Skip to main content
x
19 September 2022

Trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động, các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến tất cả các Trường trong cả nước, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn cũng không ngoại lệ. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy và học tập của nhà trường. Kế hoạch dạy và học của nhà trường phải thay đổi thường xuyên, có thời gian bị gián đoạn, các lớp phải kéo dài thời gian học so với kế hoạch ban đầu. Dịch bệnh còn tác động đến tâm lý của giảng viên và người học, gây tâm lý lo lắng khi tham gia vào các lớp học trực tiếp tại trường hoặc ở các huyện. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn gây ra nhiều khó khăn, bất lợi cho việc quản lý, tổ chức lớp học theo kiểu truyền thống,.... Vì vậy, việc áp dụng dạy và học trực tuyến trong thời gian qua được coi là biện pháp hữu hiệu nhất, phù hợp nhất để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường, hạn chế việc tập trung, đi lại nhiều, là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần phòng chống dịch.

Sau thời gian tổ chức thực hiện giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã tiếp tục thực hiện kế hoạch giảng dạy của 10 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tiếp tục chiêu sinh và mở 14 lớp trung cấp lý luận chính trị. Trong tổng số 24 lớp học có 15 lớp ra trường với tổng số 926 học viên đã tốt nghiệp, trong đó có 396 học viên xếp loại giỏi chiếm 42,8%; 592 học viên xếp loại khá chiếm 57,1%; 02 học viên xếp loại trung bình chiếm 0,2%. Bên cạnh đó, nhà trường mở 04 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, đến nay đã có 03 lớp hoàn thành khóa học với tổng số 235 học viên, trong số các học viên đã ra trường có 03 học viên xếp loại giỏi chiếm 0,9%; 226 học viên xếp loại khá chiếm 96,2%; 06 học viên xếp loại trung bình chiếm 2,6%. Thực hiện 03 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, trong đó có 02 lớp đã hoàn thành chương trình với tổng số 140 học viên trong tổng số học viên đã ra trường có 10 học viên xếp loại giỏi chiếm 7,1%, 130 học viên xếp loại khá chiếm 92,9%. Lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng và tương đương đã thực hiện 04 lớp với tổng số 242 học viên, trong đó có 14 học viên xếp loại giỏi chiếm 5,8%, 218 học viên xếp loại khá chiếm 90,1%, 10 học viên xếp loại Trung bình chiếm 4,1%. Tổ chức 19 lớp Bồi dưỡng cập nhất kiến thức đối tượng 4 với 2.072 học viên đã hoàn thành và được cấp chúng nhận hoàn thành chương trình.

Từ kết quả đạt được đã góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Tỉnh ủy,UBND tinnhr giao thực hiện năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đồng thời, quan việc tổ chức giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến có thể nhận thấy một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, dạy học trực tuyến là hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại trường thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Với việc thay đổi hình thức giảng dạy và áp dụng kết hợp hai hình thức giảng dạy trong thời gian quan là một trong những giải pháp tối ưu có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong học tập, giảng dạy và thuận lợi trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường

Thứ hai, dạy và học trực tuyến tạo cơ hội cho giảng viên, học viên được được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới phương pháp lĩnh hội và truyền đạt nhằm duy trì nguồn kiến thức đã và đang có. Đây cũng là bước phát triển phù hợp với phương pháp đào tạo tiên tiến, phù hợp với xu hướng thời đại hiện nay - thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, với những ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật số rất phổ biếnvào các lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục và đào tạo, khuyến khích việc phát huy tính tự giác học tập của học viên, phát huy khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy của giảng viên, khai thác lợi thế của các ứng dụng internet, công nghệ thông tin trong dạy và học mà trước đây chưa được áp dụng nhiều ở các trường chính trị, trong đó có Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

Thứ ba, ngày 08/4/2022, Học viên chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 8679 QĐ/HVCTQG, ngày 08/4/2022 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành quy định đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến chỉ được áp dụng khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hoặc do thiên tại, hoặc các trường hợp bất khả kháng khác và được sự đồng ý của Tỉnh ủy và Học viện. Thực tế chúng ta cũng không thể lượng trước được tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai hoặc các yếu tố khách quan khác gây ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động ngày càng sâu rộng, bao trùm các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như quá trình quản lý và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị nói riêng, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ không thể đứng yên chờ qua dịch, nghĩa là chậm chân trong lộ trình này. Và, ở khía cạnh xem xét tính năng động, đổi mới sáng tạo, thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý dạy và học.

Tuy nhiên để có thể dạy học trực tuyến tại trường chính trị còn một số vấn đề đặt ra, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả dạy và học, như:

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường hiện nay chưa thực sự đồng bộ, chưa có phòng họp trực tuyến, phòng học riêng (trang bị máy tính kết nối internet, màn hình lớn, camera, hệ thống âm thanh,…) phục vụ cho công tác giảng dạy trực tuyến; hệ thống đường truyền Internet có lúc không ổn định nên ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và học tập.

Tâm thế học trực tuyến của một số học viên chưa sẵn sàng thích ứng với việc dạy và học trực tuyến, một số đơn vị, học viên chưa sẵn sàng, vì vừa chưa quen, vừa quan ngại tính hiệu quả.

Hệ thống bài giảng, học liệu điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng của học viên. Bên cạnh đó, hàng loạt kỹ năng cơ bản trong học trực tuyến như: kỹ năng tập trung trong môi trường số; kỹ năng thu nhập - xử lý - lưu trữ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm online; kỹ năng giao tiếp/tương tác trong không gian số… chưa được học viên nắm bắt để tạo hiệu quả trong việc học.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của người học: Hệ thống máy vi tính còn thiếu; đường truyền mạng, tốc độ truy cập còn chậm; khả năng tiếp cận với internet của học viên ở các xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Một số quy định trong Quy chế về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến khó thực hiện như: Quy định học viên khi học phải mở camera ghi hình ảnh cá nhân, việc quản lý học viên bằng hình ảnh camera trên màn hình của giảng viên,… do màn hình nhỏ, chủ yếu sử dụng bằng máy tính xách tay; quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn về sự tương tác giữa giảng viên và học viên do mới tiếp cận và sử dụng lần đầu,…

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thời gian tới, theo tác giả cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; tập trung xây dựng kho học liệu trực tuyến (khóa học, bài giảng, đề kiểm tra, tài liệu) và cung cấp trên không gian mạng inernet (cổng thông tin, trang web, hệ thống chia sẻ học liệu…) nhằm cung cấp kiến thức bổ trợ thường xuyên cho giảng viên và học viên.

Hai là, quan tâm, sử dụng mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn làm thay đổi tâm thế giảng dạy và học tập trực tuyến của cán bộ, giảng viên và học viên.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh đánh giá học tập của học viên ngay trên ứng dụng thông qua đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan; tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan với quy mô đủ lớn và đề thi phải có tính phân loại học viên với các câu hỏi từ dễ đến khó; cán bộ, giảng viên tham gia quản lý lớp cần làm tốt công tác quản lý học viên bằng nhiều hình thức điểm danh để đảm bảo học viên tham gia đầy đủ thời gian lên lớp, tránh tình trạng học viên tham gia nhưng không theo dõi bài giảng và tham gia thảo luận.

Bốn là, uy trì thực hiện tốt các quy chế, quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Cụ thể hóa các quy chế, quy định của Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng như các cấp có thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy chế, quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến./.

ThS. Nguyễn Trung Thành

Trưởng phòng QLĐT&NCKH