Skip to main content
x
7 October 2022

Hồ Chí Minhvị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trọn cuộc đời, Người đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Di sản của Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Việc kiên định mục tiêu, con đường phát triển của đất nước, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là yêu cầu tất yếu khách quan của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi mà còn góp phần giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong đó vấn đề độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là xuất phát điểm, là nguồn gốc của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Người về ý chí tự lực, tự cường sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên có động lực, mục tiêu phấn đấu, vượt qua những khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

1. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, có thể hiểu một cách đơn giản: Ý chí - đó là quyết tâm sắt đá, là một nghị lực phi thường, quyết làm bằng được, thực hiện bằng được cái mục đích theo đuổi. Ý chí tự lực là quyết tâm tự mình làm lấy, không dựa dẫm vào ai. Tự cường là quyết tâm tự làm cho mình trở thành mạnh lên, tự mình xây dựng sức mạnh cho mình, không ỷ lại vào người khác. Nói ngắn gọn, tự lực, tự cường là tự mình lo công việc của mình và gây sức mạnh cho mình, không lệ thuộc, không phụ thuộc, không ỷ lại ngồi chờ vào tổ chức, vào người khác. Theo ý nghĩa đó thì ý chí tự lực, tự cường chính là phương pháp tạo ra sức mạnh để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, trực tiếp nhất, ý chí tự lực, tự cường chính là phương pháp tự tạo ra sức mạnh cho bản thân, sự nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, bao gồm:

Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. [1]

Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng: Nêu cao tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới” 2.

Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng.

Thứ tư, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân… 

Thứ năm, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn có nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có đạo đức nghề nghiệp có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động xã hội. Mỗi giảng viên luôn nâng cao tính chủ động, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán trong thực hiện nhiệm vụ.

Giảng viên đã tích cực, chủ động trong nghiên cứu tài liệu, giáo trình, bổ sung kiến thức thực tiễn, phân tích, chứng minh làm rõ kiến thức trong bài soạn, bài giảng. Trong giảng dạy trên lớp giảng viên luôn vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, gắn lý luận với thực tiễn, đặt ra các vấn đề và giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn, nhất là thực tiễn công tác của học viên, đồng thời thông qua mỗi bài giảng, giảng viên tuyên truyền tới học viên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình hiện nay. Giảng viên đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, đi nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, viết bài theo quy định nhiệm vụ của giảng viên. Hằng năm giảng viên đều hoàn thành vượt mức giờ giảng, giờ nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện nhiệm vụ, có một số công việc thực hiện chưa đạt chất lượng, hiệu quả cao; vẫn còn hiện tượng trong thực hiện nhiệm vụ chưa tận tâm, tận lực, ý thức vươn lên, nỗ lực vượt khó khăn, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho người khác, cho tập thể…

Để có thể hoc tp, vận dụng và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, thiết nghĩ cần tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, mỗi giảng viên không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí, tự lực, tự cường

Mỗi giảng viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức về nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực, gương mẫu học tập và làm theo Bác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là về phát huy ý chí tự lực, tự cường là công việc thường xuyên, cần sự chủ động, tích cực của mỗi giảng viên. Giảng viên là lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng hành động cho mọi người. Học tập Bác về ý chí tự lực, tự cường, giảng viên cần có niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào đường lối đổi mới, phát triển đất nước, có động lực mạnh mẽ trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy.

Trong công tác chuyên môn và sinh hoạt đảng, từ lãnh đạo đến giảng viên cần tôn trọng và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Mỗi giảng viên cần biết lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp, biết tự nhìn nhận những khiếm khuyết của bản thân từ đó có ý thức trau dồi, tu dưỡng, không ngừng tự hoàn thiện mình. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, xây dựng, giữ gìn và phát huy văn hóa đoàn kết trong tập thể.

Hai là, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Giảng viên có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, là những người có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, hơn ai hết, cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ý chí tự lực, tự cường trong bối cảnh hiện nay gắn với chức trách nhiệm vụ là giảng viên Trường Chính trị, bản thân mỗi giảng viên cần phát huy tinh thần tự giác, gương mẫu, đam mê công việc, thường xuyên nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng tu dưỡng bản thân để nâng cao phẩm chất đạo đức, hiểu biết chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học. Tự lực, tự cường nhưng tránh độc đoán, bảo thủ… tự cho mình là giỏi nhất, bó mình trong khuôn khổ, cứng nhắc mà phải có mối quan hệ hợp tác với đồng nghiệp, tham khảo ý kiến đồng nghiệp. Giảng viên luôn nhận thức rõ về vai trò của đoàn kết thống nhất, luôn giữ gìn đoàn kết thống nhất, tạo nên sức mạnh của tập thể, như nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường là “đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân…”. Có đoàn kết với đồng chí, đồng nghiệp, có sự phối hợp tốt giữa các tập thể khoa, phòng, ở đó mỗi người đều có một ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhà trường mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Tỉnh giao.  

Từng giảng viên cần nâng cao tính chủ động trong công tác và xây dựng phương pháp làm việc khoa học. Tích cực nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất giải pháp, sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự đổi mới thực sự trong tư duy, phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Mỗi giảng viên phải thường xuyên, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành tấm gương về thực hành ứng xử văn hóa trường Đảng. Đồng thời, thông qua hoạt động chuyên môn, hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phải truyền được cảm hứng, niềm tin, ý chí tự lực, tự cường cho học viên, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Ba là, nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực chủ động, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Giảng viên phải thường xuyên nêu cao tinh thần đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước thông qua công tác giảng dạy, các bài viết đăng báo, tạp chí, hội thảo, Website, đăng Zalo, Fanpage, Facebook. Trước các thông tin xấu độc, mỗi giảng viên cần kịp thời phê phán, bày tỏ chính kiến, chỉ rõ bản chất phản động, xuyên tạc của những luận điệu đó. Bằng kiến thức, lập trường của mình, tuyên truyền, giải thích cho những người xung quanh, mà trước hết là người thân trong gia đình, quần chúng ở địa phương, hiểu đúng vấn đề, không nghe, không tin theo các quan điểm sai trái. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên hoặc người dân có những phát ngôn thể hiện sự bất mãn hay nhận thức sai lầm về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng, hay thể hiện quan điểm cá nhân lệch lạc về chính trị trên mạng xã hội phải kịp thời báo cáo cấp ủy; đồng thời chủ động phân tích, góp ý để chấn chỉnh nhận thức, tư tưởng cho họ. Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, thực hiện phương châm “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng”. 

Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy ý chí tự lực, tự cường của mỗi giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, xây dựng nội bộ, cơ quan, đoàn kết, có ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo và nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, chính là đã góp phần quan trọng xây dựng nhà trường phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh giao, xây dựng trường Chính trị Hoàng Văn Thụ sớm đạt chuẩn./..

ThS. Đồng Hương Gấm

GVC. Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

1. Tài liệu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì biên soạn và phát hành (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021).

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr. 320.