Skip to main content
x
27 November 2020

Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo của con người nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức và cải tạo thế giới. Nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội loài người; giúp con người nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn bản chất về các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên, xã hội và cả trong tư duy. Đồng thời thông qua quá trình hoạt động đó sẽ làm cho tư duy của con người ngày càng phát triển.

Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Trong Nghị quyết Số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) của Đảng chỉ rõ: Cùng với giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế xã hội; là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trước yêu cầu đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu mới hiện nay của công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối với các Trường Chính trị tỉnh trong cả nước nói chung và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn nói riêng đòi hỏi người cán bộ, giảng viên phải chú trọng đến chất lượng bài giảng; biết sơ kết, tổng kết thực tiễn đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường đã dần dần đi vào nề nếp, nhiều giảng viên đã có các bài viết được đăng trên các tạp trí Trung ương và địa phương, đăng trên các bản tin, thông tin điện tử của nhà trường và các cổng thông tin khác trong toàn tỉnh. Các buổi hội thảo khoa học được giảng viên tập trung nghiên cứu và tham gia với các bài viết chuyên sâu được đánh giá cao trong các kỳ hội thảo. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu và có hướng phát triển nội dung lên cấp cao hơn. Đó là kết quả của sự cố gắng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học để hỗ trợ, phục vụ cho quá trình giảng dạy tốt hơn.  

Tuy nhiên, vẫn còn một số giảng viên chưa thực sự dành thời gian, tâm huyết, phát huy tính tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, vì vậy còn có những bài viết kém về chất lượng so với yêu cầu đặt ra.

Để tiếp tục phát huy tính tích cực, tự giác của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ có hiệu quả cho quá trình giảng dạy tại trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn hiện nay, theo tôi cần quan tâm đến:

Một là, người giảng viên cần nâng cao nhận thức, thái độ, động cơ trong công tác nghiên cứu khoa học một cách đúng đắn, nhận thức, thái độ, động cơ phát triển nghiên cứu khoa học đúng đắn, rõ ràng sẽ tạo cho giảng viên có ý thức tự giác, trách nhiệm cao, huy động tốt nhất những phẩm chất tâm lý, ý chí, quyết tâm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học; là cơ sở để giảng viên say mê, nhiệt tình, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn trong thực tiễn nghiên cứu để vươn lên, phát triển năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của mình. Đó cũng chính là những biểu hiện cao nhất của tính tích cực, tự giác trong phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của người giảng viên. Do đó, cần phải thường xuyên coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và vận dụng vào quá trình giảng dạy của giảng viên.

Giảng viên cần thấy được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường cũng như trên cương vị công tác giảng dạy, giảng viên phải coi sự phát triển đó là trách nhiệm của mình. Khắc phục tư tưởng ngại nghiên cứu khoa học của giảng viên. Làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và quá trình giảng dạy của nhà trường ngày càng nâng cao về chất.

Hai là, tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn cho giảng viên, hoạt động thực tiễn là môi trường thuận lợi cho mỗi giảng viên tự khẳng định mình, làm nảy sinh nhu cầu tích cực, tinh thần tự giác, cố gắng phấn đấu vươn lên chiếm lĩnh tri thức, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao của người giảng viên. Thực tiễn không chỉ là nơi kiểm nghiệm đánh giá nhận thức, năng lực của mỗi giảng viên, mà còn là "mảnh đất" hiện thực sinh động, kích thích lòng say mê, nhiệt tình sáng tạo của họ. Càng tham gia nhiều hoạt động thực tiễn bao nhiêu, những vấn đề mới càng nảy sinh bấy nhiêu và càng thôi thúc họ tích cực nghiên cứu, tìm tòi, khám phá. Chính vì vậy trong quá trình giảng dạy phải hết sức chú trọng tổ chức hoạt động thực tiễn cho giảng viên.

Trong từng năm học, từng nhiệm vụ cụ thể, trên cơ sở nội dung chương trình đào tạo. Sau mỗi hoạt động của giảng viên phải có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương kịp thời những sáng kiến hay, những kết quả tốt mà giảng viên đạt được.

Hoạt động thực tiễn của giảng viên là một nội dung rộng lớn bao gồm nhiều hoạt động cụ thể khác nhau, trong đó cần coi trọng và tổ chức thực hiện tốt một số hoạt động cơ bản như: hoạt động giảng dạy, hoạt động tham gia quản lý, hoạt động tọa đàm, hội thảo ….

 Đối với hoạt động giảng dạy, giảng viên cần được tham gia tất cả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng mà nhà trường đảm nhận. Qua đó mỗi đối tượng giảng dạy cần có những bài soạn, giảng bài khác nhau cho phù hợp với nội dung và cả phương pháp, giảng viên sẽ phát huy được tính tích cực của mình trong hoạt động soạn và giảng dạy, và khi giảng viên được tham gia vào công tác quản lý các loại hình lớp học sẽ kích thích được tính tích cực, tính tự giác trong nghiên cứu đối tượng giảng dạy, từ đó kích thíc sự tìm tòi sáng tạo nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Một nội dung quan trọng trong tổ chức hoạt động thực tiễn của giảng viên là thường xuyên coi trọng tổ chức các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, trao đổi… từ đó, khuyến khích giảng viên tích cực tham gia. Đây cũng chính là những biểu hiện của hoạt động nghiên cứu khoa học, thông qua các hoạt động đó với những chủ đề, nội dung thiết thực cụ thể, giảng viên tiếp nhận thêm những kiến thức từ thực tiễn của đồng nghiệp và củng cố cho năng lực nghiên cứu khoa học cũng như vị trí, vai trò của mình đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên sẽ tích cực nghiên cứu không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Ba là, phát huy tốt dân chủ, tôn trọng ý kiến của giảng viên về những vấn đề khoa học.

Nghiên cứu khoa học cần có bầu không khí dân chủ, tự do về tư tưởng, dựa trên những căn cứ khoa học vì chỉ trong môi trường ấy, nhà khoa học mới có thể suy nghĩ độc lập và đi đến cùng của sự tìm tòi, sáng tạo; lý luận khoa học không thể phát triển nếu tư tưởng không được giải phóng, nếu thiếu thảo luận, tranh luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo.

Vì vậy phát huy dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học phải được xây dựng từ hai phía: cả giảng viên và người Lãnh đạo quản lý. Trước những vấn đề khoa học mọi người đều bình đẳng, tự do tư tưởng, tranh luận thẳng thắn. Những ý kiến tranh luận của giảng viên có thể đúng hoặc chưa đúng, có thể đầy đủ hoặc chưa đầy đủ đều phải được tôn trọng. Phủ nhận một ý kiến nào đó phải bằng cách lập luận, lý giải chặt chẽ, có cơ sở khoa học hơn, không được áp đặt chủ quan hoặc xem thường ý kiến của họ. Đối với những giảng viên có những tư tưởng mới, những giải pháp hay cần phải được khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục nghiên cứu phát triển năng lực của bản thân.

Bốn là, có chính sách, cơ chế nghi nhận thành quả nghiên cứu khoa học tạo động lực, động viên về cả tinh thần lẫn vật chất đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Động lực thúc đẩy tính tích cực, tự giác phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn hiện nay, không chỉ phụ thuộc vào việc nâng cao nhận thức, vào môi trường dân chủ, mà còn phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách, sự quy đổi của công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học sang giờ nghiên cứu khoa học cho giảng viên. Thực chất của việc khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần đối với hoạt động nghiên cứu khoa học là sự giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa đào tạo và sử dụng con người, vạch ra mục tiêu hoạt động cho họ, tạo ra động lực cho tính tích cực của mỗi giảng viên.

Thực hiện chính sách khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền biểu dương khen thưởng những giảng viên có thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời đưa nghiên cứu khoa học của giảng viên thành một tiêu chuẩn ưu tiên trong xem xét, đề bạt, phân công công tác.

Tính tích cực tự giác của giảng viên trong nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là quá trình diễn ra bên trong của chính người dạy dưới tác động của các yếu tố bên ngoài, đồng thời nó là kết quả sự nỗ lực chủ quan của mỗi giảng viên. Chính vì vậy, bản thân mỗi giảng viên phải tự tạo ra cho mình nhu cầu, động cơ, mục tiêu phấn đấu; phải tự chiến thắng chính bản thân mình để phấn đấu vươn lên. Mỗi giảng viên phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện đức tính ham học, cầu tiến bộ vươn tới cái mới. Không thoả mãn dừng lại với những kết quả đạt được mà phải xem đó là tiền đề, là điều kiện thuận lợi trên con đường phát triển năng lực của mình. Phải thường xuyên rèn luyện cho mình đức tính cần cù, chịu khó trong học tập, nghiên cứu, kiên quyết khắc phục những biểu hiện của tư tưởng tự cao, tự đại, bởi đó chính là kẻ thù nguy hiểm bên trong kìm hãm sự phấn đấu vươn lên của mỗi học viên. Sinh thời V. I. Lênin và Hồ Chí Minh thường phê phán gay gắt những cán bộ, đảng viên mắc "thói kiêu ngạo cộng sản" từ đó không chịu khó học tập, rèn luyện và tu dưỡng.

Cùng với việc rèn luyện những đức tính trên, mỗi giảng viên cần phải tự xây dựng và nghiêm túc thực hiện kế hoạch học tập, nghiên cứu của mình, chủ động dành thời gian thường xuyên bổ sung cập nhật tri thức mới để không ngừng làm giàu trí tuệ và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học.

Tin tưởng rằng, với sự yêu thích, đam mê, nhiệt huyết của mỗi giảng viên trường chính trị Hoàng văn Thụ trong thời gian tới sẽ phát huy hơn nữa tính tích cực của mình để có những công trình khoa học hay, hữu ích phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đáp ứng được sự đòi hỏi trong tình hình mới./.

ThS. Lý Minh Thu

Khoa: Lý luận cơ sở