Skip to main content
x
8 October 2022

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

 “Tự lực” là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác;

“Tự cường” là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác.

Phẩm chất tự lực, tự cường, tự chủ là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên của mỗi người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường được hiểu theo những nội dung cơ  bản sau:

Một là,  Tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ, vị thế ngoại giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng: Công cuộc giải phóng phải là công cuộc “tự giải phóng” chứ không thể trông chờ vào thiện chí hay sự bố thí, rộng lượng của những kẻ cướp nước. Người khẳng định : “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[1]. Theo Người: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[2].

Hai là, phát huy tinh thần tự lực, tự cường là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi chặng đường lịch sử.

Ý chí và tinh thần độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện ngay từ khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhận thức rằng: Nếu biến lý luận Mác - Lênin thành “kinh thánh” và “công thức sáo mòn” thì tức là đã gạt bỏ nó ra khỏi cuộc sống. Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh không chỉ làm cho học thuyết Mác - Lênin được “Việt hóa”, thích ứng với điều kiện Việt Nam mà còn giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi tâm lý thụ động để phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc để đi đến những thắng lợi vĩ đại.

Nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đều nỗ lực phát huy tinh thần “Tự lực cánh sinh”. Trong Cách mạng Tháng Tám chúng ta thực hiện phương châm:  “mang sức ta mà giải phóng cho ta” thì trong cuộc kháng chiến chống Pháp là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Theo Người, Việt Nam không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực tự cường cả trong việc xây dựng chế độ mới, đưa miền Bắc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người yêu cầu: “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”. Người căn dặn, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”.

Thứ ba, Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần tự lực tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân.

Tính tự lực, tự cường không chỉ giúp mỗi con người thành công mà còn giúp họ trở thành những người có lòng tự trọng, hiểu biết và có một cuộc đời hữu ích. Do đó, mỗi người dân phải tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc; mỗi khi gặp khó khăn thì tinh thần tự lực, tự cường trong họ càng phải được trỗi dậy và phát huy cao độ. Hồ Chí Minh còn cho rằng tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa.

Tự lực, tự cường là truyền thống của văn hóa Việt Nam và nó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy lên một tầm cao mới.

2. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường chính trị Hoàng Văn Thụ trong thời gian qua

Trường chính trị Hoàng Văn Thụluôn chủ động trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao và phấn đầu từng tiêu chí cụ thể để đạt trường chuẩn mức độ 1. Việc Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng Trường chính trị Hoàng Văn Thụ đạt đạt chuẩntheo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống trường chính trị trong cả nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được Trường tổ chức giảng dạy đảm bảo đúng, đủ thời lượng theo quy định tại khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng như các cấp có thẩm quyền ban hành.

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đảm bảo đúng theo quy chế, quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các quy định khác do Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng như các cấp có thẩm quyền ban hành.

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được thực hiện đúng quy định và không ngừng đổi mới, tập trung rèn luyện kỷ cương, nền nếp đi đôi với đánh giá quá trình, phương pháp và thái độ học tập, học viên viết khóa luận tốt nghiệp chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; tiểu luận tình huống chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, cấp phòng gắn với chức danh, vị trí việc làm.

Thực hiện Hướng dẫn số 09/HD-HVCTQG, ngày 23/01/2015 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc lấy phiếu phản hồi từ người học, trường đã triển khai thực hiện việc lấy phiếu phản hồi từ người học đối với giảng viên tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Kết quả giảng viên được đánh giá từ mức hài lòng đến rất hài lòng về nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy và tác phong sư phạm.

Riêng năm 2021, nhà trường đào tạo được 1112 học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 271 học viên bồi dưỡng ngạch chuyên viên; 219 học viên lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính và 3526 học viên được bồi dưỡng ở loại hình khác. Đối chiếu với các tiêu chí về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Điều 8 của Quy định số 11-QĐ/TW, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có 04/05 tiêu chí đạt chuẩn mức 1.

Tuy nhiên, tỷ lệ mở các lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung, không tập trung là 1/5, chưa đảm bảo tỷ lệ 1/3 theo quy định của tiêu chí trường chuẩn. Nguyên nhân là do hiện nay cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học vẫn phải vừa tham gia học tập, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác tại cơ quan, đơn vị do đó nhu cầu học hệ không tập trung lớn, dẫn đến tỷ lệ các lớp hệ không tập trung lớn hơn hệ tập trung; Nhà trườngchưa chủ độngtham mưu, đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ khoa học sát với thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Phòng tham mưu chưa có nhiều đổi mới trong công tác chiêu sinh, quản lý đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sau đào tạo bồi dưỡng. Khoa chuyên môn chưa có nhiều đổi mới trong giảng dạy, quản lý và đánh giá học viên sát với năng lực. Một số cán bộ, giảng viên thiếu nỗ lực phấn đấu trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là nghiên cứu sinh; còn thụ động, ngại đổi mới, chậm thích ứng với việc mới, việc khó.

3. Một số giải pháp chủ yếu xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn mức độ 1 theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Thứ nhất, đối với lãnh đạo trường:

Lãnh đạo trường không ngừng chủ động chỉ đạo các phòng tham mưu và chuyên môn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Ban hành Đề án xây dựng và phát triển Trường chính trị Hoàng Văn Thụ đạt các tiêu chí chuẩn mức 1 vào năm 2027.

Chủ động ban hành đầy đủ các quy chế, quy định, hướng dẫn để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh như: Quy chế hoạt động của trường, các quy định cụ thể hóa về chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng, về văn hóa công sở, ứng xử văn minh, trang phục, chi tiêu nội bộ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Nhà trường.

Chỉ đạo phòng tham mưu rà soát đội ngũ viên chức, người lao động của có bản lĩnh chính trị, có trình độ, năng lực, có ý thức nghề nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định. Đồng thời đưa ra lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ  giảng viên đủ các tiêu chí về trình độ đào tạo, các văn bằng chứng chỉ Bồi dưỡng ngạch, Bồi dưỡng kiến thức kinh điển, đáp ứng tiêu chí Trường chính trị chuẩn.

Chỉ đạo phòng tham mưu lấy phiếu thăm dò đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Chủ động, linh hoạt trong việc chỉ đạo giảng dạy các loại hình theo quy định, cho phù hợp với tình hình dịch bệnh covid -19. Chỉ đạo sát sao các hoạt động liên quan tới tiêu chí nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế.

Chủ động tham mưu, đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ khoa học sát với thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành; địa phương trong tỉnh; các trường Chính trị trong cả nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học.

Thứ hai, đối với phòng tham mưu, khoa chuyên môn

Tham mưu đầy đủ các quy chế, quy định, hướng dẫn để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh như: Quy chế hoạt động của trường, các quy định cụ thể hóa về chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng, về văn hóa công sở, ứng xử văn minh, trang phục, chi tiêu nội bộ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Nhà trường.

Từ năm 2023 đào tạo Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung đảm bảo theo tỷ lệ 1/3. Thực hiện các chương trình liên kết đào tạo Cao cấp lý luận chính tri, đại học, sau đại học; các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo chức vụ, chức danh theo vị trí việc làm. Các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; chức vụ, chức danh vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến mới cho đối tượng 4. Các loại hình bồi dưỡng khác theo nhu cầu đăng ký thực tế của các cơ quan, đơn vị hoặc cơ quan có thẩm quyền giao.

Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, khoá bồi dưỡng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức khá trở lên.

Thường xuyên hoặc định kỳ đánh giá chất lượng giờ giảng, bài giảng của giảng viên thông qua phiếu phản hồi của học viên. Đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng tăng cường viết bài thu hoạch, bài tự nghiên cứu, thi vấn đáp, xây dựng đề cương bài học trước khi lên lớp nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học viên. Tiến hành khảo sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng để chính sách phù hợp. Duy trì hội thi giảng viên dạy giỏi, Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị theo đúng quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Các khóa học, lớp học của trường được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoặc các tổ chức có thẩm quyền đánh giá theo các tiêu chí về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức khá trở lên.

Tham mưu rà soát đội ngũ viên chức, người lao động của có bản lĩnh chính trị, có trình độ, năng lực, có ý thức nghề nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định. Đồng thời đưa ra lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ  giảng viên đủ các tiêu chí về trình độ đào tạo, các văn bằng chứng chỉ Bồi dưỡng ngạch, Bồi dưỡng kiến thức kinh điển, đáp ứng tiêu chí trường Chính trị chuẩn.

Các khoa chuyên môn phải chủ động thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách có hiệu quả, đồng thời,chỉ đạo, đề xuất và thực hiện thành công ít nhất 03 đề tài khoa học cấp trường trở lên.Không ngừng đổi mới trong giảng dạy và quản lý học viên. Cần chú trong cách ra đề thi phân hóa được năng lực của học viên để kết quả phản ánh đúng năng lực của học viên.

Thứ ba, đối với đội ngũ giảng viên của nhà trường

Bản thân mỗi giảng viên tự ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và kỹ năng nghề nghiệp, nhất là nỗ lực tham gia và hoàn thành có kết quả cao lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần đạt tiêu chí trường chính trị chuẩn mức độ 1 của đội ngũ cãn bộ viên chức. Đồng thời, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức truyền đạt kiến thức cho phù hợp với nội dung và đối tượng học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Mỗi giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phải là một chiến sỹ tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn mới.

Tóm lại, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Bác về ý chí tự lực, tự cường có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1. Tôi tin tưởng rằng: Thông qua các nhóm giải pháp trên và với sự đồng sức, đồng lòng của tập thể nhà trường sẽ góp phần xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 trong thời gian tới./.

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương

GVC. Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

 

[1].  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.2, tr. 138.

[2]. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 445.