Skip to main content
x
22 June 2023

Trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, những luận điểm về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” là một phần vô cùng quan trọng, là tư  tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng  Việt Nam. Người đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của nguyên tắc “ tự phê bình và phê bình” và coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc Người dạy: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình của Hồ Chí Minh tập trung một số nội dung sau:

Theo Hồ Chí Minh: Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình có mối quan hệ chặt chẽ, vì vậy cần phải coi trọng cả tự phê bình và phê bình.

Hồ chí Minh khẳng định: là người ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có khuyết điểm Vì vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ, giúp cùng nhau ngày càng tiến bộ.

Bác còn chỉ rõ cách thức tự phê bình và phê bình có tác dụng và hiệu quả. Theo Bác: Tự phê bình và phê bình là rất cần thiết, quan trọng, “phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, nhưng phải “đúng lúc, đúng cách” và” phải có tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “phải biết tôn trọng lẫn nhau”. Tránh động cơ vụ lợi, ích kỷ, hẹp hòi, hoặc vì thành kiến cá nhân, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu hóa khuyết điểm, nhằm hạ uy tín, “hạ bệ” lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, tránh tình trạng: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất”[1]. Người phê phán thái độ lệch lạc, che dấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”,

Về nguyên tắc tự phê bình và phê bình Bác chỉ rõ: phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm công khai, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên, gắn với sửa chữa, biểu dương, khen thưởng. Cần tránh một số lý do: sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo mà che giấu khuyết điểm, hoặc bao che, chạy tội cho đồng chí mình.

Như vậy, có thể thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nguyên tắc cơ bản, là yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

1

Chi bộ Đào tạo là chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Chi bộ lãnh đạo phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; Tổ công đoàn theo chức năng nhiệm vụ. Tổng số đảng viên chi bộ 10 đồng chí (100% là đảng viên chính thức; 01 đồng chí lãnh đạo trường trực tiếp phụ trách và tham gia sinh hoạt tại chi bộ). Thấm nhuần lời dạy của người, Trong những năm vừa qua, chi bộ Đào tạo thực hiện nghiêm túc “tự phê bình và phê bình”. Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, 100% cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chi bộ không có yếu kém phát sinh sau kiểm điểm. Trong năm, 100% cán bộ, đảng viên xây dựng và thực hiện tốt cam kết, tu dưỡng, rèn luyện. Bí thư, phó Bí thư chi bộ luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong tự phê bình và phê bình. Trong các kỳ họp của chi bộ đa số đảng viên đã đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng và ý thức trách nhiệm cao. Có những đảng viên mạnh dạn nêu lên những ý kiến thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề bức xúc. Với sự cố gắng nỗ lực đó, năm 2022 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 100% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đó có 02 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, còn một số hạn chế như: Số ít đảng viên không tham gia phát biểu ý kiến, hoặc phát biểu nhưng chỉ là những ý kiến nhất trí. Một số đảng viên chưa thực sự mạnh dạn nhận khuyết điểm của bản thân.

Sở dĩ vẫn còn những hạn chế trên là do Chi bộ chưa thực sự quan tâm đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; một số cán bộ đảng viên chi bộ chưa nhận thức được rõ vai trò, tầm quan trọng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; còn tình trạng nể nang, ngại va chạm và còn tư tưởng ngại nhận lỗi.

Từ thực trạng trên để thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng của chi bộ Đào tạo cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chi bộ  cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình.  Bí thư, phó Bí thư chi bộ phải thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong chi bộ.

Hai là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đây là biện pháp rất quan trọng, vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của tổ chức đảng. Trong mỗi kỳ sinh hoạt cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Chi bộ cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Bí thư, phó Bí thư chi bộ phải công minh, không để công tư lẫn lộn, không dung túng, bao che; phải tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn; không để tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Nói đi đôi với làm, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của đảng viên trong chi bộ. Qua đó, ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong từng cán bộ, đảng viên hiện nay

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi đảng viên trong chi bộ cần quán triệt và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực, tự giác: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ góp phần củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ. Có như vậy chi bộ mới thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh./.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh

                                        Phòng Quản lý Đào tạo và NCKH

 

[1] ( Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 297)