Skip to main content
x
12 October 2022

Hiến pháp năm 2013, Điều 111 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Khoản 1 Điều 113 quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của HĐND địa phương là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Bắc Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn có diện tích tự nhiên là 69.941,4 ha, dân số toàn huyện có 71.967 người. Hiện nay huyện có 17 xã và 01 thị trấn, có 158 thôn bản, khối phố, trong đó có 09 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có 10 xã An toàn khu của Trung ương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hội đồng nhân dân 17 xã và 01 thị trấn thuộc huyện Bắc Sơn nhiệm kỳ 2016- 2021 có 473 trong đó: Đại biểu là nữ: 116 đại biểu (chiếm 24,5%); dân tộc thiểu số: 222 đại biểu (chiếm 46,9%); tuổi trẻ: 89 đại biểu (chiếm 18,8%); ngoài đảng 58 đại biểu (chiếm 12,3%); tái cử: 197 đại biểu (chiếm 41,6%); tôn giáo: 11 đại biểu (chiếm 2,3%); trình độ Đại học, trên Đại học: 91 đại biểu (chiếm 19,24%); Trung cấp, cao đẳng: 130 đại biểu (chiếm 27,5%); trình độ chính trị: trung cấp 186 đại biểu chiếm 39,3%, sơ cấp 35 đại biểu chiếm 7,4%). Các đại biểu HĐND cấp xã không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, năng lực công tác góp phần đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện đúng quy định về thời gian bao gồm tổ chức các kỳ họp thường lệ, họp chuyên đề. Các cơ quan, đơn vị được phân công chuẩn bị các nội dung kỳ họp có trách nhiệm, tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp. Thường trực HĐND cấp xã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các đại biểu HĐND tổ chức xây dựng kế hoạch và hướng dẫn đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước kỳ họp để báo cáo với cử tri về dự kiến thời gian, chương trình nội dung kỳ họp; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước; tiếp thu các ý kiến kiến nghị cửa cử tri để phản ánh tại kỳ họp HĐND và chuyển tới các cấp, ban, ngành chức năng xem xét giải quyết, trả lời cử tri theo luật định..

Các Ban triển khai việc xây dựng kế hoạch thẩm tra, phối hợp giữa Ban với các bộ phận chuyên môn soạn thảo để Ban tiếp cận được thông tin sớm, chủ động về kế hoạch, thời gian xây dựng báo cáo thẩm tra, chủ động yêu cầu các bộ phận tham mưu gửi báo cáo, tờ trình đảm bảo thời gian nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng và thấu đáo. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 các Ban của HĐND cấp xã thuộc huyện Bắc Sơn đã tiến hành 157 cuộc giám sát ở tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi cộm, được cử tri phản ánh trong đó Ban Kinh tế - Xã hội tiến hành 82 cuộc giám sát; Ban Pháp chế tiến hành 75 cuộc. Các Ban dành thời gian cho việc thảo luận của các thành viên, đánh giá nội dung văn bản và trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các thành viên Ban với đại diện cơ quan trình. Kết quả thẩm tra được thể hiện bằng báo cáo thẩm tra của Ban sẽ trình tại kỳ họp của HĐND xã.

Đại biểu HĐND xã tham gia các hoạt động của HĐND xã theo luật định, nhất là tham gia các kỳ họp HĐND. Trong hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã của huyện Bắc Sơn, đa số đại biểu đã chủ động thường xuyên tham gia các kỳ họp và các hoạt động khác của HĐND xã. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay số lượng đại biểu tham dự các kỳ họp đạt trên 95% - 100% đại biểu dự họp. Quá trình thực hiện các đại biểu HĐND xã đã phát huy tinh thần trách nhiệm đóng góp vào những kết quả, thành tựu hoạt động của HĐND xã trên những nội dung và mức độ khác nhau. Liên hệ với cử tri là một nhiệm vụ của đại biểu HĐND xã, thông qua liên hệ với cử tri đại biểu HĐND nắm bắt ý kiến, báo cáo kết quả hoạt động của mình và nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nứớc, nghị quyết của HĐND. Đại biểu HĐND đã liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết. Các đại biểu phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, là cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giúp cơ quan kịp thời nắm bắt những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm để có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp được tiến hành dân chủ, công khai và đề cao tinh thần trách nhiệm của người chất vấn cũng như người báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên các lĩnh vực, nhiều ý kiến chất chất vấn có chất lượng liên quan đến các vấn đề mà cử tri trên địa bàn quan tâm như công tác quản lý đất đai, môi trường; tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới; lĩnh vực văn hóa, du lịch; quản lý đầu tư xây dựng các công trình, dự án; chỉnh trang đô thị, hành lang an toàn giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với vị trí, vai trò trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Công tác tổ chức kỳ họp HĐND ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tổ chức kỳ họp thường chỉ trong một ngày, chủ yếu tập trung thực hiện phần nghi thức, thủ tục và thông qua các nội dung trình kỳ họp. Việc xây dựng chương trình thực hiện các nội dung kỳ họp chưa thật khoa học; thời gian trình bày báo cáo dài, thảo luận ít và chưa sâu; điều hành phiên chất vấn chưa khoa học. Chất lượng các nội dung trình kỳ họp còn thấp. Công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình chất lượng chưa cao. Thời gian dành cho việc thực hiện nội dung chất vấn tại kỳ họp còn ít, chưa thỏa đáng, đại biểu HĐND ít tham gia phát biểu thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND. Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã chưa được tiến hành thường xuyên; có lúc, có nơi còn lúng túng về phương pháp; chất lượng và hiệu quả giám sát nhìn chung còn thấp. Nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải quyết kịp thời; việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, số lượng cử tri tham dự buổi tiếp xúc nhiều nơi chưa bảo đảm theo yêu cầu, có tình trạng đại biểu ngại khi dự tiếp xúc cử tri. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong công tác kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền xã nói riêng. Do vậy để làm được điều đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và nâng cao nhận thức của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND cấp xã. Hoạt động của HĐND cấp xã phải được cấp ủy đảng chỉ đạo, quyết định những vấn đề về chủ trương mang tính định hướng; những giải pháp của cấp ủy đảng là lãnh đạo, chỉ đạo. Việc bố trí các đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy đảng kiêm chức danh Chủ tịch HĐND nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HĐND.

Thứ hai, coi trọng tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp xã, đại biểu HĐND cấp xã là những người gần dân nhất, sâu sát với cơ sở nên cần phải có tinh thần dám nghĩ dám làm, có phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND và ý thức trách nhiệm của đại biểu. Xây dựng cơ cấu phù hợp tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã và người dân trong thành phần HĐND cấp xã. Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND cấp xã để đại biểu HĐND vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND, chú trọng vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp xã. Kỳ họp HĐND xã, thị trấn cần thực hiện công khai, dân chủ, diễn ra sôi nổi, là diễn đàn của nhân dân trong cộng đồng khu dân cư, là nơi thể hiện phương châm đân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri đối với hoạt động của HĐND; công khai những vấn đề mà HĐND bàn và ra quyết định. Mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân xã cần chuẩn bị chu đáo, cung cấp đầy đủ và kịp thời các báo cáo, tờ trình cho đại biểu nghiên cứu, dành thời gian thỏa đáng cho đại biểu thảo luận và chất vấn. Việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, ban hành nghị quyết phải bảo đảm quy trình theo luật định.

Thứ tư, thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND cấp xã. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định  rõ về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND, đồng thời quy định rõ việc bảo đảm cho hoạt động giám sát, coi công tác kiểm tra, giám sát của Thường trực HĐND và các ban của HĐND là một việc làm thường xuyên. Mỗi hoạt động giám sát đều phải thực hiện nghiêm túc theo quy trình chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị, tổ chức giám sát đến việc báo cáo kết quả giám sát; để bảo đảm hoạt động giám sát mang lại chất lượng và hiệu quả cao.

Thứ năm, quan tâm các điều kiện bảo đảm cho hoạt động, đầu tư chi phí và điều kiện vật chất cho hoạt động của HĐND cấp xã. HĐND cấp xã cần có trụ sở riêng và được bố trí, sắp xếp hợp lý để trụ sở của HĐND phải vừa là nơi làm việc, vừa là nơi cử tri có thể trực tiếp đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đối với cơ quan dân cử. Đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động của HĐND cấp xã. Đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần được trang bị phương tiện thông tin liên lạc, tài liệu, phòng làm việc hợp lý, tương xứng với trách nhiệm của đại biểu./.

ThS. Dương Thị Quý

Phòng QLĐT&NCKH