Skip to main content
x
26 November 2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại, đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đây là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa toàn nhân loại, đặc biệt là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Đại đoàn kết là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[1]. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[2].

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Để tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì vấn đề rất cơ bản là phải xây dựng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, thu hút rộng rãi mọi lực lượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước. Mặt trận đó muốn có sức mạnh, thực sự là cơ sở chính trị của cách mạng thì phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng bước đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, trong quá trình xây dựng CNXH, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đường lối chiến lược quan trọng đó luôn được thực hiện, cụ thể hóa thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phối hợp và thống nhất hành động của toàn dân nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong điều kiện mới của đất nước hiện nay, Đảng ta chỉ đạo tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, cần chú trọng: “Thực hành phát huy rộng rãi dân chủ hội chủ nghĩa, quyền làm chủ vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”[3].

2. Cơ sở ra đời của "Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc"

Một sáng tạo lớn, đồng thời là một cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đối với dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới là việc sáng lập nên Mặt trận dân tộc thống nhất. Theo Người, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành đường lối chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận là một liên minh chính trị nhằm đoàn kết rộng rãi các tổ chức yêu nước vào một khối thống nhất, đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Mặt trận là phương tiện để thực hiện mục đích đoàn kết.

Về vai trò của Mặt trận, Hồ Chí Minh nhận định: Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam. Người nêu rõ: “Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”[4].

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất có những tên gọi khác nhau như: Hội phản đế đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ (1936), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1946), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 đến 1976), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) đến nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4/2/1977), nhằm tập hợp đông đảo mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, các tổ chức và cá nhân yêu nước vào một khối thống nhất phục vụ cho mục tiêu của cách mạng. Đây chính là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo các hình thức lôi cuốn, tập hợp các tầng lớp nhân dân phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam.

Điều 11, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) quy định: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, suốt 92 năm qua, với mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau, song luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc" ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Hằng năm, đến ngày 18/11 đã trở thành “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở các khu dân cư trên mọi miền Tổ quốc. Tỉnh Lạng Sơn trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đề ra chương trình, nội dung mới và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong tỉnh. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Góp phần thực hiện tốt các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” Đồng thời, những hoạt động cụ thể của Ngày hội là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Ngày hội cũng là dịp tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của Nhân dân trong cuộc sống. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân ngày càng vững mạnh.

Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022) và tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm 2022, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

ThS. Mông Thị Tường Vi

GVC. Khoa Lý luận cơ sở

 

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 452.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 120.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb.Chính trị quốc gia.H.2021, tập 1, tr.118.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 452.