Skip to main content
x
5 October 2022

Huyện Cao Lộc có 22 đơn vị hành chính, trong đó có 20 xã và 02 thị trấn (thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng), có trên 75 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Đường sắt ga Đồng Đăng; có 2 cửa khẩu phụ (Pò Nhùng và Co Sâu). Đến nay, huyện Cao Lộc có 22/22 số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa, các thôn bản có đường bê tông thuận tiện đi lại đến trung tâm thôn, 20/20 xã có điện lưới quốc gia, 98% hộ nông thôn được sử dụng điện, 100% trường học được kiên cố và cơ bản được bố trí xây dựng các phòng học chức năng phục vụ dạy và học; các trạm y tế đều được đầu tư nâng cấp thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; hầu hết các xã đều có nước sạch; 100% các thị trấn có sóng điện thoại …

Huyện Cao Lộc có vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đầy đủ từ mạng lưới giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ có ý nghĩa quốc tế, quốc gia. Giao thông nội bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thông thương, đi lại của người dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế; hệ thống điện lưới quốc gia; thông tin liên lạc; cấp thoát nước; hệ thống dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng; các thiết chế văn hóa, thể thao; giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Trong thời gian qua chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Cao Lộc thực hiện quản lý hoạt động kinh tế ở cơ sở bao gồm: Quản lý hoạt động kinh tế nông nghiệp; Quản lý hoạt động kinh tế khu vực biên giới; Quản lý hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Quản lý về hoạt động dịch vụ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ cấp huyện đến các xã, trong những năm qua công tác quản lý hoạt động kinh tế của chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Cao Lộc đạt một số kết quả tích cực quan trong như sau:

- Công tác quản lý hoạt động kinh tế nông nghiệp: Thực hiện theo sự lãnh đạo của Cấp ủy, chính quyền các cấp trong giai đoạn qua trên địa bàn huyện Cao Lộc. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển, giá trị một số ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân hàng năm 13,4% (giá hiện hành). Tổng giá trị đến năm 2020 đạt 5.332 tỷ đồng, vượt 42,74%. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,57%; công nghiệp - xây dựng chiếm 55,04%; dịch vụ chiếm 25,39%. Tốc độ tăng trưởng giá trị một số ngành chủ yếu (giá so sánh 2010) bình quân hàng năm: nông nghiệp tăng 1,52%/năm; công nghiệp tăng 9,64%/năm; xây dựng tăng 10,41%/năm; dịch vụ tăng 5,2%/năm.

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 1.043 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 1,52%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, tổng sản lượng lương thực hàng năm bình quân đạt trên 27.000 tấn. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định trong ba năm đầu, giảm ở 02 năm cuối nhiệm kỳ. Hệ thống mạng lưới dịch vụ nông nghiệp phát triển rộng khắp, kịp thời phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Quan tâm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số vùng kinh tế đang từng bước được hình thành và phát huy được tiềm năng thế mạnh như rau sạch ở vùng Gia Cát- Tân Liên, vùng trồng các loại cây ăn quả Mận, Chanh rừng, Đào, Hồng không hạt Bảo Lâmtại 8 xã; vùng trồng các loại cây lâu năm như cây Hồi, Sở, Thông… tại 5 xã; vùng thương mại, dịch vụ tại hai thị trấn; vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dọc quốc lộ 1A, 1B… Một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị, năng suất cao như: Rau các loại 13.665,3 tấn/năm, đạt 100,8%; Hồng không hạt 1.201,4 tấn/năm, đạt 116,9%; mận cơm 740,7 tấn/năm, đạt 198%; nhựa Thông 1.690,2 tấn/năm; hoa Hồi khô đạt 1.978,3 tấn/năm ... Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng từng bước được quan tâm, bình quân hàng năm trồng rừng mới trên 500 ha, nâng độ che phủ rừng từ 68% năm 2015 lên 70,10% năm 2020.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; từng bước xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2020 số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,05 tiêu chí, tăng 7,05 tiêu chí so với năm 2015; trong nhiệm kỳ, có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

- Công tác quản lý hoạt động tiểu thủ công nghiệp

Sản xuất công nghiệp – xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá cao, đến hết năm 2020 đạt 2.935 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 9,64%, tập trung khai thác tốt lợi thế trong sản xuất Xi măng, khai thác đá, gạch, sản xuất, lắp ráp các loại máy bơm, chế biến nông, lâm sảnchế biến rượu thủ công gắn với phát triển chăn nuôi tại các xã Công Sơn, Mẫu Sơn, Xuất Lễ, Cao Lâu, Hải Yến... Quan tâm xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp (Khu trung chuyển hàng hóa; Cụm Công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2...) để thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Thực tế qua khảo sát tại các xã, thị trấn cho kết quả: về sản xuất gạch xây dựng thì giai đoạn 2016 – 2021 đạt 149 000 triệu viên.

- Công tác quản lý hoạt động dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển theo hướng tích cực. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân hàng năm tăng 5,2%. Đã phát huy được lợi thế trong khu kinh tế cửa khẩu, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo sức thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu sôi động hơn. Trên địa bàn huyện hiện có 05 chợ, 01 trung tâm thương mại Đồng Đăng cơ bản đáp ứng các nhu cầu cần thiết của nhân dân. Công tác phát triển du lịch trên địa bàn được quan tâm chỉ đạo thực hiện để thu hút khách du lịch đến với địa phương như: đầu tư tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử - văn hóa; quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; tăng cường công tác quảng bá, chủ động tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện; tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử, lễ hội văn hóa, thể thao. Các điều kiện phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch về cơ bản được quan tâm, bước đầu đảm bảo. Đến nay, trên địa bàn huyện đã được công nhận 06 điểm du lịch của tỉnh, giới thiệu kết nối 07 tour, tuyến du lịch trong địa bàn các xã, thị trấn. Đến hết năm 2020 lượng khách du lịch qua địa bàn là 980 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 99,4 tỷ đồng.  

- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm. Triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và công bố quy hoạch theo đúng quy định, trong đó chú trọng đến quy hoạch giao thông nông thôn, xây dựng, thủy lợi, giáo dục, phát triển công nghiệp, trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch thị trấn Cao Lộc; quy hoạch xây dựng khu Dân cư khối 3, khối 8, thị trấn Cao Lộc; cụm công nghiệp Hợp Thành 1, 2. Tập trung quản lý thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành lĩnh vực đã được phê duyệt. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, giới thiệu địa điểm cấp phép xây dựng theo cơ chế “một cửa” đảm bảo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự, mỹ quan đường phố, quản lý hè phố, lòng đường. Năm 2016, thị trấn Đồng Đăng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được như trên còn có một số hạn chế, yếu kém như sau: Có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng chưa cụ thể rõ ràng, đôi khi khó vận dụng ở cơ sở. Như hướng dẫn về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; hướng dẫn thực hiện luật Đất đai, luật Hợp tác xã, pháp luật về thương mai… Công tác quản lý đất đai vẫn là một trong những rào cản vướng mắc cho việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng còn hạn chế. Năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ công chức cơ sở còn nhiều bất cập về trình độ, kỹ năng công tác. Sản xuất nông nghiệp phát triển thiếu bền vững; quy mô sản xuất hàng hoá nhỏ lẻ nên rất khó phát triển công nghiệp chế biến và tạo ra thị trường ổn định; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, việc huy động sức dân còn rất hạn chế.

Trong thời gian tới để quản lý hoạt động kinh tế của chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Cao Lộc đạt hiệu quả cao hơn, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc

Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất là của UBND cấp huyện, cấp xã thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức thu hút các doanh nghiệp và hợp tác xã từ các địa phương khác đến đầu tư xây sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc. Phổ biến có hệ thống, thường xuyên các văn bản pháp luật về kinh tế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp. Chọn lọc các văn bản pháp luật mới ban hành để tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, nhân dân và hộ sản xuất kinh doanh, người kinh doanh.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc

Quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm về phát triển hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình. Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở chú trọng đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp…theo thế mạnh, đặc điểm địa bàn. Chú trọng quy hoạch mở có sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc. Cán bộ quản lý kinh tế trực tiếp tham gia quản lý, chỉ đạo thực hiện về các nghị quyết, chủ trương về phát triển kinh tế trên địa bàn tại cơ sở. Cán bộ quản lý kinh tế trực tiếp thực hiện đường lối đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, biến đổi đường lối trở thành hiện thực trong hiện thực, và góp phần hoàn thiện đường lối đó. Cán bộ quản lý kinh tế trực tiếp tạo môi trường, điều kiện và sử dụng công cụ, thực lực kinh tế để tác động quản lý, điều tiết nền kinh tế hiện nay. Ngoài ra cần tiếp tục quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc.Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc./.

ThS. Lăng Văn Thăng

Khoa Nhà nước và pháp luật