Skip to main content
x
19 October 2020

        Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tuyên truyền lớn của Đảng ta, là tấm gương mẫu mực về công tác tuyên truyền. Người xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên nhờ có công tác này đã góp phần to lớn vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong các kênh thông tin tuyên truyền thì tuyên truyền miệng được Đảng ta xác định là quan trọng hơn cả là cầu nối góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là tuyên truyền các mô hình mới, chính sách thí điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian qua. Trong phạm vi bài viết chỉ xin đề cập kết quả thực hiện một số mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và đề ra phương pháp giúp giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền những mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Lạng Sơn.

Những năm qua trong quá trình lãnh đạo toàn dân thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đó đặc biệt phải kể đến một số mô hình đã và mới thành lập nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu như một số các mô hình:

Thành lập Qũy phát triển đất để tập trung nguồn vốn đủ lớn để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất theo quy hoạch. Sau một thời gian triển khai thực hiện Đề án, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư như: Dự án Tổ hợp sản xuất lắp ráp và thương mại Việt Nhật, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2035 các điểm tạo quỹ đất sẽ đem lại diện mạo mới cho tỉnh Lạng Sơn về thu hút đầu tư kinh doanh.

Với mô hình Rải vụ sản xuất Na kết hợp công nghệ tưới tiết kiệm. Hiện nay trên địa bàn huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng Na, vùng trồng thuốc lá, vùng trồng ớt, vùng trồng gừng... Toàn huyện hiện có 136,96 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 1.000 ha Na được các nhóm hộ tại các xã, thị trấn vùng trồng na cam kết sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Cùng với đó Hợp tác xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, huyện Cao Lộc thành lập liên kết sản xuất chuỗi khép kín sản phẩm từ năm 2006. Hợp tác xã liên kết cung ứng lợn giống, nguồn nguyên liệu, cho 5 công ty thuộc các tỉnh trong khu vực, trồng các loại dược liệu quý. Duy trì việc làm ổn định cho 35 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Với những thành quả đó Hợp tác xã đã được UBND tỉnh, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng nhiều Bằng khen, Chứng nhận doanh nghiệp - doanh nhân tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2017.

Nếp cái hoa vàng là một trong nhiều loại nông sản đặc sản của Huyện Bắc Sơn. Đây là giống lúa được người dân xã Bắc Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh) sản xuất từ nhiều năm nay, chất lượng gạo mềm dẻo, thơm ngon. Để duy trì và phát triển chất lượng cũng như danh tiếng của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, năm 2016 huyện đã triển khai dự án Xây dựng cánh đồng mẫu “nếp cái hoa vàng”. Thời gian tới gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn được chứng nhận thương hiệu sẽ giúp sản phẩm có khả năng phát triển, cạnh tranh cao hơn.

Vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn ViệtGAP trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 ha, với sản lượng hơn 100.000 tấn/năm, thu trên 800 tỷ đồng/năm. Trong đó có nhiều nơi mở rộng mô hình trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: thôn Nà Chuông xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn); thôn Nà Hán, xã Tân Liên, thôn Bắc Đông II xã Gia Cát huyện Cao Lộc. Để phát triển thương hiệu RAT, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương định hướng sản xuât, tổ chức có chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm; triển khai mô hình RAT gắn với xây dựng thương hiệu nhãn mác sản phẩm.

Lạng Sơn là tỉnh có diện tích Hồi lớn nhất cả nước với trên 34.000 ha, chiếm trên 70% nguyên liệu cung ứng cho chế biến các sản phẩm gia vị theo tiêu chuẩn Hồi tự nhiên, trồng tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình gia, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng. Hồi là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, bào chế thuốc Taminflu kháng virus cúm. Do vậy, các hãng dược phẩm lớn trên thế giới  như: Mỹ, Thụy Sĩ, Nga, Ấn Độ và các nước châu Phi đang là những thị trường tiềm năng nhập khẩu các sản phẩm hồi của tỉnh. Ngày 22/12/2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2225/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị cây Hồi giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030. Như vậy, sản phẩm hồi đã dần tìm được chỗ đứng với thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài ra để giúp bà con giảm nghèo trong 10 năm qua, tỉnh đã trồng mới được 109.145 ha độ che phủ rừng tăng từ 46,4% năm 2008 lên 62% năm 2018. Các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng thông ở các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc; vùng keo, bạch đàn ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng....cùng với xây dựng Nhà máy sản xuất, chế biến nhựa thông, gỗ công nghệ cao tại chỗ đã góp phần tiếp kiệm kinh phí vận chuyển cho nhân dân.

Đồng thời phát triển du lịch cộng đồng đang phát huy lợi thế của tỉnh có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán cùng điều kiện tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh thuận lợi rất phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái nổi bật như làng du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh) huyện Bắc Sơn; xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng hằng năm đón khoảng 10.000 lượt khách. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng tăng 3 triệu đồng so với năm 2017.

Nhờ triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất kinh doanh, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ 32,2 triệu đồng năm 2015 lên 43,4 triệu đồng năm 2019.

Trong những năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đời sống của người dân đã có những thay đổi đáng kể, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh.Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ 32,2 triệu đồng năm 2015 lên 43,4 triệu đồng năm 2019. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 25,95% năm 2015 xuống còn 10,34% năm 2019.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phát và quyết tâm thực hiện, cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân đã tạo nên phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh hướng tới thực hiện vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề đề. Các mô hình cách làm hay được triển khai thực hiện đã khuyến kích, động viên cán bộ và nhân dân phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo đem lại những chuyển biến tích cực và hình thành những mô hình, cách thức sản xuất mới hiệu quả. Thành công bước đầu của các mô hình mới, cách làm hay có ý nghĩa thiết thực để rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc tiếp tục nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Với những kết quả trên giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ với chức năng nhiệm vụ của mình là thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; về tình hình nhiệm vụ địa phương; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, nên đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền các mô, chính sách thí điểm, cách làm hay đến với học viên thông qua những giờ giảng của giảng viên qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức. Để Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đảm nhận thực hiện tốt công tác tuyên truyền với những nội dung liên quan đến các mô hình mới, chính sách thí điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn trước hết cần phải thực hiện một số nội dung sau:

Một là, giảng viên cần chủ động khai thác các thông tin cần thiết và phải được cung cấp thông tin đầy đủ về những mô hình cách làm hay từ các cơ quan chức năng. Đồng thời bản thân giảng viên phải chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực thế theo tập thể khoa, phòng và cá nhân để có thể trải nghiệm thực tiễn qua chuyến đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Thông qua những chuyến đi này giảng viên có cơ hội trực tiếp trao đổi kỹ với các chủ mô hình về các cách làm hay về những thuận lợi khó khăn và giải pháp đạt hiệu quả của các mô hình, cách làm hay.

Hai là, giảng viên cần xác định rõ đối tượng tuyên truyền. Việc nắm vững đối tượng tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi loại hình lớp khác nhau mà giảng viên thiết kế bài giảng và các siled cho phù hợp. Chẳng hạn như các lớp ở huyện đối tượng học viên phần đa là cán bộ, lãnh đạo đoàn thể ở huyện và các xã thì cần giới thiệu kỹ cách làm hay các mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với từng huyện; còn đối với học viên ở các lớp không tập trung tại trường đối tượng học viên chủ yếu là cán bộ lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể của tỉnh thì nên chú trọng hơn các mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại.

Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế. Trước đây chủ yếu tuyên truyền theo phương pháp truyền thống thì tuyên truyền các mô hình cần kết hợp hình ảnh trực quan các mô hình và có chú thích rõ ràng, phim tư liệu, các hoạt động trải nghiệm thực tế. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, sâu sắc, thiết thực, cụ thể, rõ ràng, vắn tắt nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi, có nội dung dễ hiểu và dễ nhớ, dễ áp dụng và thực hiện. Thực tế cho thấy là qua bài giảng tại các lớp học viên thường tập trung chú ý lắng nghe những kiến thức thực tiễn, các mô hình cách làm hay tại các cơ sở hơn là nghe lý thuyết lý luận trong giáo trình.

 Thực tiễn trong giai đoạn cách mạng của cả nước hiện nay, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện phong trào của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể những thành quả mà chúng ta có được là nhờ chúng ta đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác dân vận luôn lấy dân làm gốc và nói đi đôi với làm. Đặc biệt là làm theo chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, là những bài học vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn cả về thực tiễn và lý luận. Do vậy, trong công tác tuyên truyền lý luận chính trị, người giảng viên Trường Chính trị nếu chúng ta vận dụng thật tốt và linh hoạt những phương pháp đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những sẽ giúp chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng nói chung tuyên truyền về các mô hình, các cách làm hay nói riêng, mà còn giúp làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở từng địa phương, đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

                                                                       Triệu Thị Huệ

                                                         Giảng viên khoa Xây dựng Đảng