Skip to main content
x
14 December 2021

Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản (Nghị quyết, Kết luận, Thông báo) để lãnh đạo việc đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nói riêng, như: Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Ngày 21/6/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng nguồn tài chính nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công; mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp; tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động; đồng thời chủ động xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức và hoạt động; ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn được chủ động quyết định số lượng biên chế để thực hiện nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của dơn vị sự nghiệp công. Có thể hiểu khái niệm tự chủ là tự mình có quyền và có thể kiểm soát được những công việc của mình. Tự chủ trong xây dựng kế hoạch tức của đơn vị sự nghiệp công bao gồm phần kế hoạch do đơn vị tự xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị theo quy định của pháp luật và phần kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đó đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:  Đơn vị sự nghiệp công tự xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện;

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Đơn vị sự nghiệp công xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện. Trong việc tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan quản lý cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; Tham gia đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề tự chủ về nhân sự. Đơn vị sự nghiệp công được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Riêng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Về tự chủ về nhân sự, thì đơn vị sự nghiệp công xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng hiện đại và được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên để có thể đưa vào vận hành, sử dụng một cách kịp thời, hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần phải có đầy đủ các điều kiện khác như đội ngũ nhân lực, các cơ chế hoạt động … do vậy ngày 30/11/2020 Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Quyết định số Số 78-QĐ/TU  phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 – 2022, qua đó sẽ tạo ra những thay đổi trong thực hiện nhiệm vụ và công tác tài chính, được coi là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh; tạo điều kiện cho Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện tự chủ nhằm gắn cơ chế hoạt động của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, cụ thể hơn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; tạo điều kiện cho nhà trường chủ động về các khoản thu, mức thu; sử dụng nguồn tài chính; sử dụng tài sản công; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; sử dụng kết quả hoạt động tài chính đảm bảo tính công khai, minh bạch, gắn chất lượng, hiệu quả công việc với thu nhập của công chức, viên chức. Mục tiêu của Đề án thực hiện tự chủ là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới mục tiêu trường chính trị chuẩn theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạo quyền chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý và chi tiêu tài chính cho Thủ trưởng đơn vị. Chủ động khai thác nguồn thu, tăng khả năng tự đảm bảo về kinh phí hoạt động của đơn vị theo lộ trình, giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.  Đồng thời Đề án thực hiện cơ chế tự chủ cũng nhận định về thuận lợi và khó khăn như sau. Về thuận lợi: Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Hàng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các nhiệm vụ khác phù hợp với chức năng nhiệm vụ của  trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho công tác học tập và giảng dạy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Nhà trường còn gặp một số khó khăn, như: Về thực hiện nhiệm vụ, cơ chế quản lý về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay thực hiện trên nguyên tắc: Kết hợp cơ chế phân cấp và cơ chế cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, do vậy nhà trường còn lúng túng, chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cơ bản được đầu tư theo công trình từ trước năm 2000, do đó việc đạt tiêu chuẩn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yếu tố kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ thông tin. Về tổ chức bộ máy, biên chế: Việc cử cán bộ giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều bất cập, một số chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường chưa được hỗ trợ, khuyến khích. Đội ngũ giảng viên được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, nhưng thời gian nghiên cứu thực tế tại cơ sở chưa nhiều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Về tài chính: Nguồn kinh phí hoạt động được ngân sách nhà nước cấp theo định mức biên chế chi quản lý nhà nước, nên chưa có kinh phí bố trí cho việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy và học gây không ít khó khăn trong việc thực hiện công tác giảng dạy. Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong chỉ tiêu kế hoạch hằng năm giao cho Nhà trường thực hiện không bao gồm tiền dạy thêm giờ đối với thời gian giảng dạy vượt định mức cho giảng viên. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của nhà trường không lớn, không ổn định. Ngoài việc trích lập các quỹ theo quy định nhà trường còn phải cân đối từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp để chi trả tiền vượt giờ giảng dạy cho giảng viên do vậy việc bố trí kinh phí mua sắm, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập cũng như bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm được bố trí rất hạn chế, không đủ thanh toán khối lượng hoàn thành dẫn đến thực hiện các dự án phải gia hạn, kéo dài thời gian, không đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Nhằm thực hiện cơ chế tự chủ có hiệu quả đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, lãnh đạo Nhà trường cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 – 2022 và các văn bản của Đảng, Nhà nước về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, để qua đó mọi cán bộ, giảng viên, người lao động hiểu đúng đắn về cơ chế tự chủ. Từ đó cùng nhau đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.

Thứ hai, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thông qua học tập, rèn luyện và giảng dạy, nghiên cứu khoa học để tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ của người cán bộ, viên chức. Khuyến khích tính năng động, sáng tạo của cán bộ, viên chức trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với việc bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp; trọng dụng người tài, thực hiện tốt nguyên tắc công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm. Nhà trường cần nghiên cứu việc chi trả thù lao tiền bồi dưỡng, tiền thưởng, bảo đảm trả đúng sức lao động và giá trị cống hiến của cán bộ,viên chức, người lao động tạo động lực thực thi nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng tốt hơn. Cán bộ, viên chức cần không ngừng nghiên cứu, học tập chuyên môn, nghiệp vụ phấn đấu để trở thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, qua đó nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của nhà trường ngày càng tốt hơn.

Thứ ba, giảng viên phải luôn rèn luyện sự tâm huyết, say mê, tận tụy với công việc, là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy; chính từ sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm mà người thầy tự mình trau dồi, tích lũy kiến thức lý luận, thực tiễn ở mọi nơi, mọi lúc, tự mình rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm để chuyển tải đến học viên một cách hiệu quả nhất.

Thứ tư, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ giảng dạy. Từng giảng viên phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Chúng ta phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định như: mỗi giảng viên phải tự vạch kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra.

Thứ năm, đồng thời, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực thực tiễn thì việc rèn luyện cho mình khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp, bổ sung cho nhau. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên, đồng thời định hướng cho các giảng viên lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với hoạt động chuyên môn của Nhà trường có nhiều giá trị thực tiễn khi trở thành nguồn tài liệu tham khảo bổ ích trong dạy và học. Chú trọng hoạt động nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, củng cố bổ sung, lý giải những vấn đề đặt ra ở cơ sở để làm phong phú bài giảng nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay.

Th.S, GVC Lăng Văn Thăng

                                            Khoa Nhà nước và Pháp luật