Skip to main content
x
6 June 2022

Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Người không chỉ ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam mà còn phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Vì vậy cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của cách mạng nước ta.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[2].

Bối cảnh thực tiễn đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết, để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng  và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nhất là ở các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, như các trường chính trị cấp tỉnh.

  Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Xác định việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác. Nhà trường đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch công tác; vào định hướng phát triển, hoạt động thực tiễn của Đảng bộ, nhà trường, chi bộ và của mỗi khoa, phòng. Triển khai thực hiện nội dung các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo các giáo trình, tài liệu của các cơ quan Trung ương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới trong chương trình giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Nhà trường là đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Chương trình trung cấp lý luận chính trị nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; một số nội dung quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và một số kiến thức liên quan khác. Góp phần củng cố niềm tin của người học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua đó góp phần khẳng định tính đúng đắn, khoa học, bền vững và các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những thành tựu to lớn, về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Đội ngũ giảng viên đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất, tăng cường liên hệ thực tiễn; nâng cao chất lượng giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên đã tăng cường liên hệ thực tiễn, kịp thời cập nhật, bổ sung những chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh mới ban hành có liên quan đến nội dung bài giảng để minh họa trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phù hợp với trình độ nhận thức và yêu cầu đào tạo, bảo đảm học viên nắm và hiểu được những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên các Báo, Tạp chí và Trang thông tin điện tử, Bản tin “Thông tin lý luận, thực tiễn của Nhà trường”. Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề Đảng ta vận dụng sáng tạo và phát triển trong lịch sử và trong công cuộc đổi mới hiện nay; gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhà trường đã tổ chức thành công các Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị, qua đó đã góp phần đánh giá đúng thực chất việc giảng dạy và học tập của học viên tại các lớp trung cấp lý luận chính trị, nâng cao nhận thức và quan tâm hơn nữa về công tác đào tạo lý luận chính trị; đồng thời là dịp cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên, học viên của nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, tạo động lực phát triển cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương trong tỉnh và tạo điều kiện cho các học viên giao lưu học hỏi, tìm ra phương pháp học tập tốt nhất để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị.

Giảng viên của nhà trường đã tích cực chủ động lựa chọn đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về những vấn đề chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như: “Nâng cao đạo đức cách mạng cho giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn theo tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính”; Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn - Thực trạng và giải pháp… Công tác nghiên cứu lý luận, vận dụng trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn đã tiếp tục góp phần khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì kết quả nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới chỉ dừng lại chủ yếu ở việc tuyên truyền, phân tích làm rõ, chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập, nghiên cứu; mặc dù bước đầu đã có sự nghiên cứu lý luận, vận dụng trong thực hiện, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên chưa có nhiều những công trình, sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo vận dụng cụ thể, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Năng lực, khả năng nghiên cứu, tổng hợp phân tích tình hình, nhất là khả năng dự báo, định hướng công tác nghiên cứu, vận dụng, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, giảng viên còn có hạn chế.

Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính sáng tạo trong việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; có ý thức khắc phục triệt để bệnh “lười” học tập lý luận chính trị. Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng tính chủ động cho người học, dành nhiều thời gian cho thảo luận, tự nghiên cứu, xử lý tình huống. Nội dung các bài giảng cần cập nhật những vấn đề mới phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn; đồng thời có sự bổ sung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy.

Thứ hai, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về những vấn đề cơ bản, nền tảng nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua đó chắt lọc, đề xuất những vấn đề cần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn. Phải tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để bổ sung, làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong năm 2022, thực hiện tốt Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 15/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa";

Cán bộ, giảng viên tích cực, chủ động có các tác phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học, các bài viết tuyên truyền, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đăng trên các báo, tạp chí, Trang thông tin điện tử, Thông tin Lý luận - Thực tiễn của nhà trường.

Thứ ba, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Việc kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch là một giải pháp hết sức quan trọng trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ tư, chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nghiên cứu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy sáng tạo và trình độ lý luận, am hiểu tình hình thế giới và trong nước, có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn; gắn lý luận với thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn tốt để không chỉ chứng minh tính đúng đắn, khoa học của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như vậy, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung cơ bản, cấp bách, mang tính sống còn của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ giảng viên ở trường chính trị; để làm tốt được được vai trò này, đòi hỏi sự thống nhất cao về nhận thức trong nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nêu trên./.

ThS. Đồng Hương Gấm

GVC - Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.12, tr.562.

[2] Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII