Skip to main content
x
30 November 2022

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội đã chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1]. Để đạt được mục đích đó cần có sự góp sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự đóng góp của 50% dân số và 48% lực lượng lao động nữ trong xã hội.

Ý chí tự lực, tự cường của phụ nữ là khả năng vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục đích, là sức mạnh tinh thần to lớn, là động lực cổ vũ phụ nữ đứng lên, phát huy được sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân và cộng đồng vượt qua những rào cản để thực hiện thành công của mục tiêu Đại hội XIII của Đảng. Khát vọng là những mong muốn tốt đẹp của con người với sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong để đạt được những mong muốn ấy. Khát vọng chung của phụ nữ góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại là động lực lôi cuốn mọi cá nhân, vượt qua những chần chừ, dao động, tính toán thiệt hơn để tham gia thực hiện thành công khát vọng chung của xã hội.

1. Tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ nhất, nội dung cơ bản về ý chí tự lực tự cưởng trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; hai là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; ba là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; bốn là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân; năm là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

Thứ hai, nội dung cơ bản về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một là, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; hai là,  thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; ba là, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch vớỉ sự đồng lòng của Chính phủ và người dân; bốn là, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài; năm là, luôn xuất phát lý luận và thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, là cơ sở, nền tảng tư tưởng đặc biệt quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới trong các giai đoạn cách mạng của Việt Nam. Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

2. Ý chí tự lực, tự cường và cống hiến của phụ nữ Lạng Sơn góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ qua phụ nữ Lạng Sơn đã đạt được một số những kết quả quan trọng: Tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của tỉnh hiện nay là 27.568 người, trong đó tỷ lệ cán bộ nữ là 18.413 người (chiếm 66,8%); số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ nữ ở Lạng Sơn ngày càng được nâng cao. Cán bộ nữ có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhiều cán bộ nữ giữ cương vị chủ chốt các cấp. Trong tổng số 2.921 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh, có 723 cán bộ là nữ. Nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp: Cấp tỉnh 10/53 đồng chí, chiếm tỷ lệ 18,9%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,2%; cấp huyện 123/456 đồng chí, chiếm tỷ lệ 27%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,1%; cấp xã 590/2412 đồng chí, chiếm tỷ lệ 24,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước 4,4%[2].

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực chuyên môn được nâng lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có triển vọng phát triển từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Nguồn cán bộ nữ quy hoạch tương đối dồi dào, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Nhiều cán bộ nữ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập.

Có được kết quả đó là do Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy đảng các cấp chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ nữ. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chủ động ban hành kế hoạch và hướng dẫn thực hiện kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý; ban hành đồng bộ các Quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý và Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và tương đương ở cấp tỉnh, cấp huyện để làm cơ sở, căn cứ đánh giá cán bộ các cấp. Đẩy mạnh việc phân cấp trong đánh giá, xếp loại cán bộ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá đối với cấp dưới. Nhờ đó, kết quả đánh giá cán bộ đã đem lại hiệu quả, phản ánh thực chất hơn về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ nữ.

Để tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường và cống hiến của phụ nữ Lạng Sơn góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Phụ nữ cần tập trung làm tốt nội dung của phong trào thi đua, cuộc vận động và nội dung của 3 khâu đột phá: 

Một là, đối với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” tiếp tục vận động, khuyến khích các tầng lớp phụ nữ xây dựng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, xây dựng người phụ nữ nghị lực có ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Phát huy tính tích cực chủ động học tập, nâng cao kiến thức trình độ mọi mặt nhất là trình độ tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết số 49-NQ/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn 2030[3]; “phát huy tiềm năng sức sáng tạo của nữ lãnh đạo, quản lý, doanh nhân, phụ nữ tiêu biểu, tài năng trên các lĩnh vực”[4]. Phát huy tính tự lực tinh thần đoàn kết, chia sẻ tương thân tương ái của các tầng lớp phụ nữ.

Hai là, phát huy tính tích của của phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”

Ba là, Trong việc thực hiện nội dung của 3 khâu đột phá:

Khâu đột phá 1: ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội: Mạnh dạn, sáng tạo, linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, quảng bá hoạt động Hội và phong trào phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook, zalo do Hội thành lập, kết nối, quản lý, hướng dẫn đảm bảo chính thống, an toàn. Đa dạng hóa các kênh thu thập, nắm bắt, phản ánh diễn biến tư tưởng, đời sống và các vấn đề của phụ nữ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để có giải pháp tổ chức hoạt động phù hợp.

Khâu đột phá 2: đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp theo Quy định số 212-QĐ/TWngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện và Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt của tỉnh.

Khâu đột phá 3: thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa an toàn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.

3. Trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Là một giảng viên khoa Xây dựng Đảng tôi nhận thấy nhiệm vụ trước hết là cần phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền quan điểm chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII gắn với việc lồng ghép nội dung giảng dạy phần học C-III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội gắn với nội dung bài 5 “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội và bình đẳng giới” đến các lớp học viên. Đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức lối sống. Tuyệt đối với chấp hành tốt nội quy, quy chế, giờ giấc kỷ luật làm việc của cơ quan, đơn vị chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, luôn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đó chính là giảng dạy tốt, nghiên cứu khoa học tốt.

Bên cạnh đó để phát huy ý chí tự lực, tự cường và cống hiến của phụ nữ Lạng Sơn góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bản thân tôi nhận thấy cần phải xuất phát từ một số các yếu tố sau:

Gia đình là tế bào của xã hội, một đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải có những gia đình hạnh phúc mọi thành viên được phát triển đầy đủ về nhân cách và trí tuệ. Với trách nhiệm là một người con, người vợ, người mẹ thì để các tế bào của xã hội phát triển khỏe mạnh phải chăm sóc cho gia đình đặc biệt với vai trò là người mẹ người thầy đầu tiên của con người thì việc nuôi dạy con cháu không chỉ về tri thức mà còn dạy con cháu về đạo đức, về giá trị truyền thống của cha ông, định hướng cho con cháu nuôi dưỡng ý chí, khát vọng phát triển toàn diện để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đối với xã hội và cộng đồng là một công dân, một cá nhân trong xã hội cần phải có trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm với xã hội là bổn phận của cá nhân, cũng như của cộng đồng đối với xã hội, là đạo đức của mỗi cá nhân trong việc giải quyết vấn đề chung. Như C. Mác nói “trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa mỗi quan hệ của xã hội”. Do vậy, mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động của mình sẽ tự điều chỉnh bản thân tôn trọng những chuẩn mực đạo đức, tuân thủ quy định của pháp luật. Có như vậy sẽ góp phần điều chỉnh, định hướng, phát triển nhân cách cá nhân theo hướng ngày càng tiến bộ. Đó chính là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi công dân trong giai đoạn phát triển nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đối với Tổ quốc bản thân cần có trách nhiệm, có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Yêu Tổ quốc bằng những việc làm nhỏ hằng ngày, không vô tình tiếp tay cho những âm mưu diễn biến hòa bình chống phá Đảng, chống phá nhà nước nhất là thời đại công nghệ 4.0 khi tham gia các zalo, feacbook không chia sẻ những thông tin không chính thức chưa được kiểm nghiệm làm cơ hội cho các thế lực diễn biến hòa bình gieo tư tưởng phản động nguy hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Như vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh góp phần xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì không chỉ có làm tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, tổ chức mà còn phải có trách nhiệm với quê hương với gia đình, xã hội với đất nước. Đó chính là trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, với sự phát triển của xã hội./.

ThS. Triệu Thị Huệ

GV. Khoa Xây dựng Đảng

 

 

[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tập 1, tr. 34

[2]. Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

[3].  Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026, tr.24