Skip to main content
x
12 June 2023
1

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Giá trị tư tưởng của Người không chỉ được khẳng định trong thế kỷ XX, mà còn được thể hiện trong hiện tại và tương lai. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Có thể nhìn nhận những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trên hai góc độ sau đây:

1. Những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc và với nhân loại

Một là, giá trị tư tưởng bền vững của Hồ Chí Minh đối với dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc kỷ nguyên “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Sự ghi nhận đó thể hiện trong Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động[1].

Những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” của 37 năm đổi mới là minh chứng khẳng định giá trị nền tảng và kim chỉ nam của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[2].

Hai là, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với nhân loại và thời đại

Về giá trị nhân loại

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm vào mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng triệt để con người, xây dựng một thế giới hòa bình, trong đó có sự bình đẳng và hữu nghị giữa các dân tộc, vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh có đóng góp những giá trị mới, thúc đẩy sự vận động phát triển quan hệ, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc; làm cho các dân tộc hiểu biết, xích lại gần nhau hơn; cùng hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, tiến bộ và phát triển. Đây là những giá trị khẳng định tầm vóc vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và với nhân loại.

Thực tiễn thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và thành tựu của công cuộc xây dựng xã hội mới ở Việt Nam không chỉ khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn có giá trị động viên phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Đồng thời, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, chống chiến tranh và sự bất bình đẳng dân tộc trên phạm vi toàn cầu. Với những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương Việt Nam đã cổ vũ, động viên nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, biến thế kỷ XX trở thành thế kỷ “phi thực dân hóa”. Trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào việc “xóa đi vết nhơ của nhân loại” là chủ nghĩa thực dân. Chính vì vậy, năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[3].

Về giá trị thời đại

Có thể nói, giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là những quan điểm cách mạng giải quyết những vấn đề mâu thuẫn ở các nước tư bản phát triển, mà còn bao quát cả những mâu thuẫn ở các nước kém phát triển; không chỉ bao gồm cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, mà cuộc đấu tranh đã được mở rộng trên tất cả các phạm vi, các lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa, đạo đức; không chỉ là đấu tranh giai cấp với ách áp bức, bóc lột, mà còn đấu tranh xóa bỏ đói nghèo, sự ngu dốt và lạc hậu, nhằm tạo ra một thế giới mới theo mục tiêu lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời đại cấp bách hiện nay, khi khoảng cách giàu - nghèo giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng bị phân hóa; đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp, làm nảy sinh những tệ nạn xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân lao động vào tương lai tươi sáng của thời đại mới. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng, đạo đức và nhân văn, có giá trị định hướng cho con người đi đến hành động đúng đắn. Giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh còn được đánh giá cao bởi trong đó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của cộng đồng quốc tế; sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng... phù hợp với xu thế vận động phát triển của quan hệ quốc tế hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” với mục đích cuối cùng là làm cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc, tiến tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, trở thành những giá trị của thời đại ngày nay.

2. Vai trò của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tư tưởng bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, nhân loại và thời đại hiện nay

Theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13 - 11 - 2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trường chính trị cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh là lực lượng tiên phong trên mặt trận này.

Theo quy định này giảng viên trường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền định hướng, giữ gìn và phát huy những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại. Đặc thù giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ không chỉ là người cung cấp tri thức cho học viên mà còn là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, từng bài giảng phải thể hiện được tính đảng sâu sắc, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, toát lên niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Là lực lượng trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ còn là lực lượng quan trọng trong nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chính, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Lực lượng giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đa số có trình độ chuyên sâu, được đào tạo bài bản về khoa học lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, hiểu biết thấu đáo những vấn đề lý luận cơ bản, có lý tưởng cao đẹp, niềm tin vững chắc vào con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, gương mẫu về mọi mặt, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách nên giảng viên những người tuyên truyền, nghiên cứu, bổ sung và bảo vệ giữ gìn phát huy những giá trị tư tưởng bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ chính trị tất yếu của từng cá nhân giảng viên để từ đó góp phần bảo vệ vững chắc tư tưởng của Người trực tiếp phản bác trên không gian mạng hoặc phản ánh đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả những luận điệu xuyên tạc về giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại hiện nay.

3

Với vai trò to lớn trong giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở. Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hơn lúc nào hết làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng chính sách pháp luật của nhà nước đến các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cần phải thấm nhuần và phát huy hơn nữa những tư tưởng bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua nội dung các bài giảng đến học viên. Để giảng viên Trường Chính trị trong phát huy giá trị tư tưởng bền vững của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại cần:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến các lớp học viên về mục tiêu, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước Độc lập - Tự do - Hạnh phúclựa chọn cho toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Giảng viên thông qua bài giảng truyền đạt tới học viên những giá trị tư tưởng cốt lõi đó góp phần biến khát vọng và mong muốn cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” của Chtịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên chuyên sâu về giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung có năng lực nghiên cứu, giảng dạy và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn tốt, góp phần bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ba là, Tiếp tục nghiên cứu học tập và thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, một cách thiết thực, hiệu quả. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng ngại nghiên cứu học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho đội ngũ giảng viên.

Bốn là, kiên quyết bảo vệ giữ gìn và phát huy những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại trên các phương diện khác thông qua trách nhiệm giảng viên là thành viên của Ban chỉ đạo 35 để ngăn chặn, báo xấu, đánh sập ý đồ của các thế lực thù địch trên không gian mạng./.

3
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2007, t.51, tr.147.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quổc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.33.

[3] UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chỉ Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb.Sự thật, H.1990, tr. 102-103.