Skip to main content
x
25 February 2021

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có được những kinh nghiệm trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Giảm nghèo bền vững đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

1. Nhiều chính sách và giải pháp giảm nghèo được ban hành và tổ chức thực hiện

Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 02/08/2016 Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 về Chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế làm việc cấp tỉnh và chỉ đạo cấp cơ sở thường xuyên kiện toàn, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc để tập trung theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các chính sách. Trên cơ sở định mức phân bổ nguồn vốn của tỉnh, các cơ quan, các huyện, thành phố đã chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, dự án như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong đó có Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ.... 

Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt là Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai những giải pháp giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng ban hành văn bản, kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị, chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường) tổ chức các hoạt động trong chương trình giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến giảm nghèo. Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo các huyện, thành phố hàng năm căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn

Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và toàn xã hội quan tâm thực hiện khá đồng bộ các giải pháp, kịp thời góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh và bền vững:

Tập trung triển khai, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn cho cán bộ: triển khai được 542 lớp với 36.946 lượt cán bộ được đào tạo, trong đó tại cộng đồng 31.792 lượt người tham gia, 5.154 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã. Qua đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tổ chức thực hiện, quản lý số hộ nghèo trong điều tra, rà soát hàng năm, kỹ năng điều tra, rà soát, đánh giá hộ nghèo, kỹ năng tổng hợp, báo cáo kết quả giảm nghèo, kỹ năng giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ giảm nghèo phát huy kiến thức được đào tạo ngay tại cơ sở.

Song song với đó, việc giải quyết kịp thời các chính sách cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, cơ sở hạ tầng luôn được chú trọng

Đẩy mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số giúp chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và phấn đấu làm giàu. Tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các mục tiêu giảm nghèo. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là trên phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị tập huấn, các cuộc họp thôn, bản, qua đó các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được phổ biến tại chỗ. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về các mục tiêu, chính sách giảm nghèo bền vững đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng lên, về cơ bản người dân nắm bắt được các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia

Công tác giám sát từ cộng đồng người dân trong tổ chức thực hiện từng chương trình đã phát huy tính tự chủ của cộng đồng với các chính sách, dự án chương trình giảm nghèo triển khai tại cộng đồng. Vai trò của người dân được tham gia từ khâu lấy ý kiến, lập kế hoạch, triển khai và thụ hưởng như dự án hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất

2. Kết quả đạt được từ các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững

Trong 5 năm trở lại đây, đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay với tổng kinh phí hơn 2.888 tỷ đồng cho 101.099 hộ. Nguồn vốn cho vay chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh nhỏ, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, dư nợ ở lĩnh vực này chiếm 85% tổng dư nợ. Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn ý thức được giá trị của vốn vay, biết sử dụng vốn vào mục đích đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc cho vay vốn ưu đãi học sinh, sinh viên góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do khó khăn về tài chính.

Về chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đạt được những kết quả khả quan, cụ thể: Tổng số lượt người được cấp thẻ BHYT thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số là 1.174.000 thẻ với kinh phí trên 663,317 triệu đồng, 129.038 người nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 79.530 triệu đồng. Tổ chức khám bệnh và điều trị bằng thẻ BHYT cho trên 960.000 lượt đối tượng người nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 573,8 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, giúp người nghèo tiếp cận được dịch vụ công về khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo. Cũng như các chế độ, chính sách trong giáo dục và đào tạo như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, vở viết, đồ dùng học tập cho học sinh, hỗ trợ ăn bán trú trong các trường phổ thông. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên, đảm bảo việc huy động tỷ lệ học sinh mầm non và học sinh phổ thông đến trường đạt cao, hạn chế học sinh bỏ học.

Không những vậy, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho hộ nghèo 145.139 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí 60,672 tỷ đồng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã góp phần quan trọng trong việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, các hộ nghèo có nhà ở ổn định, giúp người nghèo yên tâm sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm đầy đủ, đúng đối tượng với tổng số tiền 39.314,52 triệu đồng.

Đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở các xã đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ với: 8.188 lượt hộ, 33.646 lượt nhân khẩu; chủ yếu hỗ trợ trực tiếp bằng các loại vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi: 531,777 tấn vật tư nông nghiệp; 10 kg hạt giống; 28.219 cây giống, 9.376 vật nuôi các loại ;  9.024,4 kg thức ăn chăn nuôi với tổng kinh phí 16,979 tỷ đồng. Chính sách này đã góp phần tạo thuận lợi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ít người chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng biên giới.

1

Mô hình trồng Cúc hoa thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới đem lại hiệu quả kinh tế tại Thôn Nà Lọ, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Phùng Linh)

Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình giảm nghèo, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm nhanh và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 3,58% năm 2016 xuống còn 3,3% năm 2017 và 3,24% năm 2018,  năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,0%.

Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Những kết quả trên cho thấy chương trình giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, người lao động.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế nhất định:

Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh, do vậy vấn đề giải quyết việc làm, tạo việc làm sau đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn; người lao động chưa mạnh dạn đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bên ngoài tỉnh hay đi xuất khẩu lao động. Trình độ dân trí của người dân vùng sâu, vùng xa còn thấp, dẫn đến nhận thức về việc học nghề và khả năng tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất song chỉ dừng ở một vài mô hình sản xuất nhỏ lẻ, việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được sản phẩm nông sản mang tính hàng hoá.

Công tác huy động các nguồn lực thực hiện còn hạn chế, chưa phát huy được các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân ra diện rộng; một bộ phận không nhỏ hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, của xã hội, làm ảnh hưởng đến mục tiêu và tính bền vững của chương trình giảm nghèo. 

Phương hướng trong thời gian tới:

Một là, phải thường xuyên có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền về công tác giảm nghèo; cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện.

Hai là, có kế hoạch chi tiết đảm bảo triển khai thực hiện từng nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả; phải thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, hiệu quả các chính sách, dự án của Chương trình.

Ba là, phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nắm rõ về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, tích cực tham gia của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Bốn là, cần chú trọng phát huy tính cộng đồng, cùng chung sức, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp các nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; có sự tham gia tích cực của người dân, của chính người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, dự án của Chương trình đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực, tạo động lực cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. 

Th.S Hoàng Thị Quyên

   Khoa Lý luận cơ sở