi hiệu quả công vụ, nhiệm vụ được giao. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do vậy ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì trước mắt và lâu dài đều cần phải quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực.

Năm là, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tạo động lực chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Bởi quá trình chuyển đổi số còn đòi hỏi sự đồng bộ, hợp tác chặt chẽ cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, cho nên việc chủ động trao đổi hợp tác việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo cán bộ là rất quan trọng. Tỉnh Lạng Sơn nói chung và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng cần chủ động hợp tác với các bộ ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong việc chuyển giao công nghệ nhất là ứng dụng các phần mềm về chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay./.

                                                  ThS. Lăng Văn Thăng

                                                  Khoa Nhà nước và Pháp luật