Skip to main content
x
2 June 2021

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc; có đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); diện tích tự nhiên 8.310,09km. Tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố loại II (có 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP); có 200 xã, phường, thị trấn (trong đó có 31 xã, phường, thị trấn khu vực I; 57 xã khu vực II; 112 xã khu vực III), 1.850 thôn, bản, tổ dân phố; có 114 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới và 83 thôn đặc biệt khó khăn của 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Dân số toàn tỉnh 789.600 người; dân tộc thiểu số (DTTS) là 655.896 người, chiếm 83,7%, gồm 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng chiếm 42,8%; Tày chiếm 35,4%; Kinh chiếm 16,11%; Dao chiếm 3,5%; Sán Chay chiếm 0,63%; Hoa chiếm 0,3%; Mông chiếm 0,17%; các dân tộc khác chiếm 0,12%[1]. Những năm qua cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào DTTS. Đng bào các DTTS đã phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, kịp thời nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS. Công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời nắm tình hình, định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào DTTS.Triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn tiếng nói của đồng bào DTTS, như: Tổ chức các khóa học tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức; mở chuyên mục phát sóng các bản tin, các chương trình ca nhạc bằng tiếng dân tộc trên sóng phát thanh và truyền hình; sử dụng tiếng dân tộc trong sáng tác văn học nghệ thuật, dịch các tác phẩm sang tiếng Tày, Nùng phục vụ độc giả. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như nghệ thuật hát then - đàn tính, hát sli, hát lượn của dân tộc Tày, Nùng, những điệu múa, các trò dân gianđược duy trì và phát triển.

Cấp ủy, tổ chức đảng ở vùng đồng bào DTTS tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tích cực động viên Nhân dân phát huy mọi nguồn lực, vận dụng tốt các chính sách kinh tế của Nhà nước để phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập. Tạo động lực cho đồng bào DTTS tích cực, hăng hái trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình. Cấp ủy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo gắn với xây dựng các mô hình tập thể, cá nhân điển hình, góp phần làm chuyển biến nhận thức trong hệ thống chính trị mang lại hiệu quả tích cực trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được Nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ. Tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo” các cấp tạo sức lan tỏa trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Lãnh đạo thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” 2018, 2019, qua đó nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS của chính quyền, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp.

Công tác dân vận của cơ quan Nhà nước tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Chỉ đạo t chức thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hỗ trợ các DTTS; thực hiện có hiệu quả Chương trình 135; Chương trình 30a. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào DTTS ít người có dân số dưới 10% dân số toàn tỉnh, là hộ nghèo, có hộ khẩu thường trú tại các xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua thực hiện chính sách, tỷ lệ hộ được thụ hưởng thoát nghèo bình quân mỗi năm đạt khoảng 8%. Duy trì thực hiện công tác ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các hộ vay vốn, phát triển sản xuất giai đoạn 2014 - 2020 thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; xây dựng 32 mô hình với 1.640 lượt người nghèo tham gia; tổ chức 42 lớp tập huấn, hướng dẫn cho 2.203 lượt người nghèo về cách thức tổ chức sản xuất; 60.000 lượt lao động được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm. Giai đoạn từ 2013 - 2019, tỉnh đã cử 63 lượt học sinh là người DTTS đi đào tạo hệ cử tuyển tại các trường đại học, đồng thời tiếp nhận 171 hồ sơ của sinh viên hệ cử tuyển đã tốt nghiệp để giới thiệu, phân công công tác, trong đó có 61 trường hợp được bố trí việc làm, chiếm 35,6%[2]. Tăng cường xây dựng và phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Tích cực phát triển y tế cộng đồng, thôn, bản và y tế xã khu vực đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân gắn với bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu.

Măt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân xây dựng tổ chức vững mạnh; xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền, vận động qua Website, fanpage facebook, zalo... tăng cường đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho đoàn viên, hội viên về kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS.

Cùng với đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành thuộc lực lượng vũ trang Trung ương về công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS. Tập trung bám sát, nắm địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, dự báo tình hình, ngăn chặn và chủ động xử lý các tình huống, không để tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về dân tộc,không để phát sinh thành điểm nóng.

Có thể nói, trong những năm qua công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tiếp tục được nâng lên. Tăng cường, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự quản lý điều hành quyết liệt của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc vận động đồng bào DTTS vượt qua những khó khăn, thách thức; các chính sách về dân tộc được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao,góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS vẫn còn những hạn chế, đó là việc triển khai một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự tích cực, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác dân vận. Quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai các phong trào hoạt động hoặc giải quyết một số vụ việc phát sinh trong Nhân dân các dân tộc còn thiếu chặt chẽ, kết quả đạt chưa cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở mặc dù đã có đổi mới về nội dung, đa dạng hoá hình thức vận động, tập hợp quần chúng, nhưng công tác xây dựng và hoạt động của lực lượng nòng cốt trong đồng bào dân tộc còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc có lúc còn thiếu hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động của một số ít cán bộ, công chức làm công tác công tác dân vận, công tác dân tộc, nhất là tại cơ sở hiệu quả chưa cao.

Để tạo bước chuyển biến mới trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công tác dân vận của cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh và đổi mới công tác vận động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, động viên Nhân dân các DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước; nhất là quan tâm những nơi còn có vấn đề gây bức xúc trong địa bàn DTTS vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ dân vận; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác dân vận để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực liên quan đến lợi ích của đồng bào DTTS. Khích lệ nhân sĩ, trí thức, người uy tín trong cộng đồng DTTS, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... gương mẫu trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá xếp loại, phân loại thi đua, định kỳ sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình thực hiện đạt kết quả việc đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS./.

                                                              Nguyễn Văn Hiệp

                                                   Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

[1]Báo cáo số 562/BC-UBND ngày 05/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020

[2]Báo cáo số 12- BC/TU ngày 13/11/2020 của Tỉnh ủy về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số