Skip to main content
x
10 November 2022

1. “Dân hạnh phúc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, cũng như bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Hạnh phúc là một khái niệm với nội hàm vô cùng rộng lớn; mỗi con người ở mỗi thời điểm khác nhau, có quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Và như vậy, hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh mỗi người, ở trong mỗi người; sắc màu và kích thước của hạnh phúc có thể biến đổi; hạnh phúc có thể là những điều lớn lao như hòa bình cho thế giới, con người trên khắp hành tinh không lo đói khát; hạnh phúc cũng có thể là những điều nhỏ bé, dung dị hàng ngày. Theo Hồ Chí Minh, dân hạnh phúc là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại, Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng, là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1], người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm.

Hồ Chí Minh cho rằng, con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, mỗi người dân tìm thấy niềm vui trong công việc và được sống bằng chính sức lao động của mình. Mong muốn của Người là mọi thành viên trong xã hội ai cũng được góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và ai cũng được hưởng thành quả của cách mạng đem lại. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các quyền cơ bản của con người, trong đó “quyền mưu cầu hạnh phúc” là chính đáng, không ai có thể xâm phạm được. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Hạnh phúc là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” [2]. “Độc lập” không tách biệt với “Tự do”, “Hạnh phúc” mà phải gắn liền một cách hữu cơ và biện chứng với nhau như những điều kiện và mục tiêu tối thượng

Điều kiện để nhân dân được hạnh phúc là đất nước phải được độc lập, nhưng việc giành lại nền độc lập của dân tộc không phải là mục đích cuối cùng mà là điều kiện để trên cơ sở đó thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh Việt Nam đang là một nước thuộc địa, trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng khi đất nước đã được độc lập thì dân phải được hưởng tự do, hạnh phúc vì tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có tự do, hạnh phúc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mỗi người dân mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện.

Chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Mọi chính sách của Ðảng và Nhà nước đều phải hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, Ðảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[3] . Đồng thời, mỗi người dân đều được pháp luật đảm bảo điều kiện để tự cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính độc lập cá nhân và phát triển toàn diện; việc mưu cầu hạnh phúc và đem lại phúc lợi xã hội cho con người trở thành quyền công dân; mỗi người dân và toàn xã hội đều có nghĩa vụ và trách nhiệm chung.

Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc không chỉ là khát vọng mà còn là hệ giá trị vô giá và trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân kiên định thực hiện. Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vẫn được giữ nguyên, điều đó đã khẳng định sự bất biến trong mục tiêu cơ bản của dân tộc ta.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành một truyền thống, giá trị thấm đẫm trong mỗi con người. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, khát vọng tự cường dân tộc lại được ý thức một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Lịch sử phát triển nhân loại đã chỉ ra rằng, muốn đi tới đích đặt ra, trước tiên con người phải có khát vọng. Khát vọng là yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất nhà tan, phải chứng kiến cảnh đồng bào ta bị áp bức, bóc lột dưới ách thống trị của chế độ thuộc địa nửa phong kiến và sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh quyết định ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911, với khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng có nhà ở, được học hành, được sống hạnh phúc.

Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định, nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản, bảo đảm tốt đẹp trên các phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế và đoàn kết quốc tế. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Người khẳng định những quyền cơ bản, thiêng liêng của con người và của cả dân tộc Việt Nam, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4]. Có thể tìm thấy trong khát vọng phát triển của Người bắt đầu từ giáo dục, biểu đạt tinh tế tư tưởng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu - đó là con đường chấn hưng dân tộc Việt Nam.

Hai là, thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết mình, làm hết sức mình cùng với Ðảng và Chính phủ do Người lãnh đạo thực hành cho bằng được những tư tưởng cao quý đó. Nội các Chính phủ do Người đứng đầu đã từng tuyên thệ, đã đọc lời thề trung thành với Tổ quốc, phấn đấu đến cùng cho lợi quyền dân chúng, dù có phải hy sinh cả tính mạng cũng sẵn sàng. Ðối với Người, độc lập dân tộc không tách rời với thống nhất Tổ quốc và độc lập, thống nhất Tổ quốc gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Ba là, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Vì vậy, trong công việc kiến thiết quốc gia, Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện những việc cần làm ngay: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành. Xuyên suốt hai cuộc trường chinh kháng chiến chống lại các thế lực đế quốc, thực dân Pháp và Mỹ, đường lối kiến thiết đất nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường luôn được Đảng và Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách cụ thể, phù hợp, sáng tạo và quyết liệt.

Bốn là, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm là, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Việt Nam phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp. Chúng ta dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta.

3. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân hạnh phúc” và “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Việt Nam hiện nay chưa có bộ tiêu chí riêng về hạnh phúc quốc gia, nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự cảm nhận và đánh giá của người dân trong và ngoài nước về hạnh phúc của người Việt Nam. Theo một nghiên cứu cấp quốc gia do Viện Hàn lâm khoa học xã hội công bố, lần đầu tiên hạnh phúc ở Việt Nam được đo lường thông qua 3 chỉ báo. Đó là sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; sự hài lòng về bản thân. Thực tế, việc cụ thể hóa các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc gắn với điều kiện thực tế và phấn đấu để đạt được các tiêu chí đó là điều cần phải thực hiện để Việt Nam thực sự là quốc gia hạnh phúc. Chính vì vậy, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là cụm từ được đề cập đến nhiều lần, được nhấn mạnh xuyên suốt từ chủ đề đến nội dung. Đó không phải là mộng mơ hão huyền mang tính chủ quan, duy ý chí, mà là khát vọng của cả dân tộc, bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, thế và lực của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới. Kiên định con đường Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán phù hợp, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nhạy bén chớp thời cơ, tạo nên vận hội mới cho đất nước.

Đại hội XIII của Đảng được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí uy tín cao trong năm 2020, được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[5]. Tuy nhiên, Đại hội XIII đã dự báo về tình hình thế giới, khu vực có nhiều đổi thay phức tạp, khó lường: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay chỉ có phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, hệ giá trị con người Việt Nam, trong đó có ý chí, khát vọng phát triển thì mới có những cơ hội, tiềm năng mới cho phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện Đại hội XIII có giá trị như một thông điệp phát triển mà Đảng tuyên bố trước toàn dân và bạn bè, đối tác quốc tế, là động lực tinh thần mãnh liệt của dân tộc, phản ánh khát vọng của non sông, đất nước ta hiện nay. Vì vậy, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, không chỉ do đòi hỏi khách quan từ bên ngoài, mà còn là nhu cầu nội tại, tất yếu bên trong.

Để hiện thực hóa “dân hạnh phúc” và “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Đảng ta xác định cần có lộ trình, đích đến thông qua những bước đi được dự liệu một cách khoa học, rõ ràng, với phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Tuy nhiên, để trở thành quốc gia phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đòi hỏi chúng ta cần không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Văn kiện Đại hội XIII xác định, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam.

Thứ hai, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc và đưa lại đời sống ấm no, hạnh phức của nhân dân chỉ có thể được thực hiện trên nền tảng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; mọi đường lối, chính sách và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đều vì mục đích không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thứ ba, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Để Việt Nam có thể phát huy, khai thác tốt các nguồn lực trong bối cảnh hiện nay, trước tiên và quan trọng nhất là phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tiếp tục thực hiện phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Cần đẩy mạnh xây dựng con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng nước, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong ứng xử, giản dị trong cuộc sống; giàu trí tuệ, phong phú về đời sống tinh thần, trong sáng về đạo đức.

Thứ tư, đất nước cần gắn liền việc đổi mới và hội nhập quốc tế, với tinh thần chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy mọi khát vọng, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao đưa đất nước lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam cường thịnh, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thứ năm, muốn phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong bất kỳ thời đại nào cũng phải dựa vào dân; tin vào sức mạnh phi thường của quần chúng nhân dân. Sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Trong tình hình mới hiện nay, sự lãnh đạo đúng đắn, nhạy bén của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài là điều kiện để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam. Cần phải phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

* Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Keith D. Harrell (2015), Cám ơn cuộc sống, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Vũ Minh Khương (2020), Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử,

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, 9, 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Viện Ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

ThS. Lê Thị Thảo

GV. Khoa Lý luận cơ sở

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia , Hà Nội. 2011, tr.187

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia , Hà Nội. 2011, tr.64

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia , Hà Nội. 2011, tr.518

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia , Hà Nội. 2011, tr.35

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. 2021, tr.104.