Skip to main content
x
3 October 2022

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”,“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng và tạo nên tố chất tốt của người cán bộ, trong đó phải kể đến vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, muốn có cán bộ tốt phụ thuộc rất nhiều vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì thì vai trò của người giảng viên có vị trí quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ Lạng Sơn có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở về lý luận chính trị, hành chính nhà nước và một số lĩnh vực khác, để thực hiện được sứ mệnh cao cả đó rất cần đến một đội ngũ giảng viên có đủ trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian qua Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã đặc biệt quan tâm và chú trọng việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã kịp thời triển khai các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của nhà trường về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tới toàn thể cán bộ, giảng viên; ban hành nhiều chế độ, chính sách, khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, trình độ của đội ngũ giảng viên nhà trường không ngừng được nâng lên. Hiện nay, cơ cấu trình độ của giảng viên nhà trường cơ bản đảm bảo đầy đủ theo tiêu chuẩn, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tính đến tháng 8/2022, tổng số giảng viên của trường là 37 đồng chí (chiếm 77,55% tổng số cán bộ, viên chức và lao động nhà trường), trong đó: Giảng viên chính và tương đương 22 đồng chí, giảng viên 15 đồng chí. So với năm 2018: giảng viên cao cấp và tương đương 01/38 đồng chí; giảng viên chính và tương đương 10 đồng chí, 27 giảng viên, thì giảng viên cao cấp và tương đương giảm 01 đồng chí (lý do: nghỉ hưu), giảng viên chính và tương đương tăng lên 12 đồng chí (gấp 2,2 lần so với năm 2018).

Về trình độ chuyên môn: Năm 2022, nhà trường có 35 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 02 đồng chí có trình độ đại học, trong đó có 01 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh, 01 đồng chí đang tham gia học cao học. So với năm 2018: tiến sĩ 01 đồng chí, thạc sĩ 27 đồng chí, đại học 10 đồng chí thì trình độ tiến sĩ giảm 01 đồng chí (lý do: nghỉ hưu), giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 08 đồng chí.

Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 31 đồng chí, trung cấp 06 đồng chí. So với năm 2018: có 23 đồng chí có trình độ cao cấp và tương đương; 15 đồng chí có trình độ trung cấp thì giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị tăng 08 đồng chí.

Kiến thức quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp và tương đương có 04 đồng chí, chuyên viên chính và tương đương có 32 đồng chí, chuyên viên 01 đồng chí. So với năm 2018: chuyên viên cao cấp 05 đồng chí, chuyên viên chính 15 đồng chí, chuyên viên 10 đồng chí thì chuyên viên cao cấp giảm 01 đồng chí (lý do: nghỉ hưu), chuyên viên chính tăng 18 đồng chí (tăng 1,2 lần so với năm 2018).

Với những nỗ lực của Lãnh đạo nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ ngày càng trưởng thành, vững vàng với kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức thực tiễn phong phú, có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với nghề với bài giảng, đĩnh đạc trong phong cách giảng dạy, linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các pháp phương giảng dạy tích cực với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình tham gia học tập. Vì vậy, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng lên đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo cán bộ.

Chất lượng bài giảng của đội ngũ giảng viên được nâng lên, lượng kiến thức giảng viên cung cấp cho học viên trong mỗi tiết giảng, bài giảng đã có sự lựa chọn phù hợp với đối tượng học viên, kiến thức của bài không chỉ đóng khung trong giới hạn kiến thức của giáo trình mà đã có sự liên hệ, mở rộng rất nhiều, đảm bảo sự phong phú, đa dạng, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong bài giảng. Giảng viên đã có sự linh hoạt trong sử dụng các phương tiện và phương pháp dạy học tích cực phù hợp với nội dung của bài và đối tượng học viên. Tác phong giảng dạy của giảng viên ngày càng đĩnh đặc, bản lĩnh, tự tin hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cao kiến thức chuyên môn, thực tiễn cho cán bộ, giảng viên còn hạn chế. Thời gian đi nghiên cứu thực tế của nhiều giảng viên không đảm bảo thời gian đi nghiên cứu thực tế theo quy định, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu thực tế chưa cao, giảng viên chưa vận dụng được nhiều kiến thức thực tế để làm sáng tỏ nội dung lý luận của bài giảng, làm cho chất lượng gắn lý luận với thực tiễn ở một số bài giảng chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên

Động viên, khích lệ, định hướng đội ngũ giảng viên tích cực rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy của bản thân về mọi mặt. Tạo điều kiện để giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn (thạc sĩ, tiến sĩ). Cùng với đó mỗi giảng viên phải chủ động đăng ký đi thi, học nâng cao trình độ chuyên môn phải đảm bảo chuyên ngành học đúng với chuyên ngành giảng dạy hoặc phục vụ trực tiếp cho chuyên ngành giảng dạy.

Nhà trường và các khoa chuyên môn cần thường xuyên tổ chức tọa đàm, trao đổi về các nội dung chuyên môn, những vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội trong và ngoài nước có liên quan đến nội dung giảng dạy của các khoa chuyên môn để mỗi giảng viên có thể học tập và trao đổi kinh nghiệm. Có kế hoạch chọn cử giảng viên tham gia các lớp Bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về nội dung chương trình giảng dạy và các vấn đề có liên quan.

Đối với kỹ năng, phương pháp giảng dạy của mỗi giảng viên thì nhà trường cũng có những kế hoạch cử các giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực từ cơ bản đến nâng cao. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm sau thao giảng, dự giờ để đánh giá, góp ý về kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Hai là, giải pháp về nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Để giúp mỗi giảng viên nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học cần thường xuyên quan tâm, tuyên truyền thay đổi nhận thức, thái độ của giảng viên về hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ đó giúp mỗi giảng viên nhận thức được rằng đây là hoạt động có ý nghĩa phục vụ cho công tác giảng dạy, chứ không chỉ nghiên cứu khoa học để thực hiện cho đủ giờ bắt buộc. Làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học thành hành động tự giác, thành nhu cầu của mỗi giảng viên.

Xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng viết tin bài cho giảng viên. Qua đó giúp đội ngũ giảng viên của nhà trường hình thành kỹ năng viết tin, bài. Khuyến khích các giảng viên đọc các tin bài để từ đó hình thành kĩ năng viết. Mở rộng nội dung tin, bài trên trang Thông tin điện tử, Bản tin, Hội thảo khoa học hoặc đặt hàng các bài viết, đề tài khoa học đối với giảng viên.

Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong tình hình mới hiện nay thì việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thực tế có ý nghĩa rất quan trọng. Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác nghiên cứu thực tế thời gian qua và để nâng cao chất lượng của hoạt động này cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thực hiện đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu thực tế. Ngoài việc đi đến địa phương, đơn vị để nghiên cứu trực tiếp theo truyền thống. Nhà trường có thể đề xuất với Tỉnh ủy cho đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế theo các hình thức khác nhau như tham gia các hội thảo, hội nghị của tỉnh và các ban ngành trong thời gian ngắn và thực hiện những kế hoạch cho giảng viên đi nghiên cứu dài ngày tại các huyện, xuống thực tế các xã để thăm quan các mô hình, công việc cụ thể của địa phương tránh việc chỉ nghe báo cáo của đơn vị đến thực tế.

Như vậy, có thể thấy rằng cán bộ, công chức là nguồn lực quan trọng để nền hành chính quốc gia hoạt động hiệu quả. Hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức có tác động rất lớn đến tình hình ổn định của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội với yêu cầu ngày càng cao của hệ tiêu chuẩn, tiêu chí quy định đối với cán bộ, công chức nên chỉ thông qua đào tạo và bồi dưỡng mới có thể đáp ứng được việc nâng cao trình độ, kiến thức, phẩm chất để thực thi công việc được tốt hơn và trong công tác đào tạo bồi dưỡng đó thì người giảng viên có vai trò quan trọng rất lớn. Chính vì vậy, để làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng, góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ tốt cho tỉnh Lạng Sơn thì nhà trường cần phải đào tạo, bồi dưỡng xây dựng cho được đội ngũ giảng viên có chất lượng cao về mọi mặt./...

Lương Thị Tuyên

Khoa Lý luận cơ sở