Skip to main content
x
19 September 2022

Mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường đi cho dân tộc mình. Đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và hạnh phúc cho nhân dân thì sau khi giành được độc lập đều lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được minh chứng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta trong 92 năm qua. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta vẫn không xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật và xu thế phát triển của thời đại. Chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa mới đảm bảo dân tộc độc lập thực sự; đất nước phát triển phồn vinh; nhân dân no ấm và mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đứng trước sự khủng hoảng đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX,  Nguyễn Ái Quốc (lúc đó là Nguyễn Tất Thành) đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam. Trong quá trình đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc ta, đó là con đường cách mạng vô sản - Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đây chính là tiền đề đặt nền móng cho việc hình thành nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

  Độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm trong đó cả nội dung dân tộc và dân chủ. Đó là nền độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu, độc lập nửa vời, độc lập hình thức. Theo Người, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân lao động.

Hồ Chí Minh không bao giờ coi mục tiêu độc lập dân tộc là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Theo Người, giành độc lập để đi tới xã hội cộng sản; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn nhất quán trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã chủ trương: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[1]. Đến Đại hội XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2].

Ngay trong Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đã thể hiện sự nhất quán, khẳng định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đem lại tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước luôn luôn thực hiện quan điểm nhất quán là “dân là gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều đó càng được thể hiện rõ trong quá trình cả nước đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch Covid – 19 hiện nay. Chưa bao giờ truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc Việt Nam và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội lại hòa quyện và được thể hiện rõ nét trong phòng, chóng đại dịch như thời gian qua. Nhân dân hoàn toàn tin theo mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và lợi ích duy nhất của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua đại dịch. Vì thế có thể khẳng định: Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là chế độ xã hội ưu việt và vì nhân dân.

Việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vừa theo quy luật phát triển của lịch sử, vừa thể hiện tình đặc thù của dân tộc Việt Nam. Tính đặc thù của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sau khi giành được độc lập đã bỏ qua sự phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội. Nước ta phải trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh với quyết tâm chống lại ách đô hộ và xâm lược của đế quốc, thực dân, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việt Nam là một ví dụ điển hình trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; đó là cơ sở bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là đường lối cơ bản, xuyên suốt và nhất quán của cách mạng Việt Nam.

Những thành tựu mà công cuộc đổi mới đạt được càng thể hiện sự kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cùng các nguồn lực khác, như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, mở rộng hội nhập quốc tế trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta. Điều đó đã được Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”… Việt Nam kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, là một hình mẫu đặc thù của chủ nghĩa xã hội với điểm xuất phát thấp và phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Mỗi nhiệm kỳ đại hội của Đảng là một chặng đường, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước tạo tiền đề phát triển cho nhiệm kỳ sau. Để có được những thành tựu to lớn là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Sau 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội được Đảng ta, nhân dân ta kiên định thực hiện, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam; trở thành bài học đầu tiên được Đảng rút ra tại Đại hội lần thứ VII (1991), VIII (1996), IX (2001), X (2006). Đặc biệt trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng khẳng định nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn với 8 đặc trưng cơ bản; đồng thời, nhấn mạnh bài học số một là: Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội XI của Đảng (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung,  phát triển năm 2011). Đây chính là văn kiện quan trọng được bổ sung bằng chính thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và phát triển cho phù hợp tình hình mới. Bài học kinh nghiệm đầu tiên được đưa ra chính là: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[3]. Tại Đại hội XIII của Đảng (2021), trong quan điểm chỉ đạo đầu tiên của Đảng chính là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc và là hai mặt không thể tách rời của con đường phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với các biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tha hóa quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị đang cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thêm vào đó, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, nhất là vấn đề tranh chấp Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mạng xã hội kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ, chống phá quyết liệt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn lúc nào hết bài học “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới”, tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở Việt Nam (giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế) càng phải được thấm nhuần, chủ động và kiên trì thực hiện. Điều đó, đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam - kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.

Tóm lại, trong suốt 92 năm qua, dù ở hoàn cảnh nào Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh mới hiện nay, Đảng ta đã đúc rút được những bài  học  kinh nghiệm quý báu, nhất quán với “mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để không chỉ là bảo vệ những thành quả cách mạng của giai đoạn trước mà còn đưa những thành quả trước đó lên một tầm cao mới, đồng thời tiếp tục thực hiện cách mạng không ngừng ở những giai đoạn tiếp theo để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

ThS.  Nguyễn Thị Lan Hương

Phó Trưởng khoa lý luận cơ sở

 

[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 8

[2]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 24

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.