Skip to main content
x
17 January 2023

Việc vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới. Đối với giảng viên trường chính trị không chỉ có kiến thức chuyên môn phong phú, phương pháp giảng dạy hiện đại mà còn biết vận dụng quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước vào từng nội dung bài giảng cho phù hợp, từ đó gắn lý luận với thực tiễn và định hướng chính trị cho người học.

1. Quan điểm của Đảng ta về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV).

Thứ nhất, bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; hướng đến mục tiêu vì con người, vì nhân dân, nhân đạo, nhân văn; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, dân chủ, công bằng và trật tự, kỷ cương xã hội.

Thứ hai, tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khung khổ Hiến pháp và pháp luật; xác lập đầy đủ về phương diện luật pháp mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; tăng cường phản biện xã hội và cơ chế giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Thứ ba, tạo đột phá thực sự về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, bảo đảm dân chủ thực chất và thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng pháp luật; không bị tác động bởi các quan điểm, tư tưởng lệch lạc; đẩy nhanh tốc độ để sớm xây dựng, hoàn thiện được hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, gắn kết chặt chẽ với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Thứ năm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.

2. Vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vào bài giảng “Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là sự kế thừa, phát triển hoàn chỉnh hơn quan điểm các Đại hội trước về xây dựng hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi giảng bài “Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”, giảng viên cần vận dụng những nội dung sau:

Một là, về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, khả thi không chỉ giúp cho các cơ quan nhà nước dễ dàng triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng “lách luật” mà còn tạo niềm tin của người dân vào pháp luật, từ đó, tôn trọng và tự giác thực hiện. Trong khi đó hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, còn chồng chéo, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, cần kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, bổ sung sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng. Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và học viên các lớp đồng thời nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật của họ. Chỉ khi cán bộ, công chức, viên chức và học viên hiểu một cách đầy đủ, chính xác pháp luật thì họ mới biết được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình trong các mối quan hệ để ứng xử phù hợp với chuẩn mực mà pháp luật quy định. Sự hiểu biết pháp luật còn giúp họ có khả năng thể hiện vai trò chủ thể của quyền lực nhà nước, nâng cao năng lực tham gia quản lý nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

1

Đổi mới các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động.

Để thực hiện mục tiêu này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung phải chính xác, thiết thực với hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả.

Thứ ba, đối với giảng viên phải tự giác học tập, nghiên cứu, cập nhật, bổ sung những nội dung của Nghị quyết vào từng bài giảng cụ thể; chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Đồng thời so sánh với những nội dung của Đại hội XII, các đại hội Đảng và Hội nghị Trung ương trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng trên các phương diện lớn và các lĩnh vực cụ thể, cũng như trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Trên cơ sở đó, việc vận dụng những nội dung của Văn kiện mới thực sự thuyết phục, sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của học viên.

2

Thứ tư, giảng viên phải có kỹ năng lồng ghép có hiệu quả nội dung của Nghị quyết vào giảng dạy, thảo luận chẳng hạn như: Đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Giảng viên cần xác định việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết vào bài giảng gồm các nội dung sau: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; về cơ chế xác định giá đất; xác định giá đất, cơ chế tài chính về đất đai; về phát triển thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Trong quá trình giảng dạy giảng viên phải bổ sung, cập nhật kịp thời những điểm mới đột phá trong Nghị quyết để học viên hiểu đúng, nắm rõ kiến thức. Ví dụ những điểm mới đột phá tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đó là những yêu cầu lớn trong chủ trương của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

Việc thể chế hoá chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và thống nhất, bảo đảm cho Nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để giảng tốt bài “Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”, giảng viên phải nghiên cứu một cách có hệ thống quan điểm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là những điểm mới của Đại hội XIII và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả vào bài giảng./.

 

3