Skip to main content
x
15 September 2021

Chủ nhiệm là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội, nhưng sự giải thích trong Từ điển Tiếng Việt chỉ chú ý tập trung vào khái niệm “chủ nhiệm” theo nghĩa một chức danh, với nội hàm là “người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính trong một số cơ quan Nhà nước, một số tổ chức”. Còn thế nào là “giáo viên chủ nhiệm”, “chủ nhiệm lớp”  thì không giải thích mà mặc nhiên thừa nhận cách gọi này theo khẩu ngữ. Xét về mặt thực tế, “giáo viên chủ nhiệm”, “chủ nhiệm lớp” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các trường học.

Hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thực hiện theo Quy chế Quản lý đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Quy chế đào tạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ (Ban hành theo Quyết định số 42 - QĐ/TCT, ngày 08/02/2021 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ). Tiêu chuẩn chủ nhiệm lớp: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Có trình độ đại học trở lên; Trình độ lý luận từ Trung cấp lý luận chính trị hoặc Trung cấp lý luận Chính trị - hành chính trở lên; Có thời gian công tác tại trường từ 02 năm trở lên, nắm vững chương trình đào tạo, quy chế, quy định về quản lý đào tạo nội quy của nhà trường, chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên. Do vậy, đối với chủ nhiệm lớp có một số vấn đề liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp như sau:

Một là;  quyết định, quy chế, quy định, nội quy của Học viện, Nhà trường

Công tác chủ nhiệm lớp được thực hiện và điều chỉnh bởi các quyết định, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các quy định, nội quy, hướng dẫn của Nhà trường ban hành. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chủ nhiệm lớp theo quy chế xác định rõ các hoạt động của chủ nhiệm lớp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong thực tế qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi chương trình luôn đi kèm theo bộ quy chế song hành, nhằm điều chỉnh hoạt động của chủ nhiệm lớp trong quá trình quản lý lớp đối với các loại hình lớp đào tạo, bồi dưỡng và cách thức đánh giá học tập khác nhau. Do vậy, chủ nhiệm lớp phải cập nhật sự thay đổi của chương trình và các quy chế liên quan đến học viên, đến công tác đánh giá kết quả học tập, rèn luyện để kịp thời phổ biến và triển khai công việc đúng theo quy chế, quy định đặt ra. Mỗi sự thay đổi về quy chế đào tạo cũng có sự thay đổi đối với các hoạt động quản lý lớp như thẩm quyền giải quyết và cách thức tổ chức hoạt động lớp. Các quy chế, quy định là cơ sở để thực hiện đánh giá các hoạt động của chủ nhiệm lớp, là cơ sở pháp lý để phân công chủ nhiệm lớp như quy định tiêu chuẩn, quyền lợi của chủ nhiệm lớp, cơ chế để thực hiện khen thưởng và kỷ luật của chủ nhiệm lớp.

Hai là:  vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo trường, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học và các đơn vị phối hợp

Chủ nhiệm lớp là người được Lãnh đạo trường giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp học theo quy chế đào tạo như: theo dõi việc học tập và rèn luyện của học viên, truyền đạt những chủ trương của nhà trường đến lớp học theo chỉ đạo của Lãnh đạo trường. Mặt khác, chủ nhiệm lớp còn phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng quản lý các hoạt động của học viên, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo… Do đó, vấn đề lựa chọn  giảng viên chủ nhiệm lớp hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của mỗi lớp. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của Lãnh đạo trường, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với công tác chủ nhiệm lớp, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến chất lượng công tác chủ nhiệm lớp. Giảng viên làm công tác chủ nhiệm là người được Lãnh đạo trường giao trách nhiệm  quản lý lớp học theo  nội quy, quy chế của nhà trường, góp phần đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập, đảm bảo thực thi trên thực tế các quyền và nghĩa vụ của giảng viên, học viên theo quy định. Do đó, khi có vấn đề xảy ra đối với lớp học và công tác chủ nhiệm, Lãnh đạo trường, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ chỉ đạo kịp thời, giải quyết hợp lý. Thực tế cho thấy, công tác chủ nhiệm lớp luôn được Lãnh đạo trường quan tâm nhằm đảm bảo sự thống nhất từ lãnh đạo, chỉ đạo đến thực hiện, tạo ra nền nếp, bài bản sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực hơn về chất lượng. Các quyết định, quy chế trong công tác tích cực cập nhật, triển khai thực hiện bằng những quy định cụ thể phù hợp với nhà trường thì công tác chủ nhiệm sẽ dễ dàng, thống nhất cao. Như thế, chủ nhiệm lớp sẽ ngày càng quan tâm làm tốt nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, thực hiện đúng các quy định; tích cực xây dựng nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý học viên. Công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng và bổ sung các văn bản quản lý học viên của Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên làm tốt công tác chủ nhiệm lớp. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý để chủ nhiệm lớp thực hiện nhiệm vụ và đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc được giao.

Ba là: năng lực, kỹ năng, phẩm chất đạo đức của chủ nhiệm lớp

Chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa nhà trường với học viên. Do đó, để làm tốt công việc đòi hỏi chủ nhiệm lớp cần có những tiêu chuẩn và điều kiện nhất định, đồng thời phải nắm vững những yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Năng lực và phẩm chất của giảng viên chủ nhiệm góp phần quan trọng vào hiệu quả của công tác chủ nhiệm lớp. Năng lực thực hiện công tác chủ nhiệm được định nghĩa là tổ hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tạo điều kiện cho giảng viên chủ nhiệm lớp hoàn thành các nhiệm vụ theo tiêu chuẩn đặt ra. Để công tác chủ nhiệm lớp hoạt động hiệu quả đòi hỏi chủ nhiệm lớp là người cần tổng hợp nhiều kiến thức và kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng nắm bắt thông tin, kỹ năng phối hợp, kỹ năng quản lý hồ sơ…biết sử dụng các kỹ năng linh hoạt trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lớp học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi giảng viên chủ nhiệm lớp phải sáng tạo, linh hoạt tìm ra các phương pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tế của từng lớp học, địa phương. Luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống của mình có bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có thái độ trung thực, khách quan, khiêm tốn, có lối sống lành mạnh, tác phong gần gũi, sâu sát với học viên. Giảng viên chủ nhiệm lớp phải tâm huyết với công việc của mình, thực hiện nhiệm vụ mới xây dựng tập thể lớp học trở thành khối đoàn kết thống nhất và đạt hiệu quả cao trong học tập và rèn luyện.

Bốn là:  ý thức, thái độ của học viên đối với việc tham gia học tập

Đối tượng học viên theo học tại trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng phòng, phó trưởng phòng, ban cấp huyện và tương đương; cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương. Học viên được xác định là đối tượng trung tâm của quá trình dạy và học. Do đó, học viên là một trong những chủ thể quan trọng quyết định đến chất lượng của công tác chủ nhiệm lớp. Nhận thức của học viên đối với học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị khi theo học các chương trình quyết định lớn đến thái độ học tập của học viên trong tham gia học tập, rèn luyện của quá trình học tập. Nếu học viên có động cơ học tập đúng đắn, luôn tự giác say mê, học tập với những mục tiêu cụ thể rõ ràng, giúp công tác chủ nhiệm lớp dễ dàng và hiệu quả hơn.

Năm là: cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

  Cơ sở vật chất  nhà trường là yếu tố quan trọng bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ là điều kiện cần thiết, tác động trực tiếp đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường phải đảm bảo cho học viên không gian thoải mái phục vụ học tập và sinh hoạt. Các điều kiện về vệ sinh môi trường, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế phù hợp; các phương tiện thiết bị hiện đại quản lý lớp học, các trang thiết bị phục vụ cho phương pháp giảng dạy tích cực nhằm để học viên tham gia học tập hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường là điều kiện đảm bảo giảng viên có thể truyền thụ một cách hiệu quả những nội dung của bài giảng.

Có thể khẳng định, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò và các hoạt động cụ thể trong công tác chủ nhiệm lớp; các yếu tố tác động đến công tác chủ nhiệm lớp cho thấy được tổng quát chung về hoạt động công tác chủ nhiệm lớp ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ sở quan trọng để  đưa ra những đánh giá, phân tích, đối chiếu trong thực hiện công tác chủ nhiệm lớp ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ./.

                                                           Hoàng Xuân Yến

                                                        Khoa Nhà nước và Pháp luật