Skip to main content
x
3 October 2022

Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có sự kết hợp phổ biến giữa thế giới thực và thế giới số hóa tạo thành mạng liên kết rộng khắp dựa trên nền tảng internet hoặc các mạng vật lý. Động lực chủ yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Vật lý, số hóa và sinh học. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, thay đổi lối sống, phong cách làm việc, cách thức giao tiếp của chúng ta và không giống với bất kỳ điều gì mà chúng ta đã trải qua do tốc độ lan tỏa, phạm vi ảnh hưởng và sự tác động mang tính hệ thống của nó”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Từ đó, thị trường của doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực. Bên cạnh những tác động tích cực, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế...

Để tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức, các doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc những vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng này đó là:

Thứ nhất, hiểu đúng và hành động mau lẹ, có chiến lược kinh doanh và đổi mới sáng tạo

Để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ, về cuộc cách mạng này; những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai và những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc, để bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Thứ hai, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin

Một trong những thách thức rất lớn trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam là nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất. Máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cần thay đổi theo xu hướng hiện đại, thực hiện “số hóa” công nghệ. Cụ thể, để theo kịp cách mạng 4.0 thì không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, mà rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu, từ đó giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho. Các doanh nghiệp sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị và thu mua. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Muốn nâng cao năng lực canh tranh trong thời đại 4.0, doanh nghiệp Việt Nam phải giải những bài toán liên quan đến trình độ công nghệ, chất lượng lao động và sự tham gia vào liên kết chuỗi giá trị.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh buộc phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu khoa học - công nghệ mới trong nước được thương mại hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực đem lại kết quả cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến rất nhanh. Công nghệ 4.0 chú trọng tích hợp công nghệ số hoá: thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; tích hợp với các hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông để kinh doanh và chăm sóc khách hàng; lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; phân tích hiệu quả, đánh giá và áp dụng các dữ liệu thu thập được từ máy móc và cảm biến, để nhanh chóng đưa ra quyết định cải thiện an toàn, hiệu quả hoạt động, quy trình làm việc, dịch vụ và bảo trì.

Tuy nhiên, một khó khăn đang là trở ngại cho các doanh nghiệp muốn hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0, đó là hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm số lượng lớn (khoảng 97%) và trong đó còn nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Nguyên nhân chính có lẽ là do họ thiếu tiềm lực về tài chính. Vì muốn ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại buộc doanh nghiệp phải có vốn để đầu tư máy móc mới, đào tạo nhân lực và làm chủ được công nghệ. Trong hội nhập, đây là bài toán khó đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải tìm cách để hóa giải, nếu không rất dễ bị đào thải ra khỏi sân chơi quốc tế.

Với đặc trưng là ứng dụng phổ biến các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo và kết nối mạng, sự phát triển của công nghiệp 4.0 đặt ra nhu cầu cấp bách phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, công nghiệp 4.0 tác động rất lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực. Sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ - trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy thị trường lao động truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ.

Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm là hiện nay Việt Nam có cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay tổng dân số trong độ tuổi lao động của nước ta (từ 15 tuổi trở lên) là 68.819.816 người, trong đó 82,7% chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Nhân lực trình độ cao (tính từ đại học trở lên) chiếm số lượng ít, chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng kịp những thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.

Có thể thấy, chất lượng lao động trong các doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Tay nghề và các kỹ năng mềm khác của lao động đang là vấn đề bức bách nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao hiện nay càng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân lực cả số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế của người lao động cũng là rào cản lớn trong hội nhập.

Vì vậy, trong các vấn đề đặt ra trước sự hiện hữu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng, trước hết là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông.

 Thứ tư, đổi mới tư duy về quản trị doanh nghiệp

Quản trị doanh nghiệp tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Thực tiễn trong và ngoài nước cho thấy, các doanh nghiệp đạt được thành công lớn trong dài hạn nhờ hệ thống quản trị công ty tốt. Ngược lại, quản trị doanh nghiệp kém, thiếu minh bạch đã là nguyên do dẫn tới phá sản của nhiều công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, quản trị doanh nghiệp vẫn là yếu điểm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Thống kê cho thấy, hàng năm, có hàng nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa hoặc thua lỗ; nhiều start-up biến mất chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mà một trong những nguyên nhân chính là do năng lực quản trị của chủ doanh nghiệp kém. Thiếu kỹ năng quản trị khiến cho doanh nghiệp không có cơ hội cạnh tranh hoặc nâng cao cạnh tranh, từ đó chấp nhận cuộc thua và rút khỏi thị trường.

Trần Thế Kiên

UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn