Skip to main content
x
16 January 2023

Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hội cấp huyện với 200 tổ chức cơ sở hội và 1.769 chi hội, tổng số hội viên hiện nay là 111.356 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút trên 72,2% so với các hộ làm nông nghiệp. Trong thời gian qua, xác định công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội là nhiệm vụ trọng yếu, là khâu đột phá, then chốt để củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên nông dân, thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội, Hội Nông dân tỉnh luôn thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân theo hướng phù hợp.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp Hội triển khai có hiệu quả, thông qua hội nghị, lớp tập huấn bồi dưỡng, sinh hoạt chi hội, trang thông tin điện tử của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, quyết định, đề án, dự án của Uỷ ban nhân dân tỉnh về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trên các lĩnh vực. Tuyên truyền các sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm của đất nước, địa phương, ngày sinh các lãnh tụ tiền bối của Đảng theo hướng dẫn của ngành chức năng. Kết quả đã tổ chức tuyên truyền được 5.522 cuộc cho 332.549 lượt cán bộ, hội viên, nông dân được nghe, qua đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị, vai trò trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong chấp hành đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết, sự đồng thuận của hội viên, nông dân với sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. 

Nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi "Nhà nông đua tài'' và Hội thi "Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giỏi", qua 02 Hội thi đã nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho trên 180 cán bộ, hội viên, nông dân, tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội về các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân ủng hộ vật chất, tiền để giúp đỡ đồng bào vùng cách ly, giãn cách do dịch bệnh Covid -19 theo Chương trình triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19 do Trung ương Hội Nông dân phát động, kết quả đã vận động được 63,2 triệu đồng, Hội Nông dân tỉnh đã chuyển 30 triệu đồng đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để giúp các vùng, người dân thực hiện giãn cách xã hội. Cán bộ, công chức Hội Nông dân tỉnh quyên góp được 10 triệu đồng trao Mặt trận Tổ quốc huyện Hữu Lũng để hỗ trợ các khu cách ly và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Hội Nông dân các huyện, thành phố, cơ sở Hội vận động đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu ủng hộ, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các lán, chốt, điểm cách ly y tế trị giá 130,2 triệu đồng.

Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm chính trị huyện mở được 59 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.158 là cán bộ Hội cấp xã, thôn. Qua công tác tập huấn, tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần xây dựng giai cấp nông dân hiểu biết chính sách pháp luật; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm người công dân; có kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc tiên tiến, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp; có ý chí vươn lên làm giàu ý thức bảo vệ môi trường, có ý thức hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế.

Công tác phát triển hội viên mới được quan tâm, Hội cơ sở đã kết nạp được được 2.179 hội viên mới[1], đạt 106,60% mục tiêu đề ra, hết năm 2022 tổng số hội viên toàn tỉnh là 111.356 hội viên, đạt tỷ lệ 72,2% so với tổng số hộ nông nghiệp, số hội viên xin ra khỏi Hội là 551 hội viên do tuổi cao chuyển sang tham gia sinh hoạt hội người cao tuổi; toàn tỉnh có 1.654 chi hội / 1.654 chi hội có quỹ, mức quỹ Hội bình quân đạt 60.160 đồng / hội viên.

Tổ chức bộ máy, cán bộ Hội thường xuyên được củng cố, sau khi có thay đổi nhân sự do yêu cầu công tác hoặc nghỉ chế độ, ban chấp hành, ban thường vụ Hội các cấp đã lãnh đạo kịp thời kiện toàn số lượng, cơ cấu, chất lượng theo quy định, đảm bảo tổ chức bộ máy hoạt động ổn định, hiệu quả. Kết quả trong năm đã kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ban chấp hành, ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra các cấp đối với 139 đồng chí (trong đó cấp tỉnh 01 đồng chí; cấp huyện 15 đồng chí; cấp xã 123 đồng chí). Xác định nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là các chi hội là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng các hoạt động hội, phong trào nông dân, Hội cấp tỉnh, huyện đã tổ chức được 36 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã, thôn với 1.800 lượt cán bộ tham gia (trong đó cấp tỉnh tổ chức 11 lớp / 550 cán bộ; cấp huyện tổ chức 25 lớp / 1.250 cán bộ).

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát Hội cấp dưới được quan tâm, ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với Hội cấp dưới về công tác Hội, phong trào nông dân, thực hiện chương trình đề ra, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra 11 đơn vị Hội cấp huyện (=100%), tại mỗi huyện, thành phố kiểm tra trực tiếp tại 01 cơ sở Hội. Hội cấp huyện tiến hành kiểm tra 200 đơn vị cơ sở Hội (=100%) về công tác Hội, phong trào nông dân. Hội cấp xã tiến hành kiểm tra 543 tổ tiết kiệm và vay vốn (=100%) và 1.366 hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội uỷ thác qua tổ chức Hội Nông dân. Qua kiểm tra đã biểu dương, động viên những tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, cố gắng, sáng tạo trong hoạt động đem lại hiệu quả cao, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, ngăn ngừa những sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác giám sát đối với tổ chức Hội cấp dưới được thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động đi cơ sở, dự sinh hoạt chi hội nắm tình hình hội viên, nông dân, qua các hội nghị giao ban sơ kết 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, triển khai các hoạt động hội và qua công tác tổng hợp báo cáo bằng văn bản định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Hội cấp trên.

Mặt khác, để khuyến khích và kịp thời động viên các tập thể, cán bộ và hội viên nông dân, các cấp Hội đều phát động thi đua, giao chỉ tiêu thi đua năm 2022 gắn với phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội, phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Kết quả có 02 nông dân (Hoàng Trọng Dũng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; Nguyễn Văn Duẩn, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; có 01 cán bộ (Vũ Văn Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”; có 01 nông dân (Đinh Xuân Bé, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có 01 cán bộ (Chu Thị Hồng Thái, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích trong phong trào cán bộ, công chức thi đua thực hiện văn hoá công sở giai đoạn 2019 - 2025. Hội Nông dân tỉnh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh tặng Bằng khen; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được tặng Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội và Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Như vây, có thể nói trong điều kiện gặp nhiều bất lợi do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch bệnh Co vid - 19 làm cho kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất, song với sự nỗ lực của các cấp Hội, hội viên, nông dân, các mục tiêu công tác Hội, phong trào nông dân đề ra cơ bản hoàn thành tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào, hoạt động nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa được thường xuyên. Công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên ở một số cơ sở Hội chưa được quan tâm đúng mức. Một số tổ chức Hội chưa phát huy được vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân. Chất lượng hoạt động tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân ở một số địa phương hạn chế về nhiều mặt; một số cơ sở Hội chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ vận động nông dân tập trung sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn; chưa thành lập được nhiều mô hình các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp,.. chưa chủ động liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hơn nữa, do tác động của giá cả thị trường, ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19, thời tiết khí hậu không thuận lợi nên phần nào đã tác động đến đời sống, kinh tế của người dân.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo nhiệm vụ công tác hội, xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân vững mạnh. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, quyết định, đề án của ủy ban nhân dân tỉnh về nông, lâm nghiệp; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 03 Nghị quyết số 04, 05, 06-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng Hệ thống chính trị vững mạnh góp phần ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội trong nông dân.

Hai là,  đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, nhất là cán bộ chi, tổ Hội cần tổ chức duy trì các buổi sinh hoạt Hội, gắn phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Hội cấp trên. Xây dựng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách công tác hội từ huyện đến cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, tăng cường các hoạt động kinh tế - xã hội; mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, như: vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề cho nông dân, tạo thêm việc làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, chế biến nông sản,... để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, trên cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa;tham gia phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, tăng cường nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Hội; giữ vững kỷ luật, đưa sinh hoạt Hội vào nề nếp, đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt theo hướng sát thực nhiệm vụ, nâng cao chất lượng của tổ chức hội ở cơ sở, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hội. Làm tốt công tác kết nạp hội viên, quản lý hội viên; cập nhật theo dõi danh sách hội viên về số lượng và chất lượng, thu nộp hội phí; đồng thời làm tốt công tác đánh giá, phân loạ chất lượng tổ chức hội, hội viên hàng năm, trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm giúp tổ chức hội, hội viên hoạt động tốt hơn; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân, qua đó phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và giữ gìn ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Nâng cao nhận thức ,vai trò trách nhiệm và trình độ của cán bộ, hội viên nông dân; chú trọng nâng cao trình độ kiến thức về kinh tế - xã hội; tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và năng lực quản lý của nông dân.

Sáu là, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào hoạt động của tổ chức hội, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng trong phong trào hoạt động Hội Nông dân tại địa phương./.

                                                  ThS. Nguyễn Văn Hiệp

                                                  Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Bắc Sơn kết nạp 235 hội viên; Hữu Lũng kết nạp 273 hội viên; Cao Lộc kết nạp 240 hội viên; Đình Lập kết nạp 43 hội viên; Chi Lăng kết nạp 213 hội viên; Lộc Bình kết nạp 220 hội viên; Bình Gia kết nạp 176 hội viên; Văn Lãng kết nạp 205 hội viên; thành phố kết nạp 166 hội viên; Tràng Định kết nạp 195 hội viên; Văn Quan kết nạp 213 hội viên.